Trung Quốc bàn chuyện biển Đông với 3 nước ASEAN

11/08/2012 03:30 GMT+7

Vấn đề biển Đông là nội dung thảo luận hàng đầu trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Indonesia, Brunei và Malaysia.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta vào ngày 10.8, ông Dương tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng Indonesia để đảm bảo hòa bình, ổn định tại biển Đông và khu vực”, theo AFP. Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm là nước này “đang chuẩn bị làm việc với các bên trên cơ sở đồng thuận” về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Đáp lại, Ngoại trưởng Natalegawa nói sự phức tạp của vấn đề biển Đông đòi hỏi các nước trong khu vực, ASEAN và Trung Quốc cùng làm việc chặt chẽ với nhau. “Tôi tin rằng giải pháp ngoại giao đang đi đúng hướng”, AFP dẫn lời ông tuyên bố.

Theo tờ China Daily, chuyến thăm của ông Dương còn nhằm đẩy mạnh quan hệ song phương giữa Trung Quốc với từng nước. Trong 3 điểm đến lần này thì Brunei và Malaysia cũng tham gia tranh chấp trên biển Đông. Indonesia trong thời gian qua khá tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp và thúc đẩy COC. Mặt khác, Indonesia không khỏi lo ngại vùng đặc quyền kinh tế của nước này quanh quần đảo Natuna cũng bị Bắc Kinh liệt vào yêu sách đường lưỡi bò.

Cũng trong ngày 10.8, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo Campuchia đã triệu hồi Đại sứ Hos Sereythonh về nước sau tranh cãi gần đây liên quan đến những phát biểu tiêu cực của ông này về Philippines và đợt hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua.

Cùng ngày, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos lên tiếng kêu gọi duy trì sự thống nhất trong ASEAN nhằm chống lại mọi sự đe dọa. Theo tờ Business World Online, kết quả thăm dò của tổ chức Social Weather Stations cho thấy sự tin tưởng của người Philippines đối với Trung Quốc đã giảm đến mức thấp kỷ lục do căng thẳng xung quanh bãi cạn Scarborough ở biển Đông.

Kẻ bắt nạt trên biển

Ngày 10.8, tờ The Wall Street Journal đăng bài xã luận nhan đề Kẻ bắt nạt trên biển cho rằng Trung Quốc là nước chủ yếu gây ra hành động khiêu khích trên biển Đông trong thời gian qua. Trong đó, nghiêm trọng và ngang ngược nhất phải kể đến việc mời thầu trên các lô dầu khí hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa”, bao trùm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta. Bài báo cũng chỉ rõ gần đây, Trung Quốc cấp tập đưa tàu cá, tàu tuần tra và cả tàu quân sự đến các khu vực tranh chấp. The Wall Street Journal kết luận rằng Trung Quốc khiến dư luận không thể tránh được ấn tượng là nước này “không quan tâm” đến việc tìm một giải pháp trên bàn đàm phán và sẽ sử dụng vũ lực nếu cần.

Cùng ngày, tổ chức nghiên cứu South Asia Analysis Group đăng báo cáo của chuyên gia Subhash Kapila cảnh báo chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Bắc Kinh đang bị đẩy đến mức nguy hiểm.

Khang Huy

Trùng Quang

>> Hoạt động trên Biển Đông cần tuân thủ luật quốc tế
>> Mâu thuẫn Mỹ - Trung và vấn đề biển Đông
>> Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông
>> Philippines hoan nghênh tuyên bố của Mỹ về biển Đông
>> Mỹ - Trung căng thẳng vì biển Đông
>> Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.