Tìm "vàng" cho phim tài liệu truyền hình

23/05/2012 09:20 GMT+7

Sáng 22-5, Đài truyền hình TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển phim tài liệu truyền hình.

Sáng 22-5, Đài truyền hình TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển phim tài liệu truyền hình.

Hơn 80 người, trong đó có khoảng 30 nhà biên kịch, nhà nghiên cứu và đạo diễn, người viết lời bình đã tham gia cuộc tọa đàm với nhiều ý kiến thiết thực cho sự phát triển của một thể loại phim đang gặp nhiều khó khăn.

Tìm "vàng" cho phim tài liệu truyền hình 
Nhiều ý kiến trong tọa đàm đánh giá cao chất lượng bộ phim tài liệu Mê Kông ký sự - một trong số những phim tài liệu truyền hình hiếm hoi được khán giả quan tâm - Ảnh tư liệu

NSND Lương Đức kể có một sinh viên trường sân khấu - điện ảnh khi được hỏi đã cho rằng phim tài liệu là loại phim không có người xem! Câu trả lời có vẻ khôi hài nhưng đưa ra một thực tế đau lòng về thực trạng của phim tài liệu truyền hình hiện nay. Mổ xẻ về hạn chế, NSND Lương Đức cho rằng nguyên nhân là do cách làm phim lạc hậu kéo dài từ năm này sang năm khác, phim còn mang nặng tính minh họa, thiếu tìm tòi sáng tạo, rập khuôn và nội dung chủ yếu thường là ca ngợi con người/ sự việc.

 
Đưa ra giải pháp, nhà báo Đinh Phong đề xuất: "Bên cạnh phim tài liệu dài tập, nhà đài nên chú trọng trở lại thể loại phim một tập bởi thể loại này mang tính thời sự cao. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc sưu tập những tư liệu quý". Biên kịch Trần Thanh Hưng, Đài truyền hình Phú Yên, cũng đề nghị nên có sự gắn kết giữa các đài truyền hình để phim tài liệu được phủ sóng khắp mọi miền đất nước.

Đồng thuận với NSND Lương Đức, nhà văn Bùi Quang Huy nói thêm về điểm yếu của phim tài liệu truyền hình hiện nay là sự nghèo nàn về hình ảnh, tư liệu, tư tưởng nghệ thuật. Ông nhấn mạnh: "Phim tài liệu phải đọng lại điều gì trong khán giả để họ phải xúc động, thao thức chứ không chỉ là phim cung cấp kiến thức". Vấn đề về con người cũng được nhắc đến. Nhà báo Trường Sơn lo lắng hiện đang thiếu hụt một đội ngũ trẻ kế thừa bởi các bạn trẻ không mặn mà với phim tài liệu, vì kinh phí lẫn thù lao ít ỏi.

Một thực tế là các nhà đài đã không dành giờ vàng cho phim tài liệu. Phát sóng quá sớm hoặc trễ khiến ít khán giả có cơ hội được xem phim.

Ông Nguyễn Quý Hòa - tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM - khẳng định HTV sẽ bố trí phát sóng phim tài liệu vào giờ có người xem trên HTV7, HTV9. Ông cũng cho biết kênh HTV1 và HTV4 cũng đã phát sóng nhiều phim tài liệu trong giờ cố định.

Tuy nhiên, như ý kiến của nhà biên kịch Trần Đức Tuấn: "Sức hấp dẫn của bộ phim tài liệu nằm ở chất lượng, dù đó thuộc phim tuyên truyền hay không. Nếu phim hay, lôi cuốn chắc chắn khán giả sẽ tự nguyện xem". Và như vậy, "chính chất lượng của phim tài liệu sẽ tạo ra giờ "vàng" cho riêng mình", ông Đặng Hữu Vinh - phó văn phòng đại diện Cục Phát thanh - truyền hình (Bộ Thông tin - truyền thông) - nói.

Theo Tuổi Trẻ

>> Gặp những “quái kiệt” thời nay
>> Hai anh em ăn ớt nhiều nhất cùng lúc được xác lập kỷ lục VN
>> Ớt trái và chứng huyết áp cao
>> Ăn ớt giúp chống béo phì

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.