Thanh niên trong vòng xoáy đô thị hóa

26/09/2012 03:10 GMT+7

Đô thị hóa đã biến những vùng quê ngoại thành Hà Nội thành những khu dân cư giàu có. Nhưng đằng sau vỏ bọc hào nhoáng đó, thanh niên ở đây đang đối mặt với muôn vàn khó khăn...

Thay da đổi thịt

Trước 2009, xã Tiền Phong, H.Mê Linh vốn là vùng rau nổi tiếng, mỗi ngày cung cấp hàng tấn rau xanh cho thủ đô và các tỉnh lân cận. Đến Tiền Phong hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” đến chóng mặt. Con đường quốc lộ cắt ngang qua xã trở thành khu phố buôn bán sầm uất còn hơn cả thị trấn, thị tứ xung quanh.

Rẽ vào thôn Do Hạ, chúng tôi thực sự choáng ngợp. Đường sá trải nhựa rộng thênh thang, ô tô chạy đến cổng nhà. Ngay đầu thôn là quán ăn, nhà hàng, cà phê, karaoke… phục vụ từ sáng tới đêm. Hàng loạt ngôi biệt thự mới toanh rộng cả trăm mét vuông, cao 3 - 4 tầng mọc lên san sát khiến người thành phố phải ghen tị.

Cũng giống Mê Linh, chủ trương chuyển đổi đất của nhà nước đã tác động trực tiếp tới 80% người dân làng ven đô Dương Nội (nay đã lên phường, thuộc quận Hà Đông). Làng nghề trồng đào nổi tiếng chỉ sau Nhật Tân, nay nhường chỗ cho dự án đô thị mới Dương Nội, đô thị mới Lê Trọng Tấn, An Hưng… Ông Nguyễn Bá Trà, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Dương Nội, nói: “Thanh niên trong làng phải tự xoay xở, bươn chải kiếm việc ở thành phố. Trai thì lái taxi. Gái thì bán hàng siêu thị. Tưởng thế là tốt, nhưng thời buổi kinh tế suy thoái, lương bổng bấp bênh, việc làm thì không chắc chắn, không biết bị sa thải lúc nào”.

 


Nhận tiền đền bù, người dân xã Tiền Phong, H.Mê Linh chú trọng xây nhà khang trang trong khi tình trạng thanh niên thất học, thất nghiệp gia tăng - Ảnh: Thu Hằng 

Không cần học vì giàu

Cơn lốc đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến tất cả người dân ngoại thành, trong đó thanh niên không nằm ngoài vòng xoáy đó. Ở nhiều vùng ngoại thành, từ Mê Linh đến Đông Anh, Từ Liêm... hình ảnh thanh niên chất phác chân đi dép tổ ong, giản dị trong bộ quần áo lao động chỉ còn là dĩ vãng. Trong những ngày ở đây, đập vào mắt chúng tôi là những hình ảnh thanh niên tóc vàng, tóc đỏ, miệng phì phèo thuốc lá, tay  xăm trổ hình thù cổ quái. Họ lê la từ quán này đến quán nọ, hết đánh bài, chơi cờ sang billiards, chơi game... Chơi chán lại quay sang tính chuyện cá độ, lô đề. “Nhà nào cũng có tiền đền bù, hộ nhiều nhất được 1 - 2 tỉ. Đỉnh điểm của “cơn sốt” đất vào cuối năm 2010, đầu năm 2011, đất có giá 30 triệu đồng/m2, chỉ cần cắt một khoảnh bán cũng đã rủng rỉnh tiền tiêu.

Tiền đếm mỏi tay, người dân đổ vào xây nhà xây cửa mà quên mất việc phải đầu tư cho bọn trẻ học hành. Đám trẻ vốn ngoan hiền là vậy, giờ chơi bời là chính”, ông Ngô Văn Thu ở thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh chia sẻ. Còn theo ông Nguyễn Văn Chiến, trưởng thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, cũng từ khi giàu lên nhờ tiền đền bù và bán đất, số học sinh đỗ ĐH cứ teo tóp dần theo từng năm. “Khi nhà bắt đầu có điều kiện, đám trẻ không có động lực phấn đấu. Nhiều cháu còn nói, chẳng muốn học lên cao. Vậy là học xong THPT, chúng nghỉ ở nhà lêu lổng. Nếu như năm 2009 có 18 em đỗ ĐH. Năm 2010 còn 14 em. Năm 2011 thì chỉ có 11 em. Và sang đến năm 2012 tụt xuống còn 5 em”.

Ở những vùng chuyển đổi, con em nông dân đều được tạo điều kiện đi học nghề, làm việc trong các nhà máy. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng thôn Do Hạ, thừa nhận: “Mở lớp thì có, nhưng phần lớn thanh niên không muốn đi. Mỗi lần ở xã thông báo có lớp mới như: trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, điện lạnh… đều gửi về thôn, nhưng hầu như chẳng có thanh niên nào đăng ký”. Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ thôn Yên Nhân, cho hay hàng trăm hecta đất ruộng bị thu hồi phục vụ gần 20 dự án, nhưng cho đến nay số thanh niên được giải quyết việc làm không nhiều. Các nhà máy, DN gặp khó khăn do khủng hoảng, việc ít, đi làm lương thấp hoặc bị cắt giảm nhân công nên cũng lâm vào vài tình cảnh thất nghiệp.

Tiếp xúc với chúng tôi, từ người dân đến cán bộ thôn, xã đều có chung sự trăn trở cho nghề nghiệp của lớp thanh niên trong vùng. Theo lời ông Chiến, lo nhất là đám thanh niên trong làng bắt đầu đua đòi. Ngày trước, các cháu thồ rau bằng xe đạp chẳng thấy ngại ngùng. Giờ mua xe máy vài chục triệu đồng vẫn còn chê. Thậm chí, có thời điểm “mốt” mua ô tô cho con lái rộ lên khắp thôn, riêng thôn Do Hạ có tới vài chục chiếc.

Không phủ nhận các lợi ích kinh tế từ các dự án phát triển đô thị mang đến cho đời sống người dân, nhưng thiếu kỹ năng quản lý và sử dụng không hiệu quả số tiền này đã làm nảy sinh nhiều tệ nạn tại địa phương.

Có khoảng 2 vạn lao động thất nghiệp

Thực trạng diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp khiến đa số thanh niên nông thôn phải đối mặt nguy cơ thất nghiệp ngày càng cao. Theo Bộ LĐ-TB-XH, số lao động trẻ bị mất việc làm ngày càng gia tăng. Riêng tại Hà Nội, mỗi năm chỉ có khoảng 2,5 vạn lao động có việc làm ổn định (trong tổng số từ 3,5 - 4,5 vạn người đến tuổi lao động). Như vậy, có khoảng 2 vạn lao động thất nghiệp. Thành đoàn Hà Nội từng có cuộc khảo sát tại 30 xã trên 18 huyện. Kết quả, trong tổng số 68.000 thanh niên thì có trên 80%  thiếu việc làm, không có nghề nghiệp.

Thu Hằng - Phan Hậu

>> Giải quyết tham nhũng và sức ép đô thị hóa
>> Mặt trái của đô thị hóa ở Trung Quốc
>> Đô thị hóa 75% quỹ đất nông nghiệp Hà Tây cũ
>> Đô thị hóa biến nhiều làng quê thành “dị thể”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.