Quần thể dơi ngựa lớn nhất Việt Nam

10/05/2012 08:47 GMT+7

Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc (Kiên Giang) có tổng diện tích 29.136 ha. Đây là nơi có hệ động - thực vật rừng đa dạng và phong phú, có chức năng phòng hộ vô cùng quan trọng.

Bên cạnh hệ sinh thái rừng nguyên sinh với những sinh cảnh rừng ngập mặn, sinh cảnh rừng tràm, rừng thưa cây họ dầu, sinh cảnh trảng tranh, sinh cảnh rừng nguyên sinh cây họ dầu… nơi đây còn có 28 loài thú rừng, 119 loài chim, 47 loài bò sát và 14 loài lưỡng thê. Trong đó có quần thể dơi ngựa (Pteropus spp) lớn nhất Việt Nam.

Lực lượng kiểm lâm VQG Phú Quốc thường xuyên kiểm tra bảo vệ hệ động - thực vật quí hiếm, trong đó có loài dơi ngựa - Ảnh: Giang Sơn
Lực lượng kiểm lâm VQG Phú Quốc thường xuyên kiểm tra bảo vệ hệ động - thực vật quí hiếm, trong đó có loài dơi ngựa - Ảnh: Giang Sơn 

 Quần thể dơi ngựa tại VQG  Phú Quốc - Ảnh: Giang Sơn
Quần thể dơi ngựa tại VQG  Phú Quốc - Ảnh: Giang Sơn

Quần thể dơi ngựa cư trú trên đảo được cán bộ VQG Phú Quốc và Tổ chức Wildlife At Risk (WAR - Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã) tại Việt Nam phát hiện vào tháng 9.2009. Theo các nhà khoa học, khi mới phát hiện quần thể các loài dơi ngựa này ước tính có khoảng 1.500 cá thể, bao gồm các loài dơi ngựa lớn (Pterotopus vampyrus), dơi ngựa bé (Pteropus cf hypomelanus) và dơi ngựa Thái Lan (Pteropus lylei). Nhờ được bảo vệ nên đến nay, loài vật này phát triển ổn định, số cá thể trong đàn tăng thêm khá nhiều so với khi mới phát hiện. Những người dân địa phương cho biết,  loài dơi ngựa di chuyển rộng, thường sinh sống ở khu vực bưng Ba Đình (ấp Xóm Mới) đến vùng rừng tràm ngập nước ở ấp Rạch Tràm (thuộc xã Bãi Thơm, H.Phú Quốc).

Theo kỹ sư Nguyễn văn Tiệp, Phó giám đốc VQG Phú Quốc, loài dơi ngựa có đặc điểm thường đi kiếm ăn tại các vườn cây ăn trái nên nguy cơ bị sát hại do săn bắt trái phép là rất cao. Đây cũng là loài vật đã được liệt kê trong Phụ lục 2 của Công ước CITES (Convention on International Trade of Endangered Species) mà Việt Nam là một thành viên. Hiện ngành chức năng đang đề xuất đưa các loài dơi ngựa vào Sách Đỏ Việt Nam và vào danh mục các loài đang được bảo vệ theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. “Kể từ khi phát hiện quần thể dơi ngựa, Ban giám đốc VQG Phú Quốc đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm Vườn bảo vệ rất nghiêm nghặt loài vật này, nhờ vậy nên đến giờ đàn dơi phát triển rất tốt”, ông Tiệp cho biết.

Cũng theo lời ông Tiệp, khi đồ án quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái rừng quý hiếm và phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm VQG Phú Quốc giai đoạn 2009 – 2015 được thực hiện hoàn chỉnh, thì đây sẽ là nơi lý tưởng cho những loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, nghiên cứu...Tuy nhiên, ông Tiệp cũng tỏ ý lo ngại trước vấn nạn săn bắt thú rừng trái phép ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. “Lực lượng kiểm lâm phải hết sức nỗ lực mới bảo vệ được những loài động, thực vật quí hiếm trong VQG Phú Quốc, trong đó có các loài dơi ngựa”, ông Tiệp nói. 

Giang Sơn

>> Chiêm ngưỡng thế giới khác ở "Thiên Đường
>> Đánh thức tiềm năng du lịch Cà Mau
>> Sôi sục vì tin đồn trúng cây gỗ huê tiền tỉ
>> Lập trung tâm cứu hộ động vật hoang dã

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.