Chưa đáng lo về lạm phát

27/09/2012 03:05 GMT+7

Bất thường, nguy cơ lạm phát cao… là quan ngại của nhiều người khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng đột biến 2,2% so với tháng trước và tăng 5,13% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tiếp xúc với Thanh Niên đều khẳng định chưa nên quá lo lắng về lạm phát.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng Nghị quyết của Quốc hội đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số, tức là có thể ở mức 8-9%, chứ không phải mục tiêu 7% như Chính phủ và một số chuyên gia tuyên bố. Với tình hình hiện tại, không nên quá lo lắng lạm phát quay trở lại.

 

Ba tháng còn lại nếu CPI tăng khoảng 3% thì năm nay cũng chỉ tăng khoảng 8-8,5%, vẫn nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Do đó, chúng ta không vì những thông tin vừa qua mà hoảng loạn, siết chặt tín dụng, ngừng giải ngân càng khiến cho tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn
Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Lý do là tháng 9 mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,2% nhưng trong đó hai nhóm đặc thù gồm y tế, giáo dục chỉ tăng trong tháng 9 thôi chứ không tăng ở các tháng khác. Nếu cộng cả giao thông vận tải (GTVT) và vật liệu xây dựng nhà ở thì bốn mặt hàng này tăng 1,7% trong số 2,2% trong tháng 9. Còn lại, tất cả nhóm hàng khác trong rổ hàng hóa tính CPI đều có mức tăng thấp, cao nhất 0,6%, thậm chí nhóm thực phẩm giảm giá.

Vẫn giữ được một con số

TS Lịch dự đoán, trong tháng 10 tới đây, không thể nào học phí và dịch vụ y tế tăng tiếp, dù biến động giá xăng dầu nếu có thì chỉ có nhóm hàng vận tải tăng nhưng cũng không gây đột biến. “Ba tháng còn lại nếu CPI tăng khoảng 3% thì năm nay cũng chỉ tăng khoảng 8-8,5%, vẫn nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Do đó, chúng ta không vì những thông tin vừa qua mà hoảng loạn, siết chặt tín dụng, ngừng giải ngân càng khiến cho tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn. Báo chí cũng không nên nói nguy cơ, vì người dân không hiểu được, dễ hoang mang gây ra tâm lý không tốt, để rồi lạm phát thực không tăng mà lạm phát tâm lý đã leo thang khiến giá thực phẩm, lương thực bị đẩy lên là hết sức nguy hiểm”, TS Lịch cảnh báo.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ KH-ĐT) nhận định, CPI tháng 9 tăng bất thường nhưng đây không phải là chuyện đáng ngạc nhiên, mà đã được tiên lượng và cảnh báo khi hàng loạt lĩnh vực như y tế, giáo dục, GTVT đều tăng mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân CPI tăng không chỉ do chi phí đẩy, mà còn từ sự “góp sức” của việc bơm tiền tới 21.000 tỉ đồng chỉ trong một tháng. “Sau tháng 9 này, Chính phủ nên rút ra bài học để khống chế giá cho tốt hơn, quản lý giá không thể buông thả được như thời gian vừa qua. Cái sai lớn nhất trong thời gian qua là cho tăng giá dồn dập với cả y tế, giáo dục trong cùng một thời điểm đã đẩy CPI lên rất mạnh, dù đây là các phương án tăng giá đã có lộ trình”, TS Hồ nói. Đối với giá xăng dầu, TS Hồ cho rằng sẽ tiếp tục khó dự đoán, khi giá nhập khẩu thế giới vẫn có xu hướng lên. Nếu giá xăng dầu tăng sẽ lan tỏa tới các lĩnh vực khác, đặc biệt là GTVT. Vấn đề của xăng dầu là phải minh bạch, xử lý cho hợp lý, nếu cần thì kìm giá bằng thuế, quỹ bình ổn.

Về CPI cả năm 2012, TS Hồ khẳng định sẽ vượt qua mốc 7,5%, nhưng khó vượt lên đến 2 con số. Điều cần cẩn trọng là nếu tiếp tục bơm tiền thật mạnh trong 3 tháng cuối năm trong khi thị trường không dung nạp được hết sẽ làm CPI bật mạnh hơn.

