Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 3: Thụy Chương nấu rượu là đà cả đêm

29/08/2012 03:25 GMT+7

Rượu nhụy sen, rượu làng Mơ, rượu Ruhm, rượu quốc lủi... tất cả đều gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử của đất Thăng Long xưa.

Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết, phường Thụy Chương nấu rượu ngon có tiếng. Thụy Chương là một trong sáu phường của Tổng Trung thuộc huyện Vĩnh Thuận, sang đời Nguyễn phải đổi thành Thụy Khuê, vì kiêng húy của Nguyễn Hiến Tổ (Chương hoàng đế là miếu hiệu của Thiệu Trị). Ca dao tục ngữ Hà Nội có câu:

Làng Võng (Võng Thị ngày nay) bán lợn bán gà

Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) nấu rượu là đà cả đêm

Nằm cạnh Hồ Tây với hoa sen bát ngát, tháng năm sen nở tỏa hương khắp vùng phía tây kinh thành nên Thụy Chương cũng nổi tiếng khắp kinh thành về rượu nhụy sen.

Tương truyền rượu sen Thụy Chương ngon đến mức Đức Phật cũng không cưỡng lại được, dù giáo lý “ngũ giới” của nhà Phật có “giới tửu” (cấm rượu). Chuyện kể rằng, Phật đã đến đây và nhiều lần uống say, nên dân trong vùng đã cho dựng tượng Phật say ở chùa Đõ (chùa này nay không còn). Cách đây chừng ba chục năm, các sư ở chùa Kim Liên (Q.Tây Hồ) đã thử phục hồi lại cách làm rượu nhụy sen. Cứ một lớp cơm trộn men lại rải một lớp nhụy sen sau đó ủ cho đến khi cơm ngấu men thì đổ nước mưa và chờ cho nổi cơm thì nấu như nấu rượu thường. Kết quả được thứ rượu có mùi thơm nhẹ, uống rất dễ chịu. Tuy nhiên để có được mười lít rượu quý này thì phải cần tới cả đầm sen để lấy nhụy.

 Lò nấu rượu
Lò nấu rượu - Ảnh: tư liệu

Một vùng đất khác ở Thăng Long nấu rượu cũng rất nổi tiếng, đó là Kẻ Mơ (nay là khu vực gồm Mai Động, Tương Mai, Hoàng Mai, Q.Hoàng Mai):

Em là con gái kẻ Mơ

Em đi bán rượu tình cờ gặp anh

Rượu ngon chẳng quản be sành…

Áo rách khéo vá hơn lành vụng may

Hay: Rượu làng Mơ, thơ làng Lũ (Kim Lũ thuộc Q.Hoàng Mai nổi tiếng có nhiều người làm thơ hay, trong đó phải kể đến Nguyễn Siêu) và Rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch (làng có nhiều người chơi cờ tướng giỏi ở H.Bình Giang, Hải Dương). Điều đó cho thấy rượu Mơ không chỉ nổi tiếng ở Thăng Long mà còn lừng danh thiên hạ. Phía tây nam thành Thăng Long có làng Vọng (nay là P.Phương Liệt, Q.Thanh Xuân) nấu rượu rất ngon, ngoài ra còn có rượu Ngâu (nay là Yên Ngưu, Hoàng Liệt, H.Thanh Trì), làng Thổ Khối (Gia Lâm).

S.Baron là con lai đầu tiên với người phương Tây ở Thăng Long, kết quả giữa một nhà buôn người Hà Lan và một phụ nữ Thăng Long thế kỷ 17. Mấy chục năm sống ở Thăng Long và làm cho Công ty Đông Ấn Anh, S.Baron viết cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (Description of the Kingdom of Tonkin - xuất bản ở Paris, năm 1683), về uống rượu, S.Baron viết: “... Dân chúng Thăng Long hiếm khi thấy họ uống say còn quan lại và binh sĩ thì uống rượu khỏe được cho là dũng cảm nhưng không uống đến mức không biết gì”.

 

“Khi nào có khách cần thết rượu thì dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái mà uống, vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là đắm say” - Phạm Đình Hồ, ghi nhận mỹ tục của người Thăng Long trong Vũ Trung tùy bút.

