Thành nhà Hồ niềm tự hào đất Việt

16/06/2012 03:49 GMT+7

Hôm nay 16.6, Thanh Hóa sẽ tổ chức lễ đón Bằng di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ do UNESCO công nhận.

Thành nhà Hồ (hay còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, H.Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 giữ vai trò là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm 1389 - 1400 và kinh đô nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm 1400 - 1407.

 Thành nhà Hồ niềm tự hào đất Việt - nd
Thành nhà Hồ - tòa thành đá độc nhất vô nhị tại Việt Nam - Ảnh: Ngọc Minh

Tháng 6.2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của tổ chức UNESCO tại Paris (Pháp), Thành nhà Hồ được tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại. Đây là sự ghi nhận cho những nét đặc sắc mang tầm vóc và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, là niềm tự hào không những của xứ Thanh mà đó là sự minh chứng cho trình độ văn minh của người Việt đã phát triển từ rất sớm. 

Các chuyên gia trong và ngoài nước khi nghiên cứu Thành nhà Hồ đều đánh giá rất cao giá trị kiến trúc của những bức tường thành, xem đây là một kiến trúc đá hùng vĩ, một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng thành lũy và kinh đô ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Nam Á nói chung.

Phát huy giá trị di sản 

Cùng với việc bảo lưu những giá trị nổi bật toàn cầu, làm thế nào để phát huy giá trị di sản, thiết thực cải thiện, nâng cao chất lượng của cuộc sống nhân dân quanh vùng di sản đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với Thanh Hóa hiện nay.

Ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng chương trình phát triển du lịch đến 2020, đồng thời triển khai quy chế quản lý, bảo vệ di sản theo pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế; nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên tại khu vực này và vùng phụ cận. Đặc biệt, Thanh Hóa đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tiến hành khai quật khảo cổ học ở khu vực đàn tế Nam Giao, cổng nam Thành nhà Hồ, khu vực công trường khai thác đá An Tôn; quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường, triển khai chống rò rỉ nước, sụt lở và có phương án phòng chống thiên tai tác động tới Thành nhà Hồ. Ý tưởng biến khu vực Hoàng thành thành công viên khảo cổ được nhiều nhà khoa học đề cập tới và Thanh Hóa đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng”.

Còn ông Doãn Văn Phú, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa lại nhấn mạnh tới việc đưa Thành nhà Hồ nhanh chóng kết nối với các di sản trọng điểm du lịch quốc gia, mở rộng liên kết xây dựng sản phẩm du lịch hành trình đến các kinh đô Việt cổ ở khu vực bắc miền Trung. “Đây là sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử độc đáo, kết nối các vùng, miền, trải nghiệm qua nhiều không gian của đất nước từ Đền Hùng (Phú Thọ) - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) - Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) - Thành nhà Hồ - Lam Kinh (Thanh Hóa) - Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An) - Kinh thành Huế và điểm cuối là Thành Hoàng Đế của tỉnh Bình Định”, ông Phú nói. 

Tình độ cao trong xây thành đá lớn

Trao đổi với Thanh Niên, TS Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho rằng: “Thành nhà Hồ cho thấy trình độ kỹ nghệ xây thành, đặc biệt là kỹ xảo xây dựng đá lớn của người Việt khi đó đã có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Nhưng đặc biệt hơn cả chính là tài năng tổ chức của Hồ Quý Ly đã đạt tới độ khoa học, đại diện cho phương thức tổ chức của chính quyền quân chủ tân nho giáo ở các nước phương Đông lúc bấy giờ mà với xã hội quân chủ Phật giáo thời Trần trước đây không làm nổi”.

Cao Ngọ - Ngọc Minh

>> Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Thành nhà Hồ
>> Ở VN, con rồng là của cả dân tộc
>> Đá xây thành nhà Hồ không phải đá núi An Tôn?
>> Đường Trường Sơn - kỳ quan của lòng yêu nước
>> Phát hiện công trường khai thác đá xây thành nhà Hồ
>> Khám phá Thành nhà Hồ - Tân di sản văn hóa thế giới
>> Thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới
>> Thành nhà Hồ có hy vọng ghi danh Di sản văn hóa thế giới
>> Phát hiện giếng cổ tại Đàn tế Nam Giao - thành nhà Hồ
>> Hành trình hướng về nguồn cội
>> Phục dựng thành công chậu gốm đàn Nam Giao - Tây Đô
>> Khai quật di tích thành Hoàng Đế (Bình Định) lần thứ hai: Lộ dần bóng dáng cấm thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.