Chưa đáng lo về lạm phát
Các chuyên gia khuyến cáo cần tránh gây tâm lý lo lắng cho người dân về lạm phát, tạo điều kiện cho nạn đầu cơ, thổi giá - Ảnh: Ngọc Thắng

Điều hành giá phải thận trọng

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 7% của Chính phủ rất khó, bởi vì trong quan điểm kiến nghị của Ủy ban ngay từ quý 2 phải chuyển sang lạm phát mục tiêu. Tức khi đặt ra mục tiêu phải kiên quyết điều hành chính sách theo mục tiêu đó.

Việc CPI tháng 9 tăng mạnh, theo TS Ngoạn, là do giá xăng dầu, y tế, giáo dục tăng cùng một thời điểm gây ra sức cộng hưởng quá lớn. Từ nay đến cuối năm, theo quy luật nền kinh tế bị tác động bởi yếu tố thời vụ, nhu cầu điều chỉnh giá vẫn còn như giá điện, đặc biệt giá xăng dầu chưa biết sẽ còn tăng đến mức nào, mà mặt hàng này cơ quan điều hành cũng không thể chủ động được. Do đó chính sách điều hành về giá cần hết sức thận trọng, phải tính tới tác động ngoài mong muốn, mới mong giữ được lạm phát theo mục tiêu đề ra, tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô. “Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ kiên quyết đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối năm dù không kiểm soát được tuyệt đối thì cũng hạn chế được rất nhiều, nhưng các chính sách không được thay đổi mà phải thực hiện theo những mục tiêu này”, TS Ngoạn kiến nghị.

Cụ thể, về chính sách tài khóa, không cần thiết phải hạn chế giải ngân, bởi thực tế do việc phân bổ vừa qua chậm nên có sự “dồn toa” vào các tháng cuối năm. Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng giải ngân hơn 20.000 tỉ đồng kể cả nguồn vốn trái phiếu và ngân sách. Hạn mức trên đã được tính toán kỹ ở mức độ vừa phải không quá lớn, điều quan trọng là phải giải ngân đúng các dự án, công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và mang lại hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay mức tăng trưởng tín dụng đến 7.9 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đạt 1,82% so với mục tiêu 8-10% của cả năm, nên sẽ đủ dư địa để cân đối được với chính sách tài khóa. “Chính sách tài khóa và tiền tệ không cần thiết phải có thay đổi gì lớn, cái quan trọng là điều hành giá và ngăn chặn được lạm phát tâm lý, cũng như sự sốt nóng của thị trường vàng và ngoại hối từ nay đến cuối năm. Nếu kiên định chính sách này và quản lý tốt các thị trường trên thì hoàn toàn kiểm soát được lạm phát”, TS Ngoạn phân tích.

Nhiều siêu thị không cho nhà cung cấp tăng giá

Theo ông Huỳnh Hữu Tuấn, Quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, có đến 30% các nhà cung cấp mặt hàng đã áp dụng giá mới, một số doanh nghiệp lớn đã tăng giá sản phẩm của họ ít nhất 5%. Đại diện Big C cho biết: “Chỉ riêng hàng hóa mỹ phẩm hiện có gần 10 nhà cung cấp thông báo tăng giá vào tháng tới”. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho hay đã nhận được một số đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp, nhưng hiện Saigon Co.op chưa đồng ý. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C, cũng cho biết Big C đã bác yêu cầu tăng giá của một số nhà cung cấp.

Trong khi tại các chợ đầu mối ở TP.HCM, giá cả hầu hết các mặt hàng ổn định thì ở các chợ lẻ, giá nhiều loại rau củ đang nhích lên. Chị Ngọc Ánh (H.Nhà Bè) cho biết khoảng 10 ngày nay, giá xà lách búp từ 25.000 - 30.000 đồng/kg lên đến 50.000 đồng/kg; giá bầu, bí, mướp trước đây khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg đã lên 10.000 - 12.000 đồng/kg. Giá gạo bán lẻ cũng tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg.

Hoàng Việt

Giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ

 Ngày 26.9, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ: Y tế, GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo để giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do nhà nước định giá, kiểm soát như: giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; học phí; giá nước sinh hoạt...

Chỉ thị nêu rõ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Anh Vũ - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.