Năm 1895, Pháp xây nhà máy rượu trên đất của hai thôn Cảm Ứng và Hòa Mã (nay nằm trên ba mặt phố Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc và Hòa Mã). Chủ hãng rượu tên là Fontaine. Nhà máy sản xuất các loại rượu trắng 35 độ, rượu Cúc, Ngũ gia bì... Cũng từ năm 1890 đến 1900, Hà Nội lại có thêm hai nhà máy rượu nữa ở phố Hàng Than, một là của Wurhlin chuyên sản xuất rượu nếp đóng chai với công suất 500 lít/ngày, và nhà máy kia là của Denoc chuyên sản suất rượu Rhum bằng mật mía. Trước đó, rượu ta không bán theo lít mà bán theo cân ta. Còn rượu của Tây lại đóng vào hai loại chai là nửa lít và một phần tư lít (còn gọi là cút). Rượu do Tây sản xuất ban đầu không bán được, lại phải đóng thuế, nên đám chủ nhà máy kêu lên chính quyền yêu cầu rượu ở Hà Nội cũng phải đóng thuế. Chính quyền nghe lọt tai yêu cầu ai nấu rượu phải báo lên quan địa phương và phải nộp thuế mỗi chai một xu. Nhưng người Hà Nội lý sự: “Chúng tôi nấu để uống có bán cho ai đâu mà bắt đóng thuế”, thế là không ai đóng. Các chủ nhà máy thúc mạnh và lấy lý do vì rượu nấu thủ công không đảm bảo chất lượng và trốn thuế, nên chính quyền ra lệnh cấm, ai vi phạm bắt được sẽ bỏ tù. Nghiêm như vậy nhưng dân vẫn nấu, vì thế Tây đoan gọi là “rượu lậu”, còn cánh nhà Nho ở Hà Nội thì chua chát gọi là “quốc lủi”. Lệnh cấm rượu khiến các làng nấu rượu có tiếng đất Thăng Long - Hà Nội mất dần. Các tiệm rượu quan quản R.A (Régie Alcool) xuất hiện trên rất nhiều phố, cùng với thuốc phiện hộp R.O. Một mặt của tấm biển quảng cáo có chữ R.A và mặt kia là R.O cạnh đó là ba sắc (cờ Pháp).

Ở Hà Nội, đầu thế kỷ 20, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không chỉ nổi tiếng về thơ mà còn nổi tiếng về ham chơi và nhất là rượu. Một lần tri huyện ngoại thành nghe tiếng Tản Đà đã đích thân tìm ông và mời tới nhà uống rượu, vốn từ lâu không ưa đám quan phủ, quan huyện nhưng ông vẫn nhận lời. Bữa rượu còn có bạn bè ông ta và vài chánh lý các xã, sở dĩ tri phủ cho gọi các ông này là để trả tiền cho bữa rượu đồng thời chứng kiến quan huyện nhà giao thiệp rộng rãi thế nào. Uống đến chén thứ năm, viên tri huyện mời ông đọc thơ, bực mình trước sự dốt nát lại hay khoe khoang, Tản Đà lấy giọng và đọc:

Chỉ vì thần dân ngu như lợn

Cho nên chúng nó được làm quan

Nghe xong tri huyện ngậm bồ hồn làm ngọt. Uống thêm một chén như lời cám ơn bữa rượu, Tản Đà cáo bận xin về. Từ các nhà văn, nhà thơ Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Trần Huyền Trân đến lớp ít tuổi hơn như Nguyễn Vỹ, Vũ Bằng khi viết về ông không thể không nói đến chuyện rượu. Còn ông thì tuyên ngôn:

Trời đất sinh ra rượu với thơ

Không thơ, không rượu sống như thừa

Công danh hai chữ mùi men nhạt

Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

Và tự biện:

Đất say đất cũng lăn quay

Trời say, mặt cũng đỏ gay ai cười?

Nguyễn Ngọc Tiến

>> Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 2: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline
>> Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Ai xây tháp Rùa ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.