Kịch đồng tính và lá thư gửi bộ trưởng

12/05/2012 11:05 GMT+7

“Được là chính mình” của đạo diễn Bùi Như Lai về đề tài đồng tính nữ, được chào đón sau công diễn tối 10-5 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Không chỉ thu hút công chúng bằng màn ký tên ủng hộ lá thư ngỏ gửi bộ trưởng GD&ĐT trước khi kéo màn, mà gần như toàn bộ khán giả nán lại đến cùng trong phần giao lưu.

“Được là chính mình” của đạo diễn Bùi Như Lai về đề tài đồng tính nữ, được chào đón sau công diễn tối 10-5 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Không chỉ thu hút công chúng bằng màn ký tên ủng hộ lá thư ngỏ gửi bộ trưởng GD&ĐT trước khi kéo màn, mà gần như toàn bộ khán giả nán lại đến cùng trong phần giao lưu.

Gần 60 phút, khán giả ít nhiều cảm nhận những bi kịch, giằng xé của người đồng tính dưới dạng kịch hình thể. Dù chưa hẳn tác phẩm của Như Lai hoàn toàn chinh phục khán giả, chủ đề của vở diễn chắc chắc gây hiệu ứng.

Bước lên sân khấu khi vở diễn kết thúc, Lương Thế Huy, nhân viên iSEE (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường- chủ dự án này) nghẹn ngào: “Cảm xúc được rót vào liên tục.

 Kịch đồng tính và lá thư gửi bộ trưởng
Giới trẻ ký tên ủng hộ thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Ảnh: T.Toan

Nỗi đau, sự giằng xé trong vở kịch phải nói rất đau nhưng rất đẹp. Nó hơi khác với những câu chuyện tôi từng nghe- có nhiều nỗi đau không đẹp như vậy”.

Huy còn mang đến khán phòng những câu chuyện thực về cộng đồng ấy. Ví dụ một bạn nữ dám công khai đồng tính, bị nhốt phải bỏ trốn, khi trở về nhà chấp nhận để mẹ bôi tỏi băm từ đầu đến chân tựa như là ma quỷ.

 

Lá thư giới đồng tính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

Liên minh Sức khỏe Tình dục Việt Nam gửi thư ngỏ kèm nhiều chữ ký ủng hộ đến Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhân ngày Thế giới chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (17-5) với chủ đề năm nay chống kỳ thị trong học đường. Lá thư kêu gọi ngành giáo dục có hành động kịp thời giải quyết vấn đề kì thị và bạo lực với học sinh đồng tính và chuyển giới trong nhà trường Việt Nam.

Sau đêm công diễn, “Được là chính mình” có mặt ở 5 trường đại học Hà Nội, 5 trường đại học ở TPHCM, dưới sự tài trợ của ĐSQ Úc.

NSƯT, đạo diễn Lê Chức nói, ông tiếc những ca khúc tiếng Anh trong vở đã không được dịch ra lời Việt, ví dụ You raise me up (Bạn đỡ tôi lên), để cộng hưởng với từng động tác của diễn viên.

Ngược lại, ông bị thuyết phục với thông điệp của vở diễn: “Nỗi đau được cảm nhận qua cái đẹp, cái đẹp chính là sự giải thoát. Nỗi đau thường đi với nỗi khát khao vượt qua nỗi đau đó, nhưng đừng sợ nỗi đau vì cuộc đời này nếu không có nỗi đau thì chúng ta không cảm nhận được hạnh phúc. Chỉ có điều, ta cảm nhận nỗi đau ấy bằng sự chia sẻ.”

Người phụ trách kênh truyền hình VTV6, TS.Tạ Bích Loan thì nói về nỗi khổ của con người nói chung, khi sống phải đeo quá nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc.

“Nhưng là chính mình có dễ không? Nếu được sống là chính mình thì cũng nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nhưng đến một ngày nào đó bạn không thể làm khác, bạn sẽ phải là chính mình, nếu không, bạn cứ tiếp tục quằn quại và không hạnh phúc”.

Dũng cảm là chính mình, nhưng sau đó ai chấp nhận họ? Một khán giả nam đặt câu hỏi. Anh chia sẻ, từng sợ những tin nhắn thân mật của nam đồng nghiệp. Và anh nghĩ sau buổi tối nay, anh phải có cách nhìn khác về người đồng tính.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cất lời mạnh mẽ, đòi quyền bình đẳng cho họ: “Cộng đồng phải có trách nhiệm đảm bảo quyền bình đẳng giới của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Vừa rồi trong góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi cũng đề nghị hiến pháp thừa nhận quyền bình đẳng của người đồng tính. Bởi tạo hóa sinh ra không chỉ có hai giới. Luật bình đẳng giới cũng phải thừa nhận quyền của những người thuộc giới tính thứ ba này”.

Kết thúc, nhân viên iSEE kêu gọi những ai đồng tính hãy đứng lên; những ai ủng hộ quyền bình đẳng của họ hãy đứng lên. Thế nên hình ảnh cuối đọng lại đó là những cánh tay nâng đỡ nhau, những cái nắm tay đồng cảm thành sợi dây bền chặt.

Theo Tiền Phong

>> Kim Phượng: Có bạn đồng tính là may mắn
>> Con đồng tính đâu phải con hư
>> Tưng bừng lễ hội đồng tính ở Sao Paulo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.