Chiến tranh mạng: Cuộc chiến bí mật của Barack Obama

01/06/2012 19:00 GMT+7

(TNO) Ngay từ những tháng đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bí mật ra lệnh tăng cường các cuộc tấn công tinh vi vào hệ thống máy tính vận hành những cơ sở hạt nhân chính của Iran.

(TNO) Ngay từ những tháng đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bí mật ra lệnh tăng cường các cuộc tấn công tinh vi vào hệ thống máy tính vận hành những cơ sở hạt nhân chính của Iran, mở rộng đáng kể phạm vi sử dụng vũ khí ảo của Mỹ.

Ông Obama đã quyết định tăng cường các cuộc tấn công - vốn bắt đầu từ thời người tiền nhiệm George Bush với mật danh Olympic Games - ngay cả khi vũ khí trong chương trình tình cờ lọt ra ngoài vào mùa hè năm 2010. Một lỗi lập trình đã cho phép con virus nguy hiểm thoát ra khỏi cơ sở hạt nhân Natanz của Iran và lây lan trên internet.

Các chuyên gia bảo mật, những người bắt đầu nghiên cứu con virus do Mỹ và Israel phát triển, đã đặt cho nó một cái tên: Stuxnet.

Nguồn gốc con virus khét tiếng này mới đây lại thu hút sự chú ý sau khi hãng bảo mật ở Nga Kaspersky Lab công bố phát hiện về một siêu virus ở Trung Đông được đặt tên Flame, vốn mang nhiều nét bí ẩn tương tự Stuxnet dù nó mạnh và nguy hiểm hơn gấp bội.

Cuộc chiến bí mật nhắm vào các cơ sở hạt nhân Iran đã được nhà báo David E. Sanger của tờ New York Times tiết lộ trong cuốn sách có tựa Confront and Conceal: Obama’s Secret Wars and Surprising Use of American Power (tạm dịch: Đối đầu và che đậy: Những cuộc chiến bí mật của Obama và Năng lực sử dụng đáng kinh ngạc của sức mạnh Mỹ) sẽ phát hành vào ngày 5.6 này.

Một phần của cuốn sách nói về chiến tranh mạng vừa mới được tờ New York Times cập nhật và trích đăng trong số ra ngày 1.6.

Chiến tranh mạng: Cuộc chiến bí mật của Barack Obama
 Ông Obama (trái) thừa hưởng chương trình Olympic Games từ người tiền nhiệm George Bush - Ảnh: AFP 

Theo nhà báo Sanger, tại một cuộc họp căng thẳng trong phòng Tình huống ở Nhà Trắng vài ngày sau khi virus Stuxnet thoát ra ngoài, ông Obama, Phó tổng thống Joe Biden và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương lúc bấy giờ Leon Panetta đã cân nhắc xem liệu âm mưu tham vọng nhất của Mỹ nhằm trì hoãn sự phát triển chương trình hạt nhân của Iran có bị ảnh hưởng hay chưa.

Theo các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia có mặt trong phòng, ông Obama đã hỏi: “Chúng ta có nên đóng chương trình này?”.

Ông Obama đã quyết định tiếp tục các cuộc tấn công sau khi nghe báo cáo rằng có khả năng người Iran chưa biết về chương trình và được cung cấp các bằng chứng cho thấy virus này vẫn phá hoại hiệu quả.

Trong những tuần sau đó, nhà máy hạt nhân ở Natanz bị tấn công bởi một phiên bản mới của virus và thêm một phiên bản khác nữa sau đó. Đợt cuối cùng trong một loạt những cuộc tấn công, xảy ra vài tuần sau khi Stuxnet bị phát hiện trên toàn thế giới, đã tạm thời loại bỏ gần 1.000 trong số 5.000 máy ly tâm được Iran khởi động nhằm tinh chế uranium.

Thông tin về nỗ lực của Mỹ và Israel nhằm làm xói mòn chương trình hạt nhân Iran dựa trên các cuộc phỏng vấn trong 18 tháng qua với các quan chức cũ lẫn đương nhiệm của Mỹ, châu u và Israel có dính dáng đến chương trình, cũng như một loạt các chuyên gia, theo tờ New York Times.

Không ai trong số đó cho phép công bố danh tính của họ bởi chương trình vẫn mang tính bí mật cao và một phần của nó vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày nay.

Các quan chức nói trên đã đưa ra những đánh giá khác nhau về mức độ thành công của chương trình phá hoại nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran. Bộ sậu của ông Obama ước lượng chương trình hạt nhân của Iran bị chậm lại từ 18 tháng đến 2 năm. Song một số chuyên gia trong và ngoài chính phủ tỏ ra bi quan hơn, lưu ý rằng mức độ làm giàu nguyên liệu hạt nhân của Iran đã từ từ hồi phục.

