Từ Khu hành chính Hải Nam đến “TP.Tam Sa”

06/07/2012 03:00 GMT+7

Cùng với những hành động tuần tra, quân sự sai trái, Bắc Kinh còn tiến hành những “thủ thuật” hành chính, lập pháp để từng bước lấn ra biển Đông.

Trước những năm 1970, nền kinh tế của đảo Hải Nam còn chậm phát triển, dân thiểu số sống bằng trồng trọt du canh du cư và khai thác lâm sản trong vùng rừng núi giữa đảo. Như đã nói ở bài trước, trên thực tế, quan niệm của người Trung Quốc khi đó vẫn coi nơi đây là vùng ngoại vi. Nhưng với tham vọng mở rộng bờ cõi trên hướng biển Đông, chính quyền Bắc Kinh ngày càng quan tâm phát triển Hải Nam về kinh tế, biến đảo thành căn cứ quân sự quan trọng ở phía nam cũng như xây dựng Hạm đội Nam Hải trở thành hạm đội hải quân mạnh nhất của mình.  

“Phù phép” về mặt hành chính

Ngày 16.11.1981, Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định biến “Ủy ban cách mạng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa - NV), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa” thành “Văn phòng trực thuộc Khu hành chính Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Đông”. Đến tháng 5.1984, Quốc hội khóa 6 của nước này phê chuẩn thành lập “Khu hành chính Hải Nam” trực thuộc tỉnh Quảng Đông gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Nước này còn cho các công ty tư bản vào khai thác dầu khí xung quanh Hải Nam…

Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm biển Đông 
Tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên hiện diện trên biển Đông - Ảnh: toogua

Đầu năm 1987, Trung Quốc đưa ra thuyết “Biên giới chiến lược không gian ba mặt hợp lý” để biện hộ cho việc dùng sức mạnh nhằm đưa đường biên giới địa lý từ cực nam đảo Hải Nam mở rộng đến sát tận bờ biển Malaysia. Đến năm 1988, chính quyền Bắc Kinh tách Hải Nam khỏi Quảng Đông để biến thành một tỉnh riêng và là một đặc khu kinh tế.

 

Bắc Kinh thành lập trung tâm nghiên cứu ở Scarborough

Tân Hoa xã ngày 5.7 đưa tin chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, vừa quyết định sẽ thành lập khu nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho cái gọi là “TP.Tam Sa”. Theo đó, khu nghiên cứu trên sẽ được đặt tại khu vực bãi cát ngầm thuộc bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough. Cơ sở này sẽ thực hiện các nghiên cứu như nuôi cấy tảo, nuôi tôm cá… Toàn bộ bãi cát ngầm trên dài 3 km, rộng 2,5 km và nằm ở độ sâu từ 9 - 20 m so với mực nước biển.

Ngọc Bi

Như vậy, đảo Hải Nam từ vùng bị coi là “ngoại vi, lam sơn chướng khí” chỉ có 34.000 km2 được mở rộng thành tỉnh thứ 30 của Trung Quốc và là một đặc khu kinh tế lớn với phạm vi quản lý rộng lớn hàng triệu ki lô mét vuông  trên biển Đông, bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thật quá rõ ràng, đây là một bước quan trọng trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh. Báo Liên Hợp của Đài Loan lúc đó nhận xét: “Bằng việc nâng cấp quy chế của đảo Hải Nam, Trung Quốc rõ ràng đang mưu toan đặt toàn bộ vùng biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới sự kiểm soát của họ, mở rộng tuyến phòng thủ chiến lược phía nam của họ tới quần đảo Spratly (Trường Sa) ở cực nam biển Đông”. Vừa qua, Trung Quốc tiếp tục củng cố chính sách này bằng việc phê chuẩn việc thành lập TP.Tam Sa. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị. 

Ngang nhiên vi phạm

Song song với việc thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa”, Trung Quốc còn công khai ý định lập Bộ Chỉ huy quân sự Tam Sa với nòng cốt là đảo Phú Lâm nói riêng và cả quần đảo Hoàng Sa nói chung. Họ muốn biến Hoàng Sa thành căn cứ quân sự song song với củng cố tổ chức hành chính trên quần đảo để tạo cơ sở chiếm đoạt vĩnh viễn Hoàng Sa và tiến tới thôn tính nốt Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bắc Kinh thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra, diễn tập sai trái quy mô lớn trên biển Đông. Hồi đầu tháng, đội tàu hải giám được cử đi tuần tra biển Đông đã tổ chức diễn tập gần một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Cuối tháng 6, Trung Quốc công khai đẩy chiến lược độc chiếm biển Đông lên một mức độ nghiêm trọng mới. Họ ngang ngược mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Người ta có thể nhận thấy một số điểm cực tây của 9 lô dầu khí này có dáng dấp uốn theo đường “lưỡi bò”. Như vậy, từ một đường đứt đoạn mơ hồ, không có cơ sở pháp lý hay tọa độ cụ thể, Bắc Kinh đang âm mưu từng bước củng cố yêu sách phi lý đó.

Đã có nhiều tiếng nói trong cuộc hội thảo lớn về “An ninh hàng hải biển Đông” tại Washington, Mỹ vào ngày 27-28.6 vừa qua vạch rõ sự ngang ngược trái với luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982 của việc mời thầu dầu khí đó. Một số giáo sư, học giả và thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman đánh giá: “Việc Trung Quốc mời thầu tại biển Đông là tuyên bố vô căn cứ vì khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế thừa nhận”.

Nhân dân Việt Nam tha thiết với hòa bình, mong muốn giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực bằng con đường đối thoại. Việt Nam đã cùng các nước ASEAN và Trung Quốc có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và đang đàm phán để tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng DOC,  không làm phức tạp thêm tình hình, hủy bỏ quyết định thành lập TP.Tam Sa vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa; hủy bỏ việc mời thầu sai trái trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Trọng Lập (*)

(*) Nguyên Phó trưởng ban Biên giới của Chính phủ, nguyên Đại sứ VN tại Malaysia

>> Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm biển Đông
>> Nga ủng hộ giải quyết vấn đề biển Đông bằng luật pháp quốc tế
>> Trung Quốc bị cáo giác lập lữ đoàn tên lửa uy hiếp biển Đông
>> Đội tàu hải giám Trung Quốc diễn tập ở biển Đông
>> Nhật Bản ủng hộ lập trường VN về biển Đông

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.