Liệu có bùng nổ xung đột Nhật - Trung ?

25/09/2012 03:10 GMT+7

Dù nguy cơ thấp nhưng giới quan sát vẫn lo ngại hai bên sẽ đụng độ vì sự cố ngoài ý muốn quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tình hình biển Hoa Đông tiếp tục căng thẳng khi Lực lượng tuần duyên Nhật Bản ngày 23.9 thông báo phát hiện 3 tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp. Vì thế, Tokyo nhanh chóng thành lập một nhóm đặc biệt gồm nhiều quan chức cấp cao đại diện các bộ ngành để ứng phó. Kyodo News dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura tuyên bố Tokyo “cực lực phản đối” vụ xâm nhập và yêu cầu tàu Trung Quốc “rút ngay lập tức”. Ngược lại, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc khẳng định nhóm tàu hải giám trên hoạt động theo đúng luật pháp nước này, theo Tân Hoa xã.

 Hai tàu tuần duyên Nhật (trái) vờn nhau với tàu hải giám Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư
Hai tàu tuần duyên Nhật (trái) vờn nhau với tàu hải giám Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư
- Ảnh: Reuters

Trong khi đó, AFP ngày 24.9 đưa tin hàng chục tàu cá Đài Loan đang tiến về khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Lâu nay, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này nên diễn biến trên khiến tình hình biển Hoa Đông thêm nóng.

Căng thẳng dâng cao

Thời gian qua, quan hệ giữa Bắc Kinh với Tokyo trở nên căng thẳng vì Senkaku/Điếu Ngư. Hồi giữa tháng, hàng chục ngàn người Trung Quốc đã xuống đường biểu tình chống Nhật, thậm chí còn phát sinh hành động phá hoại. Bắc Kinh còn thắt chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ đối phương. Vì thế, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 22.9 cảnh báo Trung Quốc rằng những phản ứng kích động về tranh chấp đảo chỉ khiến giới đầu tư nước ngoài tránh xa nước này, theo tờ The Wall Street Journal.

Giữa bối cảnh như thế, truyền thông Trung Quốc liên tục đăng tải thông tin về việc hải quân nước này tập trận đổ bộ, chiếm đảo. Bất ngờ hơn, hải quân Trung Quốc ngày 23.9 tiếp nhận tàu sân bay đầu tiên, vốn thuộc lớp Varyag được mua từ Ukraine. Một ngày sau, Nhân dân nhật báo dẫn lời chuyên gia Lý Kiệt, thuộc Học viện Hải quân Trung Quốc, nhận định hàng không mẫu hạm trên sẽ đóng vai trò quan trọng để Bắc Kinh giải quyết tranh chấp chủ quyền. Trước đó, báo China Times (Đài Loan) ngày 22.9 loan tin Trung Quốc điều động tên lửa chống tàu chiến DF-21C, có tầm bắn 3.200 km, đến tỉnh Phúc Kiến thuộc miền đông nước này. Đây được xem là động thái răn đe đối với Tokyo.

Ngược lại, báo Nihon Keizai Shimbun đưa tin Nhật cũng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc mà không có sự can thiệp của Mỹ, dù Washington khẳng định Senkaku/Điếu Ngư nằm trong hiệp ước an ninh với Tokyo. Hiện tại, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản và lính thủy đánh bộ Mỹ đang tập trận chung nhằm nâng cao khả năng bảo vệ các đảo xa bờ. Hồi tuần trước, AFP đưa tin Washington và Tokyo đã nhất trí việc Mỹ triển khai thêm hệ thống radar X-band phòng vệ tên lửa đến Nhật.

Rủi ro tiềm ẩn

Giữa bối cảnh như thế, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai hôm qua đến Bắc Kinh để tìm cách giảm nhẹ căng thẳng. Thực tế, theo giới chuyên gia, hai bên chắc chắn đều không muốn căng thẳng bùng phát thành xung đột. Thế nhưng, giới chuyên gia cũng đặt ra những sự cố ngoài ý muốn dẫn đến đụng độ. Reuters dẫn lời bà Linda Jakobson, Giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy của Úc, khẳng định: “Nếu một vụ va chạm nào đó trên biển gây ra chết người thì đó là nguy cơ thực sự”. Theo bà Jakobson, bất cứ một người Nhật hay Trung Quốc thiệt mạng thì các phần tử ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan của hai bên đều sẽ trỗi dậy. Khi đó, cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều khó lòng kiểm soát tình hình dù Nhật, Trung Quốc hay Mỹ đều không muốn xung đột trên biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, giới chuyên gia hy vọng rằng các tàu hải giám Trung Quốc hiện diện gần Senkaku/Điếu Ngư là lực lượng công vụ nên Bắc Kinh có thể kiểm soát những hành động khiêu khích có thể xảy đến. Chuyên gia Narushige Michishita tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia  ở Tokyo nhận định: “Tin xấu là Trung Quốc đưa tàu đến khu vực này. Còn tin tốt là những tàu này do chính phủ kiểm soát nên khó có các hành động khiêu khích”. Đồng thời, ông còn cho rằng tàu tuần tra Trung Quốc được đưa đến đây ngoài việc củng cố tuyên bố chủ quyền còn nhằm giám sát tàu cá nước này gây rắc rối. Vì thế, hầu hết giới quan sát tin tưởng căng thẳng tại biển Hoa Đông sẽ được kiềm chế.

Văn Khoa

>> Nhật - Trung vờn nhau trên biển
>> Viễn cảnh hải chiến Nhật - Trung
>> Tướng Nhật, Trung Quốc bất ngờ thăm Mỹ
>> Nhật - Trung căng thẳng về Senkaku/Điếu Ngư
>> Hàn, Nhật, Trung cảnh báo Triều Tiên
>> Quan hệ Nhật - Trung vẫn căng thẳng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.