Hội nghị ASEAN không ra được Thông cáo chung

14/07/2012 03:40 GMT+7

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia đã không thể đưa ra tuyên bố chung do có điểm bất đồng chưa nhất trí được.

 Hội nghị ASEAN không ra được Thông cáo chung
Ông Hor Nam Hong phải giải đáp nhiều thắc mắc về việc ASEAN không thể ra
Thông cáo chung - Ảnh: AFP

Hôm qua, chương trình họp cấp ngoại trưởng ASEAN giữa các thành viên trong khối cũng như với các đối tác đối thoại tại Phnom Penh, Campuchia đã khép lại. Tại cuộc họp báo kết thúc đợt hội nghị, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước chủ nhà Hor Nam Hong cho biết: “Tuyên bố chung không thể ra được vì một số thành viên ASEAN nhất quyết đề nghị phải đề cập các vụ tranh chấp gần đây trên biển Đông. Bản tuyên bố có đến hơn 100 điểm tích cực nhưng chỉ vì một điểm đó thôi mà phải gác lại”.

Trả lời câu hỏi “Tại sao tuyên bố của ASEAN đề cập các vấn đề an ninh khác như tình hình bán đảo Triều Tiên, Trung Đông lại không thể đề cập đến tình hình biển Đông?”, ông Hor nói rằng do “các vấn đề đó không liên quan trực tiếp đến ASEAN trong khi tranh chấp biển Đông liên quan rất trực tiếp đến ASEAN”. Ông cũng lặp lại rằng: “Lập trường của Campuchia như sau: tranh chấp trên biển Đông là chuyện song phương giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc, không phải cả khối. Vì vậy các bên tự giải quyết với nhau theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Không thể biến hội nghị này thành nơi phán quyết bên nào đúng bên nào sai”.

Ngoại trưởng Campuchia cũng bác bỏ quan điểm rằng hội nghị cũng như vai trò Chủ tịch ASEAN của Campuchia năm nay chưa thành công do không thể hiện được vai trò thống nhất, thúc đẩy đối thoại hợp tác, giải quyết bất đồng trong khối. Theo ông, Campuchia không có tuyên bố chủ quyền hay tranh chấp ở biển Đông nên không đứng về phía nào. “Năm 2002, khi Campuchia lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị ASEAN, chúng tôi đã làm việc cật lực để cho ra đời DOC. Và bây giờ, chúng tôi cũng làm việc hết mình để có thể cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử (COC)”, ông tuyên bố.

Trên thực tế, vấn đề biển Đông được đề cập trong tất cả các cuộc họp lần này với sự quan ngại sâu sắc từ nhiều phía. Phần lớn các bộ trưởng ASEAN đều thấy cần thiết phải đề cập tình hình nóng bỏng ở biển Đông trong tuyên bố chung và việc này là hết sức bình thường, không hàm ý đứng về bên nào.

Việt Nam lấy làm tiếc về Thông cáo chung

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết:

Cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam rất lấy làm tiếc về việc AMM-45 đã không ra được Thông cáo chung của hội nghị, để từ đó phản ánh quá trình trao đổi và kết quả tích cực trong các hội nghị của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Trong suốt quá trình trao đổi để xây dựng Thông cáo chung, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã hết sức nỗ lực, đóng góp xây dựng, tìm các công thức phù hợp nhất để phản ánh quan tâm chung của các nước thành viên và đã có nhiều cơ hội có thể đạt được đồng thuận và nhất trí chung. Tuy nhiên, rất tiếc là những nỗ lực tích cực, xây dựng nêu trên và các cơ hội mở ra để đạt được đồng thuận đã bị bỏ lỡ.

Việt Nam tin rằng dù có hay không Thông cáo chung của hội nghị, thì các quyết định đã có của ASEAN vẫn phải được nghiêm túc triển khai. Hơn bao giờ hết, các nước ASEAN cần phải nêu cao trách nhiệm, duy trì và củng cố đoàn kết, phát huy vai trò và đóng góp chủ đạo của khối trong các vấn đề ưu tiên và thiết yếu, nhất là về xây dựng Cộng đồng; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực; xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác; tăng cường quan hệ với các đối tác; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên... vì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Thanh Niên

Ngày 13.7, ngoại trưởng 5 nước trong Sáng kiến tiểu vùng Mê Kông (LMI) là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng như nhóm Những người bạn của LMI (FLM) gồm EU, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Úc cùng một loạt các định chế tài chính, quỹ từ thiện, tổ chức môi trường... Tại cuộc họp hôm qua, Myanmar chính thức trở thành thành viên thứ 5 của LMI.

“Tại cuộc họp FLM, Lào chính thức tuyên bố hủy dự án xây đập Xayaburi và sẵn sàng mời các bên đến tham quan vị trí này”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng nhóm quan chức cao cấp về Hợp tác Mê Kông của Bộ Ngoại giao, cho Thanh Niên hay. Dự án đập Xayaburi trên dòng Mê Kông từng gây quan ngại về những tác động tiêu cực không thể khắc phục lên vùng hạ lưu đi qua nhiều nước. 

Thục Minh

Thục Minh
(từ Phnom Penh, Campuchia)

>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> Khai mạc hội nghị ASEAN bàn về phát triển nông thôn
>> Biển Đông trên bàn hội nghị ASEAN - Mỹ
>> Philippines sẽ đưa tranh chấp với Trung Quốc ra hội nghị ASEAN - Mỹ
>> An ninh thắt chặt quanh Hội nghị ASEAN
>> Hội nghị ASEAN bị hoãn vô thời hạn vì biểu tình
>> Biểu tình làm Hội nghị ASEAN tạm hoãn
>> Phe áo đỏ biểu tình tại Hội nghị ASEAN
>> Campuchia có thể không dự Hội nghị ASEAN
>> Bóng mây khủng bố bao trùm hội nghị ASEAN
>> Xung quanh việc hoãn Hội nghị ASEAN
>> Khai mạc Hội nghị ASEAN - Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.