Thận trọng khi ban hành các loại phí

22/05/2012 03:47 GMT+7

Một trong mười kiến nghị của UBKT là Chính phủ cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực đã triển khai trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng.

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 do Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu trình tại phiên khai mạc kỳ họp cho biết, một số ý kiến cho rằng, cần có đánh giá toàn diện hơn chính sách hỗ trợ của nhà nước về thuế, về mức độ, liều lượng, thời điểm áp dụng đã được thực hiện trong năm 2011; đồng thời đánh giá, phân tích nguyên nhân dư nợ tín dụng tăng khá thấp so với mức kế hoạch về định hướng chính sách, việc áp dụng chính sách lãi suất cho vay và nguyên nhân các DN khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; hàng tồn kho tăng cao, suy giảm năng lực tài chính của DN và gia tăng chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra cho rằng, với tình hình có đến 53.792 DN phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 24,7% so với năm 2010 cho thấy những khó khăn đối với việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm mới và gây áp lực gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Vì vậy, một số ý kiến đề nghị đánh giá thực chất số DN phá sản, giải thể ngừng hoạt động, nhất là những tác động tiêu cực đến đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách, thu hút số lượng lao động trong năm 2011 và mức độ ảnh hưởng những năm tiếp theo.

Thận trọng khi ban hành các loại phí
Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu báo cáo tại phiên khai mạc - Ảnh: Ngọc Thắng

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%

Thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ KTXH những tháng đầu năm của Chính phủ, UBKT nhận định sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của cả năm 2012 khi GDP quý 1 tăng trưởng ở mức 4%, thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây (quý 1/2010 tăng 5,84%, quý 1/2011 tăng 5,57%) và thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5% - 6%; quý 2 dự kiến chỉ tăng khoảng 4,5%. “DN trong nước gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp bị đình đốn, kim ngạch nhập khẩu giảm, sức tiêu thụ chậm là chỉ báo đáng lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Số DN giải thể, ngừng hoạt động gia tăng làm tăng thêm nguy cơ thất nghiệp, mất việc làm”, cơ quan thẩm tra dẫn thêm căn cứ để chứng minh nhận định trên.

Trong báo cáo thẩm tra, UBKT cũng dẫn thêm thực trạng đáng lo ngại về lĩnh vực xã hội, như tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn còn rất nghiêm trọng, ùn tắc giao thông giảm chưa rõ nét. Nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại lớn, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm gây tâm trạng lo lắng đối với người dân. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp, chưa được đẩy lùi. “Một số vụ việc phát sinh ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tác động xấu trong dư luận xã hội, nhất là những vụ liên quan khiếu kiện đất đai và các vi phạm ở một vài tập đoàn kinh tế nhà nước mà Thanh tra Chính phủ vừa mới công bố gần đây”, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng.

Tán thành các nhóm giải pháp Chính phủ đặt ra để thực hiện nhiệm vụ KTXH từ nay đến cuối năm 2012, song cơ quan thẩm tra nhấn mạnh thêm 10 kiến nghị nhằm bảo đảm triển khai các nhiệm vụ phát triển KTXH hiệu quả, trước hết là tiếp tục kiên định với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, một mặt tăng cường ổn định vĩ mô, mặt khác duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý…

Tránh gây bức xúc xã hội

Ủy ban này cũng nhấn mạnh Chính phủ cần phải thực hiện “tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực đã triển khai. Việc thực hiện một số chính sách thuế để hỗ trợ các DN cần được tiến hành song song với việc cơ cấu lại nguồn thu, chi theo hướng hiệu quả, bền vững hơn nhằm hỗ trợ tích cực DN người dân vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Đồng thời, việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của DN, không gây khó khăn thêm cho người hưởng lương từ ngân sách, người lao động, người dân, tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin”.

Kiến nghị đáng chú ý khác là cần phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ. Xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đang quan tâm. Theo cơ quan thẩm tra, “các cơ quan có thẩm quyền cần thông báo công khai kết quả xử lý cán bộ vi phạm, khả năng thu hồi vốn, tài sản trong các vụ vi phạm của các TĐ kinh tế nhà nước do Thanh tra Chính phủ kết luận và công bố”.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.