Cùng giảm giá để hút khách hàng

27/07/2012 03:35 GMT+7

Thị trường ế ẩm kéo dài, sức mua yếu ớt, hàng tồn kho tăng…, doanh nghiệp đau đầu tìm lối thoát.

Ông Dương Hòa Bình, Giám đốc đối ngoại Công ty CP đầu tư, phát triển thương mại Viễn Đông (đơn vị tham gia bình ổn thị trường mặt hàng tập vở), cho biết mặc dù là hàng bình ổn thị trường giá đã thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường khoảng 15% nhưng sức mua vẫn rất yếu. Vì thế, công ty dự kiến áp dụng thêm chương trình khuyến mãi, khách hàng mua 10 cuốn tập được khuyến mãi 2 cuốn.

Trong tình hình giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất cao như hiện nay thì đây đã là sự hy sinh lợi nhuận của công ty để đẩy hàng. Tương tự, ngoài việc giá thấp hơn giá thị trường, thời gian qua Công ty Vissan cũng đã chọn phương án giảm quyền lợi của doanh nghiệp, tăng quyền lợi cho người tiêu dùng, bằng cách liên tục giảm giá từ 10 - 15% thịt tươi sống.

 Các doanh nghiệp liên kết với nhau cùng kéo giá xuống để “dụ” người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn - Ảnh: Hoàng Việt
Các doanh nghiệp liên kết với nhau cùng kéo giá xuống để “dụ” người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn - Ảnh: Hoàng Việt

Một nhà bán lẻ cho biết đang “đau đầu”, vì 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng khoảng 20% cùng kỳ năm 2011. Giới kinh doanh cho rằng để “dụ” khách hàng mở hầu bao thời điểm này nếu các đơn vị “độc lập tác chiến” chẳng ăn thua, nên cần có sự liên kết. Ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc quản lý kinh doanh Công ty may túi xách Hương Mi, cho biết sức tiêu thụ sản phẩm của công ty hiện tăng từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước nhờ chiêu phối hợp với các doanh nghiệp, cùng giảm lợi nhuận để kéo giá xuống.

Cụ thể, Công ty Hương Mi đã làm việc với nhà cung cấp nguyên liệu và cả các nhà bán lẻ, mỗi bên giảm một chút lợi nhuận để đưa ra thị trường sản phẩm giá cả thấp. Hệ thống BigC cũng đang “liên minh” với nhà sản xuất áp dụng hình thức giảm giá kép nhằm kích cầu tiêu dùng. Theo đó, 300 mặt hàng thiết yếu tại hệ thống siêu thị này, gồm các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, hải sản, thịt, thực phẩm khô và đông lạnh, nước, gia dụng, vải sợi, điện máy… đang giảm giá khoảng 2%, một số mặt hàng có mức giảm đến 12%. Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị BigC, chương trình này áp dụng trong 2 tháng, kéo dài đến đầu tháng 9.2012.

“Đây không phải một chương trình khuyến mãi mà là giảm giá gốc. Nghĩa là 300 mặt hàng trong chương trình giảm giá trực tiếp trên giá gốc, trong thời gian này siêu thị vẫn triển khai các chương trình khuyến mãi định kỳ và 300 mặt hàng này cũng được áp dụng giảm giá thêm lần nữa. Trong 2 tháng chạy chương trình, hàng hóa giảm giá kép, vừa giảm trên giá gốc vừa giảm giá theo chương trình khuyến mãi thông thường. Sau đó tùy thuộc vào giá cả nguyên vật liệu trên thị trường mà tiếp tục giữ mức giá này hoặc điều chỉnh. Để có chương trình này, BigC đã phải làm việc với hơn 150 nhà cung cấp, cùng giảm lợi nhuận để tăng sức mua, đẩy mạnh tốc độ lưu thông hàng hóa”, bà Trang giải thích.

Trong cuộc chạy đua kéo giá nhằm tranh giành khách hàng, nhiều nhà bán lẻ tố các nhà sản xuất, cung cấp cố tình neo giá, “trục lợi” riêng. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, Quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, cho rằng dù giá nguyên liệu sản xuất giảm, sức mua thị trường quá yếu nhưng không ít nhà cung cấp không chịu hạ giá hàng hóa vì sợ khi giá nguyên liệu tăng thì khó tăng giá lại nên cứ giữ giá cao. Theo đại diện siêu thị LOTTE Mart, trong tình hình thị trường hiện nay, lẽ ra các nhà sản xuất, nhà cung cấp phải giảm giá hàng hóa để tăng sức mua.

Tuy nhiên, xu hướng chung khi giá xăng dầu tăng thì giá hàng hóa tăng nhưng khi xăng dầu giảm giá hàng hóa lại vẫn giữ nguyên, do ý đồ trục lợi nhà cung cấp. Một số trường hợp muốn lũng đoạn giá cả với tư cách nhà phân phối độc quyền. Một số nhà sản xuất cho rằng xăng dầu giảm giá lắt nhắt, nhỏ giọt, sau đó giá điện lại tăng cùng với giá nguyên liệu thế giới “lình xình” nên họ không thể hạ giá hàng hóa mà chỉ khuyến mãi theo thời vụ.

Nếu nhà cung cấp chưa chịu vào cuộc giảm giá, rất khó để nói đến chuyện thích kích tiêu dùng.

Hoàng Việt - Nguyên Thảo

>> Mua sắm giá rẻ mỗi ngày trên Thanh Niên
>> Khai trương trung tâm mua sắm tiện ích
>> Giao tiếp trong mua sắm
>> Mua sắm, ăn uống sau tết vừa “khôn” vừa “khéo”
>> Hỗ trợ công nhân mua sắm tết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.