Việc Iran có cố ý chế tạo một vũ khí hạt nhân hay không vẫn là điều gây tranh cãi. Ước lượng tình báo mới nhất của Mỹ kết luận Iran đã ngưng phần lớn chương trình vũ khí sau năm 2003 mặc dù có bằng chứng rằng một số tàn dư của nó vẫn còn tiếp diễn.

Ban đầu Iran bác bỏ việc những cơ sở làm giàu bị Stuxnet tấn công song sau đó nói họ đã phát hiện virus và kiềm chế nó. Vào năm ngoái, nước CH Hồi giáo này thông báo họ đã thành lập đơn vị quân đội ảo và chuẩn tướng Gholamreza Jalali, người đứng đầu Tổ chức Phòng thủ Thụ động của Iran, nói quân đội Iran đã sẵn sàng giao chiến với các kẻ thù trong hình thái chiến tranh internet và chiến tranh mạng. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy họ đã phản công.

Chiến tranh mạng: Cuộc chiến bí mật của Barack Obama
 Đoạn mã của virus Flame - Ảnh: AFP

Chính phủ Mỹ chỉ mới xác nhận phát triển vũ khí ảo gần đây và chưa bao giờ thừa nhận sử dụng chúng. Có những tường thuật về các cuộc tấn công nhắm vào máy tính cá nhân của các thành viên al-Qaeda và những cuộc tấn công dự tính nhắm vào máy tính vận hành hệ thống phòng không, bao gồm cả trong chiến dịch không kích Libya do NATO dẫn đầu vào năm ngoái. Tuy nhiên, Olympic Games là một mô hình hoàn toàn khác biệt và tinh vi.

Đây dường như là lần đầu tiên Mỹ liên tục sử dụng vũ khí ảo nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng bằng một đoạn mã máy tính, đạt được kết quả mà cho đến lúc đó chỉ có thể được hoàn thành bằng cách oanh tạc một đất nước hoặc cử các đặc vụ cài chất nổ.

Bản thân đoạn mã dài gấp 50 lần một virus máy tính thông thường, theo tiết lộ của ông Carey Nachenberg, Phó chủ tịch hãng Symantec, một trong nhiều tổ chức nghiên cứu đoạn mã, tại hội nghị chuyên đề ở Đại học Stanford (Mỹ) vào tháng 4. Các cuộc điều tra về cơ chế hoạt động của đoạn mã không đưa ra được kết luận về tác giả của nó.

Một quy trình tương tự hiện được thực hiện để tìm ra nguồn gốc của một virus mới được phát hiện tên Flame vốn tấn công máy tính của các quan chức Iran, gom sạch mọi thông tin từ những chiếc máy đó. Tuy nhiên, đoạn mã mới này dường như xuất hiện cách đây ít nhất 5 năm và các quan chức Mỹ nói nó không phải là môt phần của chương trình Olympic Games. Họ từ chối cho biết liệu Mỹ có chịu trách nhiệm trong vụ tấn công của Flame hay không.

Theo các nhân vật từng tham dự nhiều cuộc họp về Olympic Games tại phòng Tình huống, ông Obama nắm bắt sâu sát về mọi cuộc tấn công mà ông ra lệnh thực hiện. Ông liên tục bày tỏ lo ngại rằng bất kỳ sự thừa nhận nào của Mỹ về việc sử dụng vũ khí ảo, ngay cả trong các tình huống giới hạn và cẩn trọng nhất, cũng có thể cho phép các quốc gia khác, hoặc những nhóm khủng bố và tin tặc cái cớ để bào chữa cho cuộc tấn công riêng của họ.

“Chúng tôi đã bàn bạc về sự trớ trêu này nhiều hơn một lần”, một phụ tá của ông Obama nói. Tuy nhiên, ông Obama kết luận rằng Mỹ không có lựa chọn nào khác để ngăn cản Iran.

Nếu Olympic Games thất bại, ông nói với các phụ tá, sẽ không có thời gian để các lệnh trừng phạt và biện pháp ngoại giao mang lại hiệu quả. Israel có thể thực hiện một cuộc tấn công quân sự quy ước, gây ra cuộc xung đột có khả năng lan ra khắp cả khu vực. (Còn tiếp)

Sơn Duân

>> Cửa hậu" trên chip do Trung Quốc sản xuất?
>> LHQ sẽ phát cảnh báo khẩn về siêu virus Flame
>> Phát hiện siêu virus máy tính ở Trung Đông
>> Bàn tay Israel trong vụ nổ bí ẩn tại Iran?
>> Cha đẻ của sâu Stuxnet lại hành động
>> Siêu vũ khí chiến tranh mạng: Stuxnet, sâu máy tính bí ẩn
>> “Sát thủ” tràn ngập mạng máy tính toàn cầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.