Thời niên thiếu ở Phnom Penh

26/05/2012 06:20 GMT+7

Lúc còn sống, mẹ tôi thường kể chuyện về ông ngoại - cụ Phan Châu Trinh. Cụ mất năm 1926 sau khi từ Pháp về được một năm, nên khi ra đời tôi không được biết mặt và càng không được trực tiếp nhận ảnh hưởng từ tư tưởng yêu nước thức thời của cụ.

>> Chị Hai Bình - gia đình, bạn bè và đất nước

Trong ký ức của tôi, từ lời kể của mẹ, ông ngoại tôi là người đã phải bôn ba khắp nước từ khi còn trẻ, rồi vì hoạt động chống Pháp mà đã bị bắt. Nếu không có những người Pháp tiến bộ trong Hội Liên minh nhân quyền Pháp tích cực bênh vực có lẽ cụ đã bị xử chém. Sau thời gian ở tù Côn Đảo, khi được trả tự do cụ yêu cầu và được chính quyền thuộc địa cho sang Pháp, và đã ở đó 14 năm. Ý đồ của cụ là tìm cách dựa vào các lực lượng tiến bộ ở Pháp để mưu cầu độc lập cho nước nhà.

Thời niên thiếu ở Phnom Penh
Gia đình hai người con gái của cụ Phan Châu Trinh - ảnh tư liệu gia đình

Trong những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình tôi không sống ở trong nước, nhưng tin tức về các cuộc nổi dậy của cộng sản ở Mỹ Tho và một số tỉnh Nam bộ cũng đã đến với chúng tôi. Hồi đó, tôi thấy mẹ tôi thường tỏ ra buồn bực, bà hay tâm sự với những người bạn thân: “Không biết bao giờ nhân dân ta mới đánh được Tây?”

Tại Campuchia, gia đình chúng tôi sống ở đại lộ Miche (Boulevard Miche), thủ đô Phnom Penh. Nhà làm bằng gỗ, với một kiến trúc rất đặc biệt, do ba tôi thiết kế theo ý tưởng của cụ: phải rộng rãi, thoáng mát, tiện lợi. Nhà ở sau một bãi cát rất rộng, mùa trăng rằm sáng trắng như tuyết. Những đêm trăng sáng chị em tôi rất thích đuổi nhau trên bãi cát trắng. Sau nhà là đồng ruộng, mùa nước lên, nước có thể đến chân cột nhà. Tôi giữ mãi hình ảnh về ngôi nhà thân thiết ấy, đã gắn với thời niên thiếu của mấy chị em chúng tôi những năm tháng chúng tôi còn đủ cha và mẹ.

Nghe bài hát kêu gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi...”, tôi thấy bừng bừng trong tim

Tôi học Trường Lycée Sisowath, trường trung học lớn nhất của Campuchia. Vì cha tôi làm công chức nên tôi “được” học ở hệ thống “chính quốc” Pháp, không theo hệ thống dành cho người bản xứ. Ở đây phần lớn học sinh là con cái công chức người Pháp hoặc có quốc tịch Pháp. Tinh thần dân tộc của tôi và các em tôi đã biểu hiện trong một số vụ va chạm với “bọn con Tây”. Tôi nhớ một lần ra chơi, mấy đứa bạn học người Pháp nói với nhau về những người giúp việc nhà họ: “Bọn Annamite đều là những tên ăn cắp.” Tôi nghe thấy, không chịu nổi, đến hỏi chúng: “Chúng mày đã nói gì?” Mấy đứa còn đang ngơ ngác, tôi lấy ngay cặp sách nện vào chúng. Các em tôi đến đón tôi cũng nhảy vô tiếp sức chị. Một cuộc ẩu đả xảy ra, may không có ai bị thương đáng kể. Ngày hôm sau, tôi bị ông hiệu trưởng gọi lên, tôi tưởng ông sẽ kỷ luật tôi, nhưng ông chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng.

