Hạ lãi vay ngay lập tức, quá dễ!

15/08/2012 03:35 GMT+7

Chỉ cần giảm một cách sòng phẳng theo mức giảm của lãi suất (LS) huy động, lãi vay có thể hạ xuống mức 10-11%/năm ngay tại thời điểm này chứ không cần phải đợi đến giữa năm sau.

 hạ lãi vay
Lãi vay cao đã đẩy DN vào nghịch cảnh chết trên đống tài sản - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thiếu sòng phẳng

Từ đầu năm tới nay, LS huy động đã giảm tới 4 lần, từ 14%/năm xuống 13%, 12%, 11% và hiện tại là 9%. Mục tiêu giảm LS đầu vào là để giảm lãi vay, nhưng thực tế lãi vay lại không giảm tương ứng. Minh chứng rõ ràng nhất là đến thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn phải chịu mức lãi vay từ 15-19%, cao gấp rưỡi, gấp đôi LS huy động. Với chênh lệch đầu vào - đầu ra cao thế này, các NH bỏ túi một khoản lợi kếch sù. Nhiều ông chủ NH vẫn biện hộ rằng, họ có gói ưu đãi này, ưu đãi kia với LS 11-12% nên mức chênh lệch thực tế không tới 6% (tính huy động 9% và tính lãi vay 15%).

Đó chỉ là ngụy biện. Ngay cả khi cho vay với mức LS "ưu đãi" này, có thể khẳng định phần "bỏ túi" của họ cũng không hề nhỏ. Bởi LS huy động có nhiều mức khác nhau tùy kỳ hạn gửi, trong đó thấp nhất khoảng 2%. Theo tính toán của một chuyên gia tài chính, bình quân LS tiền gửi chỉ rơi vào khoảng 6-8% tùy NH, nghĩa là nếu cho vay với mức "ưu đãi" 10-12%, khoản chênh lệch cao của các NH vẫn được đảm bảo.

Đó là chưa kể tỷ trọng các gói hỗ trợ, ưu đãi này rất nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng của họ. Những gói 2.000 tỉ đồng, 5.000 tỉ đồng "hỗ trợ LS" mà các NH công bố nghe qua thì thấy lớn, nhưng nếu so với con số tổng dư nợ 50.000 tỉ - 70.000 tỉ đồng thì chẳng đáng là bao. Nên các gói này thực chất chỉ để đối phó với cam kết thực hiện lời kêu gọi giảm LS với NHNN mà thôi.

Nguyên nhân của việc lãi vay giảm không tương ứng, không sòng phẳng với việc hạ LS tiết kiệm là do chính sách áp trần huy động, thả nổi đầu ra của NHNN. Về logic, muốn hạ lãi vay thì đương nhiên phải áp trần cho vay và giám sát thật chặt việc thực hiện tại các NH. Khi đó, các NH sẽ tự cân đối mức LS huy động phù hợp để cạnh tranh tiền gửi. Nhưng không hiểu vì lý do gì, NHNN lại thực hiện việc "áp trần ngược" và chính việc này đã tạo cơ hội cho các NH "luộc" DN; đẩy và neo lãi vay ở mức cao đến vô lý hiện nay.

Nói như vậy để thấy chỉ cần làm đúng, làm sòng phẳng, minh bạch, lãi vay đã có thể giảm xuống mức 10-12% từ lâu. Cụ thể, theo tính toán của NHNN, chênh lệch giữa huy động và cho vay khoảng 3% là NH có lời. Đây cũng là mức chênh lệch phổ biến ở nhiều nước. Lấy LS bình quân đầu vào cộng thêm khoản chênh lệch này và thực hiện áp trần đầu ra, chúng ta có mức lãi vay khoảng 10-12% nói trên. Không có lý do gì để ép người gửi tiền chịu thiệt rồi lại bắt các DN đã kiệt quệ, nền kinh tế đang suy giảm chờ đến tận năm sau để có mức lãi vay nói trên.

