Bắt cá hai tay

06/07/2012 03:00 GMT+7

Tốt cho Cộng hòa Síp nhưng mất thể diện đối với EU. Đó là tác động khái quát nhất của việc Síp cầu viện Nga hỗ trợ tài chính để cứu hệ thống ngân hàng khỏi bị khủng hoảng tài chính.

Qua đó, Síp còn có thể dùng Nga làm đối trọng với EU. Síp hiện là Chủ tịch luân phiên của EU cho nửa năm tới. Việc để thành viên lâm vào khủng hoảng đã là chuyện chẳng hay ho gì đối với EU. Giờ đây thành viên ấy lại nhờ cậy Nga trong khi đang đảm nhận trọng trách lãnh đạo EU, thì càng tệ hại đối với EU. Mấu chốt vấn đề ở chỗ Síp chỉ cần khoảng 10 tỉ euro, chẳng bõ bèn gì so với những gói cứu trợ mà EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dùng để giúp Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cũng như cam kết dành cho Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều kiện mà EU và IMF đề ra lại rất ngặt nghèo. Việc chấp nhận những điều kiện góp phần khiến chính phủ ở các nước trên dần sụp đổ. Ngược lại, điều kiện của Moscow lại rất mềm và Nga cũng từng cứu trợ tài chính cho Síp. Cụ thể, khi đó Nga cho Síp vay tín dụng 2,5 tỉ euro khá dễ dàng.

Đúng như câu nói "Mục đích thần thánh hóa công cụ", lợi đơn lợi kép như thế nên chính phủ Síp không thể không bắt cá hai tay. Síp biết rằng EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chẳng thể không cứu trợ mình. Tuy nhiên, vấn đề là đàm phán để đạt điều kiện dễ dãi nhất trong khi EU, IMF và ECB không thể thiên vị Síp. Vì thế, cầu viện Nga là cơ hội để phát huy tối đa công dụng. Càng lo ngại bị mất mặt và khó xử, EU càng phải nhượng bộ Síp.

La Phù

>> Iran xem thường lệnh cấm vận của EU
>> EU thông qua gói kích thích tăng trưởng
>> EU thông qua gói kích thích tăng trưởng
>> Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với EU
>> Tây Ban Nha và Cyprus xin EU viện trợ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.