Can dự nhưng không gây bất ổn khu vực

03/06/2012 03:24 GMT+7

Diễn biến tại Đối thoại Shangri-La trong ngày 2.6 cho thấy Mỹ muốn can dự sâu vào châu Á - Thái Bình Dương nhưng chủ động tránh gây bất ổn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm qua có bài diễn văn và đối thoại quan trọng tại diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên ở Singapore. Tại đây, ông Panetta mang sứ mệnh giải thích trước 350 quan chức, chuyên gia quốc phòng, giới ngoại giao và học giả từ 28 quốc gia 4 châu lục, cùng gần 200 phóng viên quốc tế về chính sách quốc phòng và ngoại giao mới của Mỹ.

Chính sách chuyển trọng tâm về khu vực châu Á - Thái Bình Dương được chính phủ Mỹ đưa ra hồi đầu năm nay. Theo ông Panetta, khu vực này là nơi mà an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ phụ thuộc vào nhiều hơn trong thế kỷ 21. Vì thế, “Tổng thống Barack Obama đã quả quyết Mỹ sẽ thể hiện vai trò lớn hơn ở khu vực này trong vài thập niên tới”, ông Panetta nói. Ông cũng cam kết việc tăng cường sức mạnh của Mỹ tại đây sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc được cộng đồng quốc tế chia sẻ.

 Can dự nhưng không gây bất ổn khu vực
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định Washington sẽ can dự sâu vào châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: AFP

Cụ thể về bước đi trong thời gian tới, ông chủ Lầu Năm Góc cho biết sẽ làm tinh gọn nhưng hiện đại, cơ động và linh hoạt hơn hệ thống thiết bị quốc phòng, như thay thế một loạt tàu chiến cũ. Đến năm 2020, cán cân sức mạnh quân sự của Mỹ ở 2 khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sẽ dịch chuyển từ tỷ lệ 50/50 sang 60/40. Tại Thái Bình Dương khi đó sẽ có 6 hàng không mẫu hạm; nhiều khu trục hạm, chiến hạm cận bờ và tàu vận tải quân sự, tàu ngầm hơn Đại Tây Dương… Hải quân Mỹ ở đây cũng sẽ tăng số lượng và nâng cấp các cuộc diễn tập quân, thăm viếng nhiều hơn quân cảng các nước trong khu vực và hướng xa hơn đến Ấn Độ Dương. Washington cũng sẽ cổ vũ hợp tác đối tác nhằm làm tăng cường năng lực quân sự của các quốc gia trong khu vực.

 

Bên lề diễn đàn hôm qua, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã gặp gỡ song phương với Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - tướng Samuel Locklear, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Tham mưu trưởng quân đội Singapore, và trưởng đoàn các quốc gia Úc, Anh, Canada.

Cho tới nay, chiến lược này nhận được những phản ứng trái chiều của các quốc gia trong khu vực. Một số tin rằng nó sẽ đem lại sự cân bằng về sức mạnh và giúp hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhưng “một số nhìn nhận nó như một thách thức đối với Trung Quốc”, nước đang tăng nhanh sức mạnh kinh tế, quân sự và có tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia láng giềng. “Tôi bác bỏ hoàn toàn nhận định đó”, ông Panetta “trấn an” Bắc Kinh, đồng thời đưa ra những dự định thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Ông cho biết dự kiến sẽ thăm Trung Quốc trong một vài tháng tới, với “cam kết tạo dựng một mối quan hệ lành mạnh, ổn định, đáng tin cậy và quan hệ quân sự liên tục” giữa đôi bên.

Mặt khác, ông Panetta cũng khẳng định “ủng hộ nỗ lực ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý” để ngăn chặn và kiểm soát tranh chấp ở biển Đông. Theo ông, Mỹ cần phê chuẩn Công ước LHQ về luật Biển trong năm nay để hòa cùng xu thế tuân thủ nguyên tắc và trật tự quốc tế.

Một đại biểu cũng đặt vấn đề về sự can dự của Mỹ trong vụ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines, nước đồng minh quân sự của Mỹ, tại bãi cạn

Scarborough. Ông Panetta khẳng định Mỹ phản đối hành động khiêu khích, hiếp đáp, hay sử dụng vũ lực, nhưng không đứng về bên nào mà chỉ khuyến khích các bên giải quyết hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Về trình bày của ông Panetta, một đại diện của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc Mỹ đóng một vai trò giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Ông này cũng đề nghị ông Panetta nói rõ hơn về dự định hợp tác quân sự giữa hai nước.

Nhận định sau đối thoại, trưởng đoàn VN, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói với PV Thanh Niên: “Vấn đề nổi bật và rất đáng mừng tại diễn đàn lần này là nhiều nước lớn muốn can dự vào khu vực nhưng không muốn gây bất ổn”.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Mỹ sẽ chuyển phần lớn hạm đội sang Thái Bình Dương
>> Đối thoại Shangri-La và điểm nóng biển Đông
>> Mỹ nâng tầm ảnh hưởng quân sự tại châu Á với chiến lược mới
>> Mỹ cân nhắc UNCLOS trước sóng gió biển Đông
>> Mỹ có sẵn kế hoạch đánh Iran

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.