Giảm lãi vay cho tất cả doanh nghiệp 

Theo quy định, 4 lĩnh vực được hưởng lãi vay ưu đãi 12- 13%/năm gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa. Cơ chế 4 nhóm này đã quá lạc hậu và bất cập. Đầu tiên là LS, mức 12-13%/năm như phân tích trên không hề "ưu đãi", thậm chí còn cao nếu so với LS huy động bình quân. Hơn nữa, trong 4 nhóm đối tượng trên thì nhóm vay nhiều nhất là các DN sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng các DN này đều có nguồn ngoại tệ nên tất nhiên họ sẽ vay ngoại tệ với LS thấp hơn nhiều so với lãi vay tiền đồng cũng như để tránh rủi ro tỷ giá.

Các nhóm đối tượng còn lại thì phá sản khá nhiều trong mấy năm qua lại hạn chế trong việc có tài sản thế chấp... Nên có thể nói việc vẫn giữ khu biệt riêng các nhóm này để ưu đãi LS là không hiệu quả. Minh chứng rõ ràng nhất là cơ chế ưu đãi 4 nhóm này được thực hiện đã lâu, hiện nay các DN chế biến, nuôi trồng thủy sản đang chết lâm sàng hàng loạt vì thiếu vốn, vì LS cao. Các công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm ở nhiều tỉnh treo chuồng, bỏ đàn vì không kham nổi chi phí vốn, chi phí đầu vào. Ai được vay, ai vay được vốn ưu đãi... vẫn là câu hỏi không có trả lời cụ thể.

Quan trọng nhất, sau nhiều năm đối mặt với lạm phát, LS cao, chi phí đầu vào tăng mạnh, có thể khẳng định các DN còn sống, các DN còn tồn tại tới thời điểm hiện nay, đều có quyền được nhận các chính sách hỗ trợ, được tiếp cận vốn với lãi vay giảm xuống mức hợp lý.

Lãi vay cao đã đẩy DN vào nghịch cảnh chết trên đống tài sản, hàng tồn kho đang gây tắc nghẽn sự lưu thông của nền kinh tế, sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng... Hạ lãi vay, như phân tích trên, có thể thực hiện được ngay. Vấn đề là NHNN có thực sự muốn làm hay không?

Khoản vay cũ vẫn quá cao

Đã một tháng trôi qua kể từ ngày NHNN kêu gọi các NH giảm LS khoản vay cũ cho DN, Công ty giấy Sài Gòn vẫn còn một khoản vay gần 200 tỉ đồng với LS cao gần 19%/năm.

Ông Lưu Ngọc Khoa - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.Tân Bình (TP.HCM) - bức xúc: “DN chúng tôi hiện đang vay NH với LS 19,5%/năm và chưa đến hạn nên NH chưa điều chỉnh. Có một số DN trong hội vừa mới tiếp cận được khoản vay 1 tỉ đồng mức LS vay dưới 15%/năm nhưng các khoản vay trước đó 3 - 4 tỉ đồng thì LS vay ở mức thấp nhất cũng đã 17%/năm. LS vay cao vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ của DN”.

Còn ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho biết nhiều DN trong ngành hiện nay nhận xét LS dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao mà theo ông là “chưa có nước nào mà LS cao như Việt Nam”. Thế nhưng do e ngại NH cắt đường vay vốn nên một số DN không dám "điểm mặt chỉ tên". Các DN Việt Nam hầu hết là DN mới phát triển nên không có tích lũy nhiều. Ngoài chi phí LS, DN còn phải đóng hàng loạt chi phí khác và đóng góp vào ngân sách cho nhà nước. Vì vậy LS cao không chỉ làm cạn kiệt sức của DN mà còn làm tổn thất ngân sách nhà nước.

M.Phương - T.Xuân

Nguyên Khanh

>> Nhiều ngân hàng giảm lãi vay
>> Sự thật về lãi vay thấp
>> Chưa có chủ trương đặt trần lãi vay
>> Lãi vay tiêu dùng vẫn ngất ngưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.