Mẹ ốm nặng, phải về chữa bệnh ở Sài Gòn từ cuối năm trước, ở tại nhà thờ cụ Phan bên Đa Kao. Thi “brevet” xong tôi về Sài Gòn thăm mẹ. Nhìn mẹ gầy ốm gần như da bọc xương, tôi thương quá, ân hận đã không được ở bên mẹ để chăm sóc. Tôi khóc sưng cả mắt. Mẹ nhìn tôi, chỉ lắc đầu lẩm bẩm: “Thương con tôi, nó còn nhỏ quá!”. Đi đường gần một ngày từ Phnom Penh về Sài Gòn quá mệt, tôi nằm thiếp đi một lúc thì chị giúp việc gọi dậy báo mẹ tôi đã mất rồi. Lúc đó ba tôi đi công tác xa chỉ kịp về đưa đám mẹ tôi. Các em tôi cũng không được gặp mẹ giây phút cuối cùng. Chỉ có mình tôi, may còn được gặp mẹ trước khi bà ra đi mãi mãi. Mẹ tôi được chôn cất tại nghĩa địa Trung kỳ Ái hữu, mãi đến năm 1976 mới được cải táng đưa tro về nhà thờ cụ Phan hiện nay. Trước đây, tôi mong ước sau khi học xong tú tài sẽ xin học trường y, trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo. Sở dĩ tôi có ý nghĩ và mong ước đó là vì tôi thấy bác sĩ đến chữa bệnh cho mẹ tôi tuy đã được trả tiền nhưng không sốt sắng và tận tâm, gia đình phải cầu cạnh họ. Có lẽ chúng tôi không gặp được những bác sĩ tốt chăng?

Ở tuổi 16, tôi đã mất mẹ. Các em tôi lúc đó còn rất nhỏ, mới mười ba, chín, năm, ba tuổi và em út mới mấy tháng tuổi. Khi còn mẹ, tôi chỉ biết ăn học, vui chơi. Ba tôi đặt nhiều hy vọng vào tôi. Tôi học tương đối tốt, nhất là môn toán, lúc nào cũng được điểm cao, nhờ đó mà sau này tôi đã làm gia sư và có lúc dạy toán ở một vài trường. “Con cố gắng học tốt, sau này có nghề nghiệp, có gì còn lo cho các em”, ba tôi thường nhắc nhở tôi, dường như ông đã tiên lượng hoàn cảnh của chúng tôi.

Những năm học cấp ba, tôi vẫn chăm chỉ học tập nhưng đã bắt đầu nghĩ về tương lai. Tôi thích đọc sách, thường thức khuya đọc tiểu thuyết. Tôi thích nghe nhạc trữ tình của Schubert, Schumann... và cả nhạc hùng tráng. Nghe bài hát kêu gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi...”, tôi thấy bừng bừng trong tim. Ba mẹ tôi đôi khi cũng cho chúng tôi đi xem phim, coi cải lương. Tôi rất dễ xúc động. Nhớ một lần xem vở Đời cô Lựu, khá nổi tiếng những năm 1940, tôi khóc nức nở. Khán giả ngồi quanh không nhìn lên sân khấu nữa mà quay lại nhìn tôi. Tôi hết sức xấu hổ nhưng không cầm được nước mắt.

Tôi cũng thích thể thao. Môn thích nhất là bóng rổ. Ngày chủ nhật tôi thường cùng các bạn chơi cả buổi sáng. Khi về nhà, hai má đỏ lựng như cà chua chín. Đôi khi tôi cũng tham gia thi đấu bóng rổ với các trường khác, thi chạy việt dã... Tôi cũng chú ý đến việc may vá, nấu nướng, muốn được trở thành một người phụ nữ toàn diện “công, dung, ngôn, hạnh”. Như biết bao cô gái, tôi có nhiều ước mơ. Chính vào lúc đó, tôi đã gặp anh Khang, người bạn đời sau này của tôi.

Từ năm 1944, tình hình nước ta có nhiều biến động. Trong không khí như âm ỉ những dự báo vừa mơ hồ vừa rõ rệt về những chuyển biến mới sẽ đến, mọi người hồi hộp lo, chờ. Quân Nhật đã đổ vào khắp nơi. Và tôi cũng bắt đầu hiểu ra nhiều điều.

Tại Phnom Penh đã xuất hiện hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước, sau đó lại có phong trào cứu tế nạn đói cho miền Bắc, thu hút sự tham gia của đông đảo người Việt ở Campuchia. Đương nhiên gia đình chúng tôi liền hăng hái có mặt, và dần dần chúng tôi hiểu về Việt Minh - tổ chức đã đứng ra vận động những phong trào này.

Sau cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương ngày 9.3.1945, nhiều người Việt ở Campuchia thấy cần sớm về nước để được trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh lớn của dân tộc. Gia đình chúng tôi cũng quyết trở về. Việc chuẩn bị thi tú tài của tôi đành gác lại.

Nguyễn Thị Bình

Tựa bài do Thanh Niên đặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.