Sarkozy và Hollande “đấu khẩu” dữ dội trên truyền hình

03/05/2012 12:28 GMT+7

(TNO) Trong cuộc tranh luận trên truyền hình tối 2.5 (giờ địa phương), trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, hai ứng viên Nicolas Sarkozy và Francois Hollande đã tranh cãi dữ dội trong nhiều vấn đề, từ kinh tế đến tình hình nhập cư.

>> Bầu cử tổng thống Pháp: Hollande, Sarkozy vào vòng 2

Cả hai ứng viên ngồi đối diện nhau và trước mặt mỗi người có một đồng hồ tính giờ phát biểu của mỗi bên.

Hàng triệu người dân Pháp theo dõi truyền hình trực tiếp buổi tranh luận giữa ông Hollande và ông Sarkozy
Hơn 20 triệu người dân Pháp theo dõi truyền hình trực tiếp buổi tranh luận giữa ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande và Tổng thống Nicolas Sarkozy hôm 2.5 - Ảnh: AFP

Với sự theo dõi của khoảng hơn 20 triệu khán giả truyền hình trên toàn nước Pháp, ông Hollande mở đầu buổi đối thoại bằng một đòn tấn công mạnh vào ông Sarkozy khi cho rằng các chính sách của đương kim tổng thống gây chia rẽ nội bộ nước Pháp.

Ông cũng nói thêm rằng nếu đắc cử, ông sẽ là một “vị tổng thống của công lý”.

Ngay lập tức, ông Sarkozy cao giọng đáp trả bằng cách mỉa mai phát biểu của đối thủ trong quá trình tranh cử.

"“Kết nối mọi người lại với nhau", thật là một ý tưởng cao đẹp. Nhưng để làm được điều này thì cần phải hành động chứ không phải chỉ nói suông", kênh truyền hình France 24 dẫn lời ông Sarkozy.

Sau đó, đương kim tổng thống nhấn mạnh rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, ông đã thực thi các chính sách gây nhiều tranh cãi, bao gồm điều chỉnh chế độ trợ cấp, mà không gặp phải bất kỳ phản đối nào từ phía người dân.

Trong suốt buổi tranh luận, cả hai ứng viên liên tục