Tránh cảm cúm

16/09/2012 03:20 GMT+7

Cảm cúm là một bệnh thường gặp và có thể phòng ngừa, điều trị dễ dàng. Các lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn tránh những phiền toái với căn bệnh này.

Rửa tay đúng cách. Để tránh cúm lúc giao mùa, nên tập thói quen rửa tay thường xuyên. Nên rửa tay bằng xà phòng, sau khi bắt tay và trước khi ăn uống. Bên cạnh các thao tác rửa tay đúng cách, thời gian rửa cũng quan trọng. Đa phần chúng ta chỉ rửa bằng 1/4 thời lượng chuẩn. Đừng chỉ rửa cho có. Thời gian chuẩn cho một lần rửa tay là hát 2 lần bài Happy birthday to you.

Hạn chế tiếp xúc với những nơi tiềm ẩn vi rút. Điện thoại để bàn trong văn phòng, nút bấm thang máy, lan can cầu thang, tay nắm xe máy là những nơi mà lượng vi khuẩn tập trung rất đông và có rất nhiều sự chung chạ từ tay của cộng đồng. Hạn chế tiếp xúc với chúng và tránh đưa tay lên mắt, mũi...

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Nguyên tắc vàng là nhớ giữ cho cơ thể ở thân nhiệt ổn định, giữ ấm và tránh lạnh.

 
Cam, ổi, bưởi... giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế cảm cúm / Ảnh: Hạ Huy - Thái Nguyên

Vì đang là mùa mưa nên đừng quên trang bị sẵn dù và áo mưa. Vào mùa lạnh, tránh tắm vào chiều tối. Không nên gội đầu và ủ tóc quá lâu. Tránh ngồi vị trí máy điều hòa thổi trực tiếp. Ngoài ra cũng nên tránh khói bụi, thuốc lá, hóa chất có mùi dễ kích ứng khiến mũi khó chịu.

Nên nghỉ ngơi để tránh lây lan. Tác nhân gây cúm là do vi rút nên có tính lây lan cao. Ở nước ngoài, người bị cúm không được phép đi học, đi làm hoặc đến chỗ đông người, phải cách ly ở nhà. Ở Việt Nam, chả mấy ai xin nghỉ ốm vì bị cúm, vì nghĩ đơn giản đó là bệnh nhẹ. Chính thái độ chủ quan với cúm đã khiến cho mức độ lây lan của dịch bệnh cũng lớn theo.

Tăng cường sức đề kháng. Sức khỏe ổn định cũng như có hệ miễn dịch tốt sẽ giúp bảo vệ tránh nguy cơ mắc bệnh. Muốn vậy nên tập thể dục thường xuyên, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và ngủ đủ giấc. Để tăng cường sức đề kháng, trong khẩu phần ăn cũng nên tăng cường nhóm thực phẩm bảo vệ giàu vitamin và khoáng chất như rau, củ, quả nhất là các loại trái cây giàu vitamin C như ổi, sơ ri, cam, bưởi, dâu tây...

Dùng thuốc đúng cách. Khi uống thuốc cảm cần tránh dùng chất kích thích như cà phê, rượu. Không dùng thêm thuốc có chứa thành phần tương tự để tránh ngộ độc thuốc hay dùng quá liều gây hại cho cơ thể. Nếu cúm kéo dài không hết, bạn cần dừng thuốc và đến bác sĩ nhờ tư vấn kỹ lưỡng, vì bệnh kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến phổi và các cơ quan khác.

BS-TS Bùi Thái Vi

>> Ăn nhiều rau quả, trái cây giúp cai thuốc lá
>> Lập lờ nguồn gốc trái cây
>> Trái cây trộn lớn nhất
>> Món salad trái cây trộn nặng 5 tấn
>> Trẻ quá nhỏ chưa nên dùng nước trái cây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.