Dân chơi xe máy cổ

14/05/2012 10:19 GMT+7

Không chỉ là thú chơi của văn nghệ sĩ, những năm gần đây có nhiều bạn trẻ tại Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác say xe máy cổ như người yêu.

Đam mê chưa đủ

Giới chơi dòng xe Honda 67 ở Thủ đô hầu hết biết Dương (SN 1984). Vốn là dân văn phòng, nhưng Dương rất thích máy móc và mê xe máy. Khi tậu được một chiếc xe cũ về, Dương thường nhờ anh em sửa giúp hoặc tự mày mò, lắp ráp vào buổi tối, cuối tuần.

Dân chơi xe máy cổ 
Chăm sóc cho xe như... người yêu - Ảnh: D.N

Dương đang sở hữu 14-15 chiếc xe máy cổ các loại như Honda 67, Simson, dòng xe cổ của Pháp… Do nhà hẹp, Dương phải mang bộ sưu tập xe cổ về quê vợ gửi. Có chiếc Dương mua từ cách đây hai năm, nhưng chưa có chỗ trống trong nhà để rước về.

Đưa tôi vào xem chiếc xe Simson nữ dựng ở góc sau nhà, Dương cho biết: “Dòng xe này ở Hà Nội chỉ có 5-7 chiếc thôi.

 Dân chơi xe máy cổ 1
Bạn nữ nghiền dòng xe cổ thời trang

Tuy nhiên, đã là xe cổ nên mắc nhiều bệnh, ngoài đam mê mình còn phải biết sửa chữa, chăm chút ngay từ đầu thì mới có thể là bạn đồng hành lâu dài được”.

Không chỉ người đã đi làm, trong CLB Vespa cổ, Honda 67 Hà Nội cũng có nhiều sinh viên.

Phạm Văn Lợi (SN 1990), học năm cuối ĐH Công Nghiệp, chơi xe Vespa cổ được hai năm. Quê ở Quảng Ninh, vì gia đình không có điều kiện nên để sở hữu chiếc xe này Lợi phải đi làm thêm, vay mượn đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

Lý do chơi xe máy cổ của mỗi bạn trẻ cũng khác nhau. Có bạn thích có chiếc xe không đụng hàng, chán những chiếc xe đời mới hào nhoáng, vì kinh doanh, tiết kiệm xăng…và cả yếu tố thời trang, làm đẹp. Điểm chung là tất cả dân chơi đều coi xe máy cổ như con cưng, người yêu.

Qua những buổi giao lưu và phiêu cùng các nhóm chơi xe, được biết giới trẻ hiện chuộng nhất dòng xe Honda 67, Vespa, Mobylette...

Gần đây, không ít dân chơi bắt đầu mê dòng xe do các nước Đông u trước đây sản xuất như Simson, Minsk... của những năm 1980 - 1990.

Công phu, tốn kém

Để có xe máy cổ, người mới chơi thường thông qua mối quen biết để mua lại. Dân chơi có thâm niên dày công săn những chiếc xe tưởng như phải quẳng vào bãi phế liệu từ các miền quê hẻo lánh.

Chơi xe máy cổ ít nhất phải có những kiến thức sơ đẳng về đời xe, dòng xe và sửa chữa đơn giản... Những bạn mới tập tành hay người có thâm niên chơi xe lâu năm thường la cà trên mạng tìm kiếm phụ tùng thay thế từ nước ngoài, sau đó nhờ mua, rồi xách tay về nước rất tốn kém.

Do thú chơi xe cổ phát triển mạnh, các cửa hàng sửa xe cũng góp nhặt được nhiều món đồ cũ, nhưng thường bán với giá cao.

Trước đây, mua một chiếc Vespa, Mobylette, Honda 67 chỉ chừng 2 đến 5 triệu, nay đầu nậu hét giá thấp nhất 10 triệu/chiếc Mobylette và 12 - 15 triệu/Vespa, 8-10 triệu/chiếc Honda 67…

Người chơi sành điệu thường tìm mua những chiếc xe còn giữ được nguyên bản với giá hàng chục triệu đồng, nhưng ngày càng hiếm.

Chơi xe máy cổ cũng lắm công phu và tốn tiền. Tuấn Hùng (trưởng phòng của một ngân nước ngoài tại Hà Nội) có mức lương khá cao, nhưng có bao nhiều tiền cậu chi hết cho mấy chiếc xe cổ.

“Cứ hỏng là tiền triệu mà xe lại hay hỏng, nhưng đã chơi thì không ngại tốn kém. Có xe cổ là lại mua bằng được”, Hùng nói. Tại Hà Nội, dân chơi có thể tìm đến những điểm chuyên sửa chữa, môi giới xe máy cổ như: Hàng Bún, Hàn Thuyên, Chùa Hà, Giảng Võ, Tô Hiến Thành... Xe bán tại cửa hàng này hầu hết đã được mông má quá nhiều.

Hoàng culi, thợ phục chế xe máy cổ ở đường Tô Hiến Thành, cho biết muốn tìm được một xe cổ còn gần nguyên bản khó vô cùng vì nếu có thì người sở hữu cũng không bán dù có trả đến cả trăm triệu đồng.

Vespa, Lambretta xuất xưởng 40-50 năm rồi nên rất khó kiếm phụ tùng thay thế, phải lấy của xe này lắp sang xe khác, cái nào không thay thế được thì phải tự chế.

