Dốc hết tâm sức

14/05/2012 04:16 GMT+7

Làm phó chủ tịch xã khi vừa chia tay giảng đường đại học thực sự là thử thách lớn với nhiều bạn trẻ. Họ đã xoay sở thế nào trong những ngày làm “quan”?

Hai tháng qua, đã có 148 trí thức trẻ chính thức nhận nhiệm vụ làm phó chủ tịch xã ở các huyện nghèo thuộc 8 tỉnh, thành phố trong khuôn khổ dự án thí điểm do Bộ Nội vụ chủ trì. 

 Người trẻ làm công bộc của dân 1
Vợ chồng Huệ - Duy hạnh phúc tại nơi ở mới - Ảnh: P.H

Trốn nhà

Trước khi về làm Phó chủ tịch xã Thái Sơn, vùng cao nhất của H.Bảo Lâm, Nguyễn Tiến Linh (24 tuổi) là cán bộ trong biên chế của Phòng Nông nghiệp H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Có bằng kỹ sư của Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, lại hoạt ngôn, năng động trong công việc, Linh nằm trong số cán bộ trẻ triển vọng tại cơ quan. Công việc đang xuôi chèo mát mái, Linh bỏ việc giữa chừng là cú sốc với người thân và đồng nghiệp.

Linh kể, mọi chuyện thay đổi sau cú nhấp chuột vô tình vào thông báo tuyển đội viên dự án. Tìm hiểu về dự án, Linh chỉ nghĩ đây là cơ hội thử sức người trẻ, chứ chưa tính đến chuyện hơn thua được mất. Từ lúc biết tin đến ngày nhận hồ sơ là khoảng thời gian sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng. Nếu lộ ý định, gia đình sẽ ngăn cản tới cùng, bởi công việc Linh đang làm là mơ ước của nhiều người. Quyết tâm tham gia, Linh nghỉ làm, trốn gia đình, âm thầm đón xe khách sang Cao Bằng nộp hồ sơ và trở thành ứng viên đầu tiên dự tuyển.

“Mãi cho đến khi trúng tuyển phải sang Cao Bằng tập trung bồi dưỡng thì không thể giấu nhà được nữa. Trước ngày đi Cao Bằng, mình làm đơn xin cơ quan nghỉ phép, gia đình không hay biết. Sang đến nơi, mình mới gọi điện thông báo làm cả nhà sững sờ. Mẹ là người phản đối quyết liệt nhất vì thương con long đong vất vả ở xứ người”, Linh kể lại.

Ngày còn là cán bộ huyện, Linh ít có cơ hội đi cơ sở để tường tận cuộc sống của người dân. Khoác ba lô về Thái Sơn, Linh hăm hở đi khắp các xóm. Tiếng dân tộc, một chữ bẻ đôi cũng không biết, đi đến đâu thì làm quen đến đó. Phiên dịch cho Linh là giáo viên cắm bản, cán bộ thôn nói sõi tiếng Kinh. Thấy Linh “ăn mèn mén cũng được mà uống rượu cũng ngon”, họ nhiệt thành chia sẻ kinh nghiệm ứng xử hòa nhập với người dân bản địa. Được giao phụ trách kinh tế nông nghiệp, Linh dành thời gian xuống xóm nhiều hơn ngồi trụ sở. Ngoài tìm hiểu tập quán canh tác, Linh còn trực tiếp hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây hồi. Linh xây dựng đề án trồng hồi cho riêng xã Thái Sơn từ khi về đây thực tập. Đạt điểm xuất sắc, đề án đang được rót kinh phí trồng thử nghiệm gần 20 ha. Dốc tâm sức cho đề án, Linh hy vọng cây hồi sẽ phá thế độc canh mở ra cơ hội giúp đồng bào thoát nghèo.

“Nếu như chọn con đường tiến thân, em đã không trốn nhà sang Cao Bằng. Giờ em mới biết, làm cán bộ xã khó hơn công việc ở huyện. Cuộc sống của em còn nhiều khó khăn nhưng cũng sướng vì được làm việc mình yêu thích, áp dụng kiến thức từ trường đại học để giúp đỡ bà con”, Linh trải lòng. 

“Hậu phương” của nữ phó chủ tịch xã

Cũng là tri thức trẻ tình nguyện lên vùng cao, câu chuyện của Phó chủ tịch xã Đào Ngạn (H.Hà Quảng) Bế Thị Huệ khiến nhiều đồng nghiệp phải “ghen tị”, bởi có sự thông cảm đồng hành từ ông xã.

 Người trẻ làm công bộc của dân 2
Huệ thường xuyên cùng bà con thăm cánh đồng trồng thuốc lá thực nghiệm - Ảnh: P.H

Huệ và Duy quen nhau từ thời sinh viên, ra trường thì nên duyên vợ chồng. Ngày chưa lên Đào Ngạn, Duy là cán bộ của Trung tâm thực nghiệm chuyển giao công nghệ tỉnh Cao Bằng. Còn Huệ học xong thì về nhà mở tiệm tạp hóa, buôn bán nhỏ ở thị trấn Xuân Hòa. Sống chung với ông bà nội, vợ chồng Huệ chẳng có gì phải lo lắng, yên tâm tập trung cho công việc. Dù bàn bạc với nhau từ trước nhưng với quyết định lên Đào Ngạn, vợ chồng Huệ gặp không ít trắc trở. Ngày mới đi làm, Huệ chọn cách sáng đi tối về, mỗi ngày chạy xe máy khoảng 60 km đường rừng. Thương vợ đi lại vất vả, ngày mưa, Duy về sớm, phóng xe máy lên Đào Ngạn, lặng lẽ đứng ngoài ủy ban chờ vợ hết giờ làm.

“Em nghĩ đến nát nước nát cái rồi, đưa đón mãi cũng không được. Nhà em sức khỏe yếu, chẳng thể đi về mãi được. Thôi thì vợ chồng dắt díu lên đây, sướng thì hưởng, khổ cũng phải chịu thôi”, Duy trải lòng. Từ suy nghĩ này, Duy thuyết phục gia đình để nghỉ việc, đưa vợ con chuyển cư lên Đào Ngạn. Ngày mới chuyển lên, sinh hoạt gia đình cứ đảo lộn tùng phèo, bởi chỗ ở thì chật, nước dùng phải xách từng xô, chỗ vệ sinh thì xập xệ tạm bợ. “Nếu xác định về công tác ở xã nghèo có khổ mấy cũng phải thích nghi. So với các đội viên khác, em còn may mắn và hạnh phúc hơn họ nhiều, bởi có ông xã luôn ở bên ủng hộ”, Huệ vừa nói vừa đưa ánh mắt trìu mến nhìn về phía Duy.

Không có người thân quen, con trai còn nhỏ nên hằng ngày, vợ đi làm Duy ở nhà chăm con. Có chồng lo hậu phương, Huệ càng có nhiều thời gian cho công việc ở xã. Ngoài thời gian ở nhiệm sở, Huệ cũng thường xuyên cùng bà con thăm cánh đồng trồng cây thuốc lá thực nghiệm. Nữ phó chủ tịch xã này là tác giả của ý tưởng dùng ni lông phủ lên luống đất khi trồng cây thuốc lá. Bằng cách này, cây phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh. Khi thu hoạch, lá thuốc không nấm bẩn và cho năng suất, chất lượng cao đã giúp Huệ bước đầu gây ấn tượng với bà con và tập thể cán bộ xã.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.