Xem xét loại khỏi quy hoạch 52 dự án thủy điện nhỏ

15/06/2012 08:28 GMT+7

(TNO) Trả lời chất vấn đại biểu quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay các tỉnh đang đánh giá lại 52 dự án thủy điện nhỏ để xem xét loại khỏi quy hoạch.

>> Giữa tháng 6 sẽ xử lý chống thấm đập Sông Tranh 2
>> Tạm dừng thỏa thuận địa điểm lập dự án thủy điện
>> Đập Sông Tranh 2: Cần xác định nguyên nhân trước khi khắc phục
>> Không thể phát triển thủy điện bằng mọi giá
>> Rung chấn tại Quảng Nam do tích nước thủy điện

ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng hai vấn đề liên quan đến sự an toàn của các dự án thủy điện.

Bà Ánh dẫn ý kiến của cử tri về việc xây dựng một số công trình thủy điện chưa thực sự hiệu quả, tràn lan, lãng phí và đề nghị bộ trưởng cho biết thực trạng các nhà máy thủy điện hiện nay.

Vấn đề thứ 2 mà ĐB này chất vấn Bộ trưởng Công thương là “công trình thủy điện Sông Tranh 2 đang gặp sự cố và các cấp có thẩm quyền đang tích cực khắc phục. Tuy nhiên theo phản ánh của cử tri thì việc khắc phục sự cố vẫn chưa có tính khả thi cao. Xin Bộ trưởng cho biết chất lượng công trình hiện nay và hướng giải quyết sắp tới như thế nào để bảo đảm an toàn cho công trình?”.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết đến nay, tổng số các dự án thủy điện trong quy hoạch là 1097 dự án, trong đó có 107 dự án vừa và lớn trên các dòng chính các sông và 990 dự án thủy điện nhỏ. Tổng số các nhà máy thủy điện đã phát điện là 195 dự án với tổng công suất 11.965 MW, đóng góp khoảng 36% lượng điện năng toàn quốc, các nhà máy thủy điện đang được xây dựng là 245 dự án với tổng công suất 7.101 MW.

Bên cạnh khẳng định những mặt tích cực của các dự án thủy điện nói chung, Bộ trưởng thừa nhận “các dự án thủy điện cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập”. Để khắc phục, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 15 năm 2010 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện vừa và nhỏ, trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh rà soát, loại khỏi Quy hoạch những dự án có hiệu quả thấp về kinh tế - xã hội, như ảnh hưởng lớn tới môi trường, có hồ chứa gây ngập lớn chiếm nhiều đất canh tác, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng… “Hiện nay, các tỉnh đang đánh giá lại 52 dự án thủy điện nhỏ để xem xét loại khỏi quy hoạch”, Bộ trưởng cho biết.

Kiểm tra an toàn của đập Sông Tranh 2 sau xử lý sự cố

Liên quan đến việc xử lý sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, cho đến nay, các công việc xử lý thấm đập đang được EVN và các bên liên quan tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và bộ. Cụ thể, đã xử lý xong việc thu gom nước thấm về hành lang thu nước theo thiết kế, không để nước thấm ra mặt ngoài hạ lưu đập; lập xong phương án xử lý thấm tổng thể và lựa chọn được các đơn vị thực hiện.

Theo Bộ trưởng, công việc chấm thấm đã được bắt đầu từ ngày 1.6.2012. Theo cam kết trong hợp đồng, công tác chống thấm sẽ hoàn thành trước ngày 31.7.2012 và hoàn thiện toàn bộ trong tháng 8.2012.

“Phương án xử lý này có nhiều ưu việt và đang được phổ biến áp dụng trên thế giới để xử lý thấm các đập thủy điện có sự cố rò rỉ nước tương tự như của thủy điện Sông Tranh 2”, Bộ trưởng dẫn ý kiến nhận xét, đánh giá của các chuyên gia, cho biết.

Tiếp tục dẫn báo cáo của EVN và kết quả kiểm tra của nhiều đoàn công tác, đánh giá của cơ quan có thẩm quyền liên quan, Bộ trưởng “trấn an”: “Hiện tại đập vẫn đảm bảo an toàn, chưa có những biểu hiện bất thường về hậu quả do rò rỉ nước gây ra”.

Mặc dù vậy, tư lệnh ngành Công thương nhấn mạnh để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, ngay sau khi kết thúc xử lý chống thấm, Bộ sẽ cùng Bộ Xây dựng tiếp tục yêu cầu EVN tổ chức đánh giá toàn diện tình trạng ổn định an toàn đập để có kết luận cuối cùng báo cáo Thủ tướng và cung cấp đầy đủ thông tin rộng rãi thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người dân khu vực hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 yên tâm sản xuất và sinh hoạt, góp phần ổn định dư luận xã hội và đảm bảo đưa công trình vào hoạt động an toàn, có hiệu quả.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.