Do đó, xe tân trang tốt hay không phụ thuộc nhiều vào tay nghề của thợ. Khách muốn đặt mua một xe cổ phải chờ 1-2 tháng mới có.

Anh Vinh, thợ phục chế xe máy cổ trên phố Hàng Bún cho hay: “Người chơi xe cổ luôn muốn giữ nguyên mẫu, chỉ cải biên một số chi tiết như màu sơn, gắn thêm cản trước, sau hoặc các đường viền bằng kim loại sáng bóng dọc theo thân, bửng xe”.

Theo một tay chơi 8X (xin giấu tên), trong CLB Vespa cổ Hà Nội, hiện các thành viên thường độ xe theo hai cách: Một là tìm một chiếc xe đời 90-95 về rồi mua phụ kiện về độ lên. Với những chiếc thập niên 60-70, thường mất công tìm mua phụ kiện của chính thời đó rồi lắp vào để có được chiếc xe như ý. Do vậy, giá thành một chiếc xe rất cao và tốn nhiều công sức.

 Dân chơi xe máy cổ 2
Nhiều đôi trẻ thích đi chơi phố bằng xe cổ - Ảnh: D.N

Phượt kết nối

Người chơi xe máy cổ ít khi đơn lẻ mà thường có hội nhóm, CLB cùng chung niềm đam mê một dòng xe, đời xe nào đó.

Những thanh niên chơi Honda 67 ở Hà Nội thường tụ tập tại Vườn hoa Lý Tự Trọng hoặc trước sân vận động Mỹ Đình sáng chủ nhật hằng tuần.

Dân chơi Vespa cổ lại chọn một góc bên đường Hoàng Diệu làm nơi hội ngộ vào chiều thứ bảy. Họ đến đây để gặp gỡ, chia sẻ thông tin về xe cổ, phụ tùng thay thế và cách “trị bệnh” cho những con xe này.

Không chỉ có Vespa, Honda, Simson mà còn có cả Lambretta, Mobylette cổ dựng san sát. Hội những người chơi xe cổ ra đây vừa để hóng mát, vừa là cách “phô” cho người đi đường chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc xe cổ.

Theo Dương (thành viên CLB Honda 67 Hà Nội), chơi một mình thường rất khó và thiếu kiến thức về xe nên phải có một nhóm chơi thân thiết, khi cần tìm phụ tùng thay thế cũng được anh em sang nhượng với giá rẻ.

Không chỉ Hà Nội, TPHCM, các hội nhóm, CLB xe cổ ngày càng xuất hiện nhiều ở mọi miền đất nước, từ Quy Nhơn đến Đà Lạt, Biên Hoà, Cần Thơ… Dân chơi xe hầu hết biết CLB xe cổ Hồng Cường (TP HCM).

Trên website của CLB không chỉ ngập tràn hình ảnh về những chiếc xe máy cổ mà còn có hình ảnh về những cuộc thi, diễn đàn trao đổi về cách chơi xe cổ.

 Dân chơi xe máy cổ 3

Với những người chơi Honda 67, từ năm 2008 đến nay thường xuyên tổ chức những buổi hội ngộ, tập trung người chơi xe khắp toàn quốc.

Ngày 30 - 4 mới đây tại TPHCM là cuộc hội ngộ thường niên lần thứ 5 của những người chơi Honda 67. Nếu những lần trước chỉ có sự tham dự của những tay chơi kỳ cựu, lần này xuất hiện nhiều gương mặt 8X, 9X mới toanh.

Các hội nhóm, CLB xe máy cổ thường xuyên tổ chức những chuyến phượt xa, dã ngoại, đọ độ bền của xe và tham gia hoạt động từ thiện xã hội.

Thông thường, mỗi chuyến như vậy có tới 40-50 thành viên, nhưng có chuyến cũng chỉ vài ba người.

Cách đây hai năm, một cuộc thi xuyên Việt đọ độ bền của xe máy cổ giữa Vespa và Simson được xem như một sự kiện lạ vì từ trước tới giờ người ta thường dùng Vespa, Honda 67 hay một vài dòng xe khác để đọ nhau.

Dân chơi xe Honda 67 không lạ gì với Duy Anh (SN 1979) ở Phan Thiết, Bình Thuận từng một mình xuyên Đông Dương với dòng xe được mệnh danh là Thiên thần đen, Cánh én trong thành phố.

“Anh em Honda 67 Hà Nội sẽ hội ngộ với Duy Anh tại Thủ đô và bọn mình sẽ có nhiều hoạt động bổ ích”, Dương (Honda 67 Hà Nội) cho biết.

Những lần về quê, Phạm Văn Lợi lại cưỡi chiếc Vespa cổ vượt hơn 200 km về Bãi Cháy (Quảng Ninh). Suốt những năm qua dù đi trên cung đường nào Lợi chưa từng rời chiếc Vespa.

Dịp cuối tuần, Lợi thường cùng người yêu và bạn bè tổ chức những chuyến phượt lên vùng cao. Lợi dự định thi tốt nghiệp xong sẽ cùng chiếc xe cổ lên tận cột cờ Lũng Cú (Hà Giang).

Theo Tiền Phong

>> Chơi xe ba bánh
>> Hội ngộ Honda 67
>> Chơi xe Vespa cổ ở miền Tây
>> Chơi xe cổ ở Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.