Vũ trụ của Giáo sư Thuận

20/05/2012 03:13 GMT+7

Nỗ lực không mệt mỏi đưa vũ trụ đến gần tầm với của con người đã giúp GS Trịnh Xuân Thuận trở thành người gốc Việt đầu tiên nhận được giải thưởng quốc tế Cino del Duca.

Vũ trụ của Giáo sư Thuận
GS Trịnh Xuân Thuận trong lần về VN hồi tháng 12.2011 - Ảnh: Thụy Miên

Nhà thơ và họa sĩ nổi tiếng người Anh William Blake hồi thế kỷ thứ 18 đã viết:

“Để nhìn được thế giới trong một hạt cát,
Và thiên đường ở cành hoa dại,
Hãy giữ cái vĩnh hằng trong lòng bàn tay bạn,
Và sự vĩnh cửu trong một giờ đồng hồ...”

Và cũng giống như vậy, khả năng nhận thức sự vật là không giới hạn cho bất cứ người nào, dù sự vật đó là vũ trụ. Đó cũng là thông điệp mà GS Trịnh Xuân Thuận, chủ nhân mới của Giải thưởng quốc tế Cino del Duca năm 2012, luôn muốn truyền tải đến mọi người.

Đưa vũ trụ tới gần con người

Như GS Trịnh Xuân Thuận từng nhiều lần nhấn mạnh trong các bài trả lời phỏng vấn, đối với ông, vũ trụ sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có sự tồn tại của một người quan sát để đánh giá vẻ đẹp thánh thiện và sự hài hòa của nó. Trong lần về thăm VN gần đây nhất hồi tháng 12.2011, ông một lần nữa khẳng định sự tồn tại của con người rất quan trọng để vũ trụ không trở thành vô nghĩa. Những người từng may mắn được trao đổi trực tiếp với GS Trịnh Xuân Thuận hẳn sẽ cảm nhận được nhiệt huyết và sự kiên trì không mệt mỏi của ông trong nỗ lực khám phá vũ trụ và mang sự hiểu biết đó ươm mầm rộng rãi trong đại chúng. Vũ trụ và các thiên hà, đối với ông, đẹp không gì diễn tả được. Hà cớ gì sự đẹp đẽ và lộng lẫy đó chỉ dành riêng cho các nhà thông thái?

Là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới chuyên nghiên cứu về sự hình thành của các thiên hà, GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng khoa học vũ trụ nói chung không chỉ dành riêng cho giới học giả, mà nên là tài sản chung cho mọi người. Do vậy, qua các tác phẩm của mình, ông luôn nhắm đến công chúng bình dị, nỗ lực đưa ra những cách diễn giải dễ hiểu nhất, cơ bản nhất để đưa vũ trụ đến gần với con người hơn. Ông cũng đảm nhiệm công tác giảng dạy môn Thiên văn cho thi ca tại Đại học Virginia, cho phép những sinh viên không có nền tảng về khoa học được thưởng thức những kỳ quan của vũ trụ bằng ngôn ngữ phi kỹ thuật.

Là nhà vật lý học thiên thể nổi tiếng với các công trình nghiên cứu thiên văn ngoài Ngân hà, tức các thiên thể ngoài dải Ngân hà, GS Trịnh Xuân Thuận là tác giả của hơn 230 bài viết về sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, đặc biệt ở thiên hà lùn, cũng như tổng hợp các yếu tố ánh sáng từ sự kiện Big Bang. Đến cuối năm 2004, từ các dữ liệu quan sát do kính thiên văn Hubble gửi về, ông đã phát hiện được thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ, mới hình thành khoảng 500 triệu năm, được đặt tên là I Zwicky 18.

