Biến dạng tài sản vụ án Trịnh Vĩnh Bình

14/07/2012 03:05 GMT+7

Rất nhiều tài sản trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình đã bị “xà xẻo”, hoặc biến dạng so với hiện trạng ban đầu.

Vào năm 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình (sinh năm 1947, Việt kiều Hà Lan) mang tiền về Việt Nam đầu tư. Do thời điểm này nhà nước chưa cho phép Việt kiều sang nhượng đất đai, nhà ở... nên ông Bình nhờ người thân đứng tên mua nhiều bất động sản. Từ hành vi này, vào ngày 5.12.1996, ông Bình bị Cơ quan an  ninh điều tra Công an Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và "đưa hối lộ". Tháng 8.1998, TAND tỉnh BR-VT tuyên án Trịnh Vĩnh Bình 13 năm tù giam và phạt 400 triệu đồng; tịch thu tài sản sang nhượng bất hợp pháp.

 

Bán đấu giá vô tội vạ

Sau khi bản án có hiệu lực, vào năm 2001 UBND tỉnh BR-VT đã giao cho Phòng Thi hành án (nay là Cục Thi hành án - PV) bán đấu giá (phần tài sản được giao xử lý gồm 38.992 m2 nhà xưởng, 8 căn nhà cùng với diện tích 24.000 m2 đất). Quá trình thi hành án đã xảy ra tình trạng bán đấu giá vô tội vạ dẫn đến việc Trần Văn Mười (nguyên Cục trưởng) cùng 2 chấp hành viên Lê Minh Huy Hoàng và Hoàng Anh Linh bị Cơ quan ANĐT (Bộ Công an) khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tháng 5.1999, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM giảm án cho ông Bình xuống còn 11 năm tù và phạt tiền 400 triệu đồng. Riêng tài sản thì "Hủy bỏ các quyết định giao đất cũng như giao dịch sang nhượng mà ông Bình mượn danh nghĩa người khác để mua bán trái phép; giao toàn bộ diện tích đất cho UBND tỉnh BR-VT và UBND tỉnh Đồng Nai quản lý" (cụ thể 1.640.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản cùng  26 quyền sử dụng đất với diện tích 577.947 m2 nằm ở BR-VT; 9 quyền sử dụng đất với diện tích 341.966 m2 ở Đồng Nai). Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn kiến nghị UBND tỉnh BR-VT và UBND TP.HCM "xem xét, xử lý theo thẩm quyền các nhà xưởng sản xuất và các căn nhà cùng diện tích đất do ông Bình mua trái phép" (cụ thể 2 nhà xưởng rộng 38.992 m2, 8 căn nhà cùng với 24.000 m2 nền nhà ở BR-VT; nhà số 286, 286B và 288 đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM).  

Cùng nhau "xà xẻo”

Tại Đồng Nai, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 341.966 m2, giao cho UBND H.Long Thành quản lý các khu đất, không để lấn chiếm chờ kết quả thi hành án.

Thế nhưng, khi kiểm tra thực tế thì việc lấn chiếm diễn ra công khai. Khu đất diện tích 100.690 m2 (xã Tam Phước - nay là xã An Phước, H.Long Thành) bị “xà xẻo” mất 9.545 m2 do nhiều hộ dân lấn chiếm làm đường giao thông (3.075 m2); diện tích còn lại (6.470 m2) được ông L.V.D chuyển nhượng cho nhiều hộ dân khác (theo chính quyền địa phương, khi kiểm tra bản đồ thì diện tích chuyển nhượng không nằm trong bản án nên đang xem xét lại). Đặc biệt, khu đất rộng 19.756 m2 tại xã Tam Phước, H. Long Thành (nay là TP.Biên Hòa) bị “xà xẻo” hết 6.629 m2, trong đó Công ty TNHH cơ khí đúc Duyên Hải “thẻo” gần 2.000 m2 để làm đường vào trụ sở. Điều đáng nói, nguồn gốc đất mà doanh nghiệp này chuyển nhượng trước đây là của ông Phan Văn Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Phước. Ông Hà đã “bật đèn xanh” cho công ty này lấy đất làm đường giao thông. Chưa hết, công ty còn tranh thủ “xẻo” thêm 1.185 m2 để làm nhà xe và cổng công ty. Bà Nguyễn Thị Bảo Lộc (vợ ông Phan Văn Hà) cũng chiếm dụng 1.527 m2...

Theo thống kê của cơ quan chức năng T.Ư sau khi đi kiểm tra thực tế, diện tích bị lấn chiếm, giải tỏa... mất so với bản án đến 42.936 m2.

