Kích cầu ngược

06/08/2012 03:45 GMT+7

CPI giảm 2 tháng liên tiếp, hàng tồn kho tăng, sản xuất đình trệ... nhưng thay vì đưa ra các giải pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế, chặn đà giảm phát, chúng ta lại liên tục tăng giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu.

CPI giảm 2 tháng liên tiếp, hàng tồn kho tăng , sản xuất đình trệ... nhưng thay vì đưa ra các giải pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế, chặn đà giảm phát, chúng ta lại liên tục tăng giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu.

>> Khống chế lạm phát thành công, lãi suất cho vay sẽ về 10%/năm
>> “Hàng tồn kho ăn hết vốn doanh nghiệp”
>> Kinh tế VN rơi vào giảm phát: Doanh nghiệp tắc thở vì hàng tồn kho

Chưa nói đến chuyện tăng thiếu sòng phẳng vì theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, chỉ tính riêng những khoản thu có lãi từ hoạt động kinh doanh khác và số tiền có thể giảm thu thì EVN có thể giảm 34 đồng/kWh. Xăng 5 lần giảm mới được 3.200 đồng trong khi 4 lần tăng tới 4.300 đồng/lít. Về nguyên tắc, đây là lúc phải tăng thu nhập cho người dân đồng thời với việc giảm giá hàng hóa để kích thích sức mua trên thị trường, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất. Nhưng chúng ta thì ngược lại. Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân vốn quá lỗi thời, quá lạc hậu nhưng cả năm nữa mới được điều chỉnh trong khi điện, xăng, gas, dịch vụ y tế... những mặt hàng tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân lại tăng nhanh, tăng liên tiếp. Đây là những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, không thể không dùng nên để "cân đối" thu nhập ngày càng "teo" lại vì lạm phát, người dân buộc phải cắt giảm những khoản khác để có tiền đổ xăng, thắp sáng, nấu ăn hay chữa bệnh. Sức mua yếu đi một lần. Do những mặt hàng này có tác động trực tiếp đến giá đầu vào của nhiều sản phẩm - dịch vụ khác nên thường điện, xăng, gas tăng giá buổi tối thì sáng hôm sau ở chợ, rau, thịt hay tô phở... lập tức tăng theo. Để "co kéo" cho đủ bữa cơm, các bà nội trợ phải tìm mọi cách bớt cái này, bỏ cái kia trong rổ chi tiêu của gia đình. Sức mua yếu thêm lần thứ 2. Cái yếu hiện tại (sức mua đã giảm liên tiếp mấy tháng nay), cộng thêm 2 lần yếu như phân tích trên, có thể khẳng định, tăng giá lúc này đã chính thức làm suy kiệt sức mua trong dân chúng.

Lẽ thông thường, trong lúc sức mua giảm như hiện nay, doanh nghiệp (DN) phải tìm mọi cách để giảm giá sản phẩm, dịch vụ mới mong tiêu thụ được. Sở dĩ các mặt hàng này có thể đi ngược lại quy luật thị trường là bởi vị thế độc quyền mà họ đang nắm. Người tiêu dùng không thể không mua xăng của Petrolimex, điện của EVN khi các công ty này chiếm tới 60 - 80% thị phần. Họ không có quyền lựa chọn ngay cả khi phải trả giá cao để bù cho sự thua lỗ đầu tư ngoài ngành của điện, cho sự mập mờ của xăng. Việc tăng giá ngược quy luật, gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế này đã bộc lộ rõ ràng nhất những bất cập của các ngành độc quyền mà việc tái cấu trúc DN nhà nước không thể bỏ qua. Đó là phá bỏ thế độc quyền, để DN nhà nước cạnh tranh lành mạnh với tất cả các thành phần kinh tế khác chứ không đơn thuần là cổ phần hóa, sắp xếp lại các DN này như cách mà chúng ta đang làm.

Quan trọng hơn, việc tăng giá hiện nay thể hiện sự mâu thuẫn trong điều hành chính sách của cơ quan quản lý. Còn nhớ cuối tháng 7 vừa rồi, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương... công bố nhiều giải pháp, thậm chí tuyên bố đẩy mạnh đầu tư công (giải pháp đầy rủi ro khi đối mặt với việc đưa lạm phát quay trở lại) để giải ngân nguồn vốn, tăng tổng cầu, tháo tồn kho. Nhưng cũng chính các bộ này, ngay sau đó lại đồng ý với đề nghị tăng giá điện, giá xăng dầu... những yếu tố giết chết sức mua trên thị trường.

Với kiểu điều hành chính sách tiền hậu bất nhất, đi ngược nguyên tắc thị trường, đi ngược với mục tiêu an sinh của Chính phủ thế này, không chỉ đà suy giảm kinh tế mà suy giảm niềm tin cũng sẽ trầm trọng hơn.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.