Những nhà khoa học ở trường làng

24/05/2012 15:08 GMT+7

Bên bờ sông Hậu có một ngôi trường làng chỉ trong vòng 7 năm đã giành được 17 giải thưởng cấp quốc gia, 2 lần đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế về bảo vệ nguồn nước.

Những nhà khoa học ở trường làng
Đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế tại Stockholm, Thụy Điển, năm 2011 - Ảnh do thầy Nguyễn Ngọc Hải cung cấp

Đó là Trường THPT An Lạc Thôn (xã An Lạc Thôn, H.Kế Sách, Sóc Trăng). Có lẽ do được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hậu hiền hòa nên các thế hệ học trò ở đây tìm mọi cách góp phần bảo vệ nguồn nước của dòng sông quê mình.

Thi là có giải

Thầy Nguyễn Ngọc Hải, Tổ trưởng Tổ hóa - sinh Trường THPT An Lạc Thôn, cho biết phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh (HS) nhà trường bắt đầu từ năm học 2004-2005, khi Sở GD-ĐT Sóc Trăng vận động các em tham gia cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”. Lần đó, nhà trường nhận được hơn 10 đề tài dự thi của HS. “Do là lần đầu tiên nên cả thầy và trò đều rất bỡ ngỡ. Có đề tài của các em viết chưa tới nửa trang giấy và trình bày giống như một bài văn”, thầy Hải nhớ lại. Từ những ý tưởng của các em, nhà trường chọn ra những đề tài có tính khả thi nhất để hướng dẫn HS cách thức nghiên cứu rồi chọn các đề tài tốt nhất dự thi vòng tỉnh. Không ngờ, cả 4 đề tài để dự thi đều đoạt giải; trong đó đề tài “Máy lọc đầu ao” với giải pháp  sử dụng lục bình để lọc bớt những chất gây ô nhiễm của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Việt, Lê Thị Kiều Trang, Phạm Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt đã đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba toàn quốc.

Năm sau, số lượng đề tài dự thi vòng trường đã tăng lên gấp 3 lần; đoạt 1 giải ba và 2 giải khuyến khích cấp quốc gia. Đến lần thứ 3 tham gia cuộc thi (năm học 2006 - 2007), HS An Lạc Thôn đã giành giải nhất toàn quốc với đề tài “Gòn - Bông băng cho nước nhiễm dầu”; đồng thời đoạt thêm 1 giải ba, 1 giải khuyến khích và 1 giải tập thể. Từ đó, năm nào HS của trường cũng đoạt giải ở vòng thi toàn quốc, gồm 1 giải nhất, 4 giải ba cùng nhiều giải khuyến khích.

Ra biển lớn

 

Cuộc thi "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước"

Năm 1994, Giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi HS (SJWP) được thành lập bởi Quỹ Stockholm (SWF) và là một bộ phận của Giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới, nhưng chỉ giới hạn ở Thụy Điển. Từ năm 1997, SJWP trở thành một giải thưởng quốc tế được trao cho các nhà khoa học trẻ ở lứa tuổi HS của các quốc gia trên thế giới có đề án hoặc công trình nhằm mục đích cải thiện tình trạng sinh thái trong môi trường nước. Cuộc thi được tiến hành hằng năm ở mỗi quốc gia. Người được giải thưởng cao nhất ở cấp quốc gia sẽ được tham dự cuộc thi quốc tế tại Thụy Điển.

Ai đó từng nói “Những người sống ở gần sông nước, luôn có mong muốn được ra khơi”. Và sự mong muốn của HS An Lạc Thôn đã 2 lần trở thành hiện thực khi các em được đại diện HS Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế về bảo vệ nguồn nước tại Stockholm - Thụy Điển.

Lần đầu tiên HS An Lạc Thôn được tranh tài tại Thụy Điển là năm 2007, với đề tài “Gòn - Bông băng cho nước nhiễm dầu” của nhóm tác giả Phan Phước Duy, Trần Trung Hoàng, Võ Phi Thoàn. Từ việc tình cờ nhìn thấy bông gòn khô hút sạch dầu loang trên mặt nước, các bạn viết thành đề tài nghiên cứu khoa học. Đến năm 2011, HS của trường một lần nữa có vinh dự đại diện Việt Nam tranh tài tại Thụy Điển cũng với giải pháp thu giữ dầu loang, nhưng bằng vỏ cây tràm. Đề tài mang tên “Thu - giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” của nhóm tác giả Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy, Nguyễn Thanh Liêm. “Trong những lần đi học, chúng em thấy vỏ cây tràm rơi, trôi trên sông rất nhiều gây ô nhiễm nguồn nước nên tiến hành thu gom và phát hiện nó hút nước rất ít. Chúng em tự đặt ra câu hỏi, vậy vỏ cây tràm thấm hút chất gì? Từ đó, chúng em tiến hành nghiên cứu và phát hiện nó hút dầu mạnh nhất. Thế rồi đề tài này may mắn vượt qua các vòng thi trong nước và được chọn dự thi quốc tế”, Nguyễn Trí Hảy kể.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Hải,  đề tài “Thu - giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” là một bước tiến dài so với dùng bông gòn, do vỏ tràm có khả năng hút dầu đến 97%, cao hơn bông gòn 2%. Ngoài ra, vỏ tràm có thể áp dụng ở mọi địa hình: trên bờ, dưới nước (cả nước tĩnh và động), trên sàn nhà và có thể bện thành thảm, kết thành sợi… trong khi bông gòn chỉ áp dụng được ở mặt nước động. “Trong 2 lần dẫn HS tham dự kỳ thi quốc tế, tôi nhận thấy Ban giám khảo đánh giá rất cao đề tài của HS Việt Nam. Song, hạn chế lớn nhất của các em là ngoại ngữ, khi trình bày phải có phiên dịch. Đó là một trong những lý do chính mà các em chưa giành được giải thưởng”, thầy Hải cho biết.  

Những nhà khoa học ở trường làng
HS Trường THPT An Lạc Thôn được thầy Nguyễn Ngọc Hải (bìa phải) hướng dẫn nghiên cứu Ảnh tư liệu

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.