Giải thưởng 300.000 euro

 Vũ trụ của Giáo sư Thuận
Thiên hà trẻ nhất vũ trụ I Zwicky 18 - Ảnh: NASA

Như đã đề cập ở trên, Tổ chức Simone et Cino del Duca thuộc Viện Hàn lâm Pháp vừa ra thông cáo cho biết Giải thưởng quốc tế Cino del Duca năm 2012 sẽ được trao cho GS Trịnh Xuân Thuận. Với trị giá 300.000 euro (7,9 tỉ đồng), Giải thưởng quốc tế Cino del Duca vinh danh những tác giả văn học hoặc khoa học có tác phẩm hàm chứa những thông điệp mang tính nhân văn hiện đại. Ban giám khảo của giải được chủ trì bởi Thư ký Viện Văn chương và bao gồm viện sĩ các viện khác nhau thuộc Hàn lâm viện Pháp. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào ngày 6.6.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Camille Bouvier, Đại diện truyền thông của Viện Hàn lâm Pháp về giải thưởng này, cho biết: “Ban giám khảo muốn vinh danh công trình nghiên cứu và các tác phẩm giúp “đại chúng hóa” khoa học cùng sự gắn bó của GS Trịnh Xuân Thuận với tiếng Pháp. Nhờ GS Thuận, khoa học, đặc biệt là thiên văn học, đã trở nên gần gũi hơn với mọi người”. Theo báo cáo của GS Yves Pouliquen, viện sĩ Viện Văn chương, toàn bộ tác phẩm viết về khoa học và phổ biến nhất của GS Trịnh Xuân Thuận đều viết bằng tiếng Pháp. Chính GS Thuận cũng từng nói đây là ngôn ngữ giúp ông diễn đạt thấu đáo các ý tưởng của mình, đồng thời gắn kết khoa học với văn thơ và những lý luận trừu tượng, như trong tác phẩm mới nhất Le Cosmos et le lotus (tạm dịch Vũ trụ và hoa sen, xuất bản năm 2011).

Giải thưởng Cino del Duca đã trao tặng cho những nhân vật lớn, có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật như:

Andrei Sakharov, nhà vật lý người Nga vào năm 1974 (được tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình sau đó 1 năm); Vaclav Havel, Tổng thống CH Czech; Léopold Sesdar Senghor, Tổng thống CH Senegal; các nhà văn nổi tiếng như Gorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa, Milan Kundera... 

Sinh năm 1948 tại Hà Nội, 6 tuổi, Trịnh Xuân Thuận đã theo gia đình vào Nam. Năm 1966, ông tốt nghiệp trung học tại Trường Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM), trước khi sang Thụy Sĩ theo học chương trình kỹ sư tại Đại học (ĐH) Lausanne. Tuy nhiên, sau khi học xong năm đầu tiên, ông quyết định theo đuổi ngành vật lý thiên thể tại Mỹ, cụ thể là Viện Công nghệ California từ 1967 - 1970, và ĐH Princeton từ 1970 - 1974. Dưới sự dẫn dắt của nhà vật lý thiên văn Lyman Spitzer, cha đẻ của kính viễn vọng Hubble, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành này tại ĐH Virginia. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện ĐH Paris VII, Viện Nghiên cứu Meudon, Sở Vật lý thiên văn Saclay, Viện Vật lý thiên văn CNRS...

Các tác phẩm của ông bao quát và tinh tế về vạn vật cùng vị trí của con người trong vũ trụ: Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Những con đường của ánh sáng, Lượng tử và Hoa sen...

Ông được trao giải Moron của Viện Hàn lâm Pháp về triết học vào năm 2007; được UNESCO vinh danh với giải thưởng Kalinga vào năm 2009, về phổ biến tri thức khoa học.

Nguyễn Ngọc Lan Chi - Hạo Nhiên

>> Thiên hà "siêu mắn đẻ
>> Phát hiện "anh em song sinh" của Trái đất
>> Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Đừng “thực dân hóa” vũ trụ
>> GS Trịnh Xuân Thuận đã về đến VN
>> Người Việt đầu tiên đoạt giải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.