Học sinh - sinh viên vẫn còn thờ ơ với bảo hiểm y tế

27/08/2012 10:13 GMT+7

Tình trạng quá tải và chất lượng khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế làm phụ huynh cảm thấy e ngại - đó là một trong những lý do khiến bảo hiểm y tế (BHYT) chưa thực sự được quan tâm đúng đắn trong học sinh- sinh viên (HSSV).

>> TP.HCM đứng đầu về bội chi quỹ BHYT
>> Bộ Y tế sẽ rà soát lại danh mục chi trả BHYT
>> Gần 2 triệu trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp BHYT

Tỷ lệ tham gia BHYT trong trường học rất thấp

Theo cán bộ Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, với một địa phương có nền kinh tế phát triển so với các tỉnh, thành trong khu vực, rõ ràng tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV của Đà Nẵng vẫn đang ở mức rất thấp. Mặc dù luật BHYT ra đời với quy định từ 1.1.2010, HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, nhưng việc thiếu chấp hành và chấp hành không nghiêm luật này trong HSSV vẫn còn diễn ra. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP.Đà Nẵng, trong năm học 2011-2012, toàn TP.Đà Nẵng có hơn 219.500 HSSV tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 78,2%. Trong đó, khối tiểu học chỉ 80,4%; THCS hơn 75,4%; THPT 79,1%; TTGDTX 66,41%; trung cấp 72,5%; cao đẳng 78,4%; đại học 78%... HSSV tham gia BHYT. Nhiều trường tỷ lệ tham gia BHYT rất thấp, chẳng hạn như CĐ Bách khoa chỉ 44,5%; THPT Ngô Quyền 53,5%...

bảo hiểm y tế  tại trường học 
Biên chế cán bộ y tế tại các trường học còn thiếu rất nhiều - Ảnh: Diệu Hiền

Trong nhiều năm qua, mặc dù Bảo hiểm xã hội đã có sự phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, giáo dục địa phương trong việc vận động, tuyên truyền giúp HSSV nâng cao nhận thức trong lĩnh vực này, bằng việc đưa ra những dẫn chứng hết sức cụ thể, những trường hợp đã được BHYT hỗ trợ điều trị lên đến hơn 200 triệu đồng; thế nhưng con số tham gia BHYT hằng năm, trong HSSV cũng chỉ nhỉnh lên mà chưa đạt được mức trên 90%. Trong kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân của UBND TP.Đà Nẵng đặt ra mới đây vào tháng 5.2012, đến cuối tháng 12.2012 sẽ có 90% HSSV tham gia BHYT, và đến cuối năm 2020 sẽ đạt 100%. Nhưng xem ra khó trở thành hiện thực bởi nhiều lý do.

 

Giải pháp lâu dài của các ngành đối với BHYT trong HSSV, đó là: Tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, chế độ, chính sách BHYT, nói rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT. Đảm bảo quyền lợi cho HSSV có thẻ BHYT khi ốm đau, tai nạn. Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra về BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Vì sao?

Dù thực tế trong năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, con số HSSV đến khám chữa bệnh ngoại trú tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT lên đến 276.000 lượt và 17.000 lượt điều trị nội trú, với chi phí lên đến trên 42 tỷ đồng, nhưng điều đó cũng không mang lại sự tin tưởng cho HSSV lẫn các bậc phụ huynh.

Theo lý giải của nhiều bậc phụ huynh, tình trạng quá tải và chất lượng khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế trong thời gian gần đây làm phụ huynh e ngại. Bên cạnh đó, biên chế cán bộ y tế trường học còn thiếu rất nhiều, phần lớn phải kiêm nhiệm nhiều công việc làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học nên gây tác động rất lớn đến sự quan tâm của HSSV. Cùng với nguyên nhân đó là dù nhà nước đã hỗ trợ một phần (30%), nhưng mức lương tối thiểu tăng nên mức đóng tăng, cùng với nhiều khoản khác mà HSSV phải nộp gây khó khăn rất lớn cho những HSSV có hoàn cảnh khó khăn trong năm học mới. Công tác tuyên truyền, vận động dù đã tiến hành nhưng chưa sâu, nhiều cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên chủ nhiệm còn xem nhẹ công tác vận động HSSV tham gia BHYT. Và một yếu tố tác động hết sức khách quan, theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng - ông Đinh Văn Hiệp, đó là tình hình kinh tế của Đà Nẵng trong thời gian qua còn khó khăn, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động, nên tác động không nhỏ đến việc tham gia BHYT của các bậc phụ huynh đối với con em mình.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.