Biến dạng tài sản vụ án Trịnh Vĩnh Bình
Hiện nay Xí nghiệp 30 Tháng 4 trở thành bãi hoang, toàn bộ xí nghiệp bị đập bỏ, tháo bán sắt vụn - Ảnh: H.T

Tan hoang

Tháng 7.2012, chúng tôi đi thực tế những khu đất ở BR-VT mà bản án giao cho UBND tỉnh này quản lý. Theo ghi nhận, hầu hết diện tích đều bị "biến dạng", còn rất ít khu đất giữ nguyên hiện trạng. Tại nhiều khu đất ở Chí Linh (P.10, TP.Vũng Tàu) nay đã mọc lên hàng loạt căn nhà nằm trong làng biệt thự Thanh Bình. Nhiều lô đất ở H.Tân Thành nay cũng đã trở thành cao ốc; trụ sở làm việc nhà nước (Trạm kiểm dịch, UBND xã Phước Hòa...) hoặc cho thuê. Chẳng hạn như diện tích 2.625 m2 đất tại Bàu Trũng (P.Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) cho thuê nuôi cá; khu đất 8.568 m2 tại Mỹ Xuân (H.Tân Thành) cho thuê làm trạm sản xuất bê tông...

Khu đất rộng 18.000 m2 nằm trên mặt tiền quốc lộ 51 (thuộc P.11, TP.Vũng Tàu) trông như một bãi tha ma, từng mảng bê tông bị đập bỏ để lấy sắt vụn nằm ngổn ngang, nước ngập lênh láng; rác thải y tế vứt bừa bãi... Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực này, trước đây là Xí nghiệp chế biến hải sản Bình Châu (thuộc Công ty CP Bình Châu, do ông Trịnh Vĩnh Bình làm Chủ tịch HĐQT) có khoảng 500 công nhân. Sau khi án có hiệu lực (giao xử lý), Xí nghiệp chế biến hải sản Bình Châu (còn gọi là Phước Cơ) được UBND tỉnh BR-VT giao cho Phòng Thi hành án bán đấu giá (định giá 2 tỉ đồng). Quá trình thi hành, cơ quan chức năng  BR-VT đến tìm hiểu và ghi nhận: “Xí nghiệp có 208 công nhân đang làm việc có mức thu nhập tương đối ổn định. Hoạt động của xí nghiệp có hiệu quả, ổn định nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm”. Năm 2001, UBND tỉnh BR-VT rút giấy phép hoạt động của Công ty CP Bình Châu; đồng thời đề nghị các thành viên, công nhân góp vốn mua lại giá trị của doanh nghiệp này (trong đó có Xí nghiệp Phước Cơ) và đổi tên thành Xí nghiệp 30 Tháng 4. Ông Nguyễn Thanh Vân, nguyên Tổ trưởng tổ bảo vệ Xí nghiệp Phước Cơ (sau này là Xí nghiệp 30 Tháng 4) cho biết, sau khi đổi tên mới, công việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường. “Đến năm 2003 thì Xí nghiệp 30 Tháng 4 ngưng hoạt động và đến tháng 4.2004 thì tôi thấy người ta đưa xe cẩu đến tháo sạch kho xưởng, thiết bị đông... Phần nào không còn tận dụng thì họ đập bán sắt vụn. Tôi cũng bị cho nghỉ việc cho đến nay”, ông Vân tâm sự. 

Trái quy định pháp luật

Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Công ty luật Sài Gòn Việt Nam) cho biết, theo thông tin mà PV cung cấp thì chưa có cơ sở để chấm dứt quyền sở hữu tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình. Vì theo quy định Bộ luật Dân sự, một trong những căn cứ để chấm dứt quyền sở hữu là "tài sản phải bị tịch thu". Tuy nhiên tại bản án số 688/HS-PT, tòa không tuyên tịch thu tài sản mà chỉ giao cho UBND tỉnh, thành "quản lý, xử lý theo quy định".  Một khi UBND tỉnh, thành được giao “quản lý và xử lý” thì họ chỉ được thực hiện các quyền này dựa vào “quy định pháp luật”. Trong trường hợp pháp luật không có quy định nào khác thì vẫn phải giữ nguyên hiện trạng nhà đất, cho đến khi có văn bản điều chỉnh. Qua đối chiếu với các văn bản hiện hành, thì chưa có quy định pháp luật nào cho phép người được giao quản lý tài sản có thể mang đi bán đấu giá hay xây dựng trụ sở. Việc làm này là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ông Bình".

H.Tuấn (ghi)

>> Hậu vụ án Trịnh Vĩnh Bình: Truy tố cục trưởng thi hành án và 2 đồng phạm
>> Giải quyết ra sao vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện đòi bồi thường hàng trăm triệu USD?

Hoàng Tuấn - Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.