Dị ứng thuốc: Rất nguy hiểm!

01/08/2012 10:18 GMT+7

Kết quả phân tích 420 hồ sơ của bệnh nhân bị phản ứng thuốc và điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM cho thấy có đến 65,8% trường hợp do tự ý mua thuốc uống.

 Dị ứng thuốc: Rất nguy hiểm!
Một trường hợp bệnh nhi đang nằm điều trị do hậu quả của dị ứng thuốc
- Ảnh: Hồng Ánh

Mới đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) đã một phen chạy đua với tử thần để giành mạng sống cho bệnh nhi Đỗ Phủ P. (9 tháng tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) bị dị ứng thuốc.

Uống theo toa cũng dị ứng

Trước đó, bé P. được một bác sĩ phòng mạch tư chẩn đoán, kê toa cho uống một loại xirô trị hen và bị phù nề sau 5 ngày sử dụng. Do toàn thân phù nề, nhiễm độc da, lở loét, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu, lọc thận, giải độc... Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhi P. bị hội chứng Steven Johnson do dị ứng thuốc. Đây là biến chứng thuộc nhóm rất nặng, tỉ lệ tử vong cao.       

Những trường hợp như bệnh nhi P. là khá phổ biến tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, với hàng chục ca được cứu sống mỗi năm. Nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị dị ứng thuốc, mỹ phẩm. Đáng nói là ngay cả khi người bệnh uống thuốc theo toa bác sĩ kê cũng có  nhiều trường hợp bị dị ứng rất nặng. Kết quả phân tích 420 hồ sơ của bệnh nhân bị phản ứng thuốc được điều trị nội trú tại Bệnh viện Da liễu TPHCM mới đây để tìm nguyên nhân gây dị ứng thuốc, cho thấy: 65,8% do tự mua thuốc uống; 34,2% uống thuốc theo toa của bác sĩ. Phản ứng thuốc hay gặp nhất là nổi hồng ban đa dạng (44,5%); tỉ lệ bệnh nhân nữ bị phản ứng thuốc là 58,7% trong khi nam giới là 41,4%. Nguy hiểm hơn nữa là có đến 72% bệnh nhân không nhớ tên và loại thuốc đã sử dụng. Các loại thuốc gây phản ứng nhiều nhất gồm: kháng sinh (24,3%); đông y (21,5%); an thần (14,9%); thuốc trị sốt rét, tẩy giun, kháng sinh bôi ngoài da (18%); Sulfamid (13,1%)...

Chỉ dùng thuốc khi cần thiết

Theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, bệnh nhân có thể dị ứng thuốc do sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì ở thuốc giả lên đến 1/10. Ngoài ra, tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định; dùng thuốc không chú ý đến các đặc điểm tương tác, tương kỵ và dị ứng thuốc; những người có cơ địa dị ứng, đã hoặc đang mắc các bệnh dị ứng thì cũng dễ dị ứng thuốc.

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó Phòng Quản lý dược Sở Y tế TPHCM, cho biết có đến 19% bệnh nhân nằm viện gặp ít nhất là một tác dụng phụ có hại của thuốc. Tuy nhiên, 70% phản ứng gây hại của thuốc có thể phòng ngừa. Ông Dũng dẫn chứng từ lúc đưa ra thị trường năm 1964 đến nay, hoạt chất Trimetazidine đã làm 161 người mắc bệnh Parkinson nhưng bệnh hết hoàn toàn khi ngưng thuốc. Cũng theo dược sĩ Dũng, không có loại thuốc nào được sử dụng là hoàn hảo. Ở nước ta, thống kê giai đoạn 2003-2008 cho thấy trung bình mỗi năm, chương trình theo dõi các nguy cơ xuất hiện không tránh khỏi từ phản ứng thuốc ghi nhận từ 860-940 trường hợp dị ứng thuốc.

Các chuyên gia y tế khuyên để hạn chế dị ứng, mọi người chỉ nên sử dụng thuốc khi cần thiết, dùng theo đơn của bác sĩ chứ không tự ý uống thuốc; không dùng thuốc mất nhãn mác, thuốc đã chuyển màu, quá hạn; không mua thuốc ở những nơi không tin cậy. Khi thấy hiện tượng dị ứng thì phải ngừng sử dụng thuốc, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Chi phí y tế do tác hại của thuốc gây ra mỗi năm rất lớn. Chẳng hạn, tại Mỹ, sai sót trong điều trị do thuốc làm hơn 230.000 trường hợp tử vong và chi phí để chăm sóc y tế lên đến trên 8 tỉ USD từ năm 2004 đến 2006. Tại CHLB Đức, tác hại của thuốc tiêu tốn chi phí y tế gần 600 triệu USD/năm. Ở Cộng hòa Pháp, 15 năm trở lại đây đã có 21.000 trường hợp chịu tác dụng phụ của thuốc.

Theo Nguyễn Thạnh / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.