Cần tôn trọng luật pháp quốc tế khi giải quyết tranh chấp ở biển Đông

06/07/2012 03:00 GMT+7

Về mặt chính trị, Anh mong muốn tất cả các quốc gia có liên quan đến vấn đề biển Đông cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời tôn trọng các quốc gia láng giềng.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Browne khi trả lời câu hỏi liên quan đến quan điểm của Anh về các tranh chấp ở biển Đông tại cuộc họp báo ngày 5.7 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam từ 3-5.7.

Thứ trưởng Jeremy Browne cho biết mặc dù không có lợi ích trực tiếp ở biển Đông, nhưng theo quan điểm của Anh đây là tuyến đường hàng hải cực kỳ quan trọng không chỉ đối với châu Á mà còn thế giới. Vì lý do đó Anh không muốn việc tranh chấp tạo ra những ngăn cản đối với việc đi lại, giao thương trên biển Đông. Đại diện Ngoại giao Anh bày tỏ mong muốn việc giải quyết tranh chấp sẽ được diễn ra bằng các biện pháp hòa bình căn cứ trên luật pháp quốc tế như đã phản ánh trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển quốc tế năm 1982.

Cần tôn trọng luật pháp quốc tế khi giải quyết tranh chấp ở biển Đông 
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh Jeremy Browne và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tại diễn đàn đối thoại Việt-Anh hôm qua - Ảnh: TTXVN 

Đây cũng là quan điểm được ông Browne đưa ra tại cuộc Đối thoại chiến lược lần hai bàn về các vấn đề an ninh trong khu vực và trên thế giới cũng như hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm có tổ chức và quốc phòng giữa ông và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn diễn ra trước đó. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 và hoan nghênh những tiến bộ không ngừng để hướng tới Bộ quy tắc ứng xử nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý và điều tiết cách ứng xử của các bên tại biển Đông.

Kết thúc Đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí an ninh và quốc phòng là trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước và sẽ tăng cường đối thoại trong thời gian tới trên tinh thần Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.

Trong bài viết được Bộ Ngoại giao Anh phát đi trước đó, ông Browne khẳng định Anh tôn trọng sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nước Đông Nam Á trong các vấn đề liên quan đến an ninh. Anh đã ký Quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam; có vai trò trong hiệp định phòng vệ của 5 nước lớn với Singapore và Malaysia cũng như các hợp tác chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt và thúc đẩy an ninh hàng hải...

Nguyên Phong

>> Tàu “công xưởng” vi phạm luật Biển quốc tế
>> Công ước luật Biển năm 1982: Hiến chương của thế giới về biển và đại dương
>> Chính phủ Mỹ vận động quốc hội phê chuẩn luật Biển
>> Thảo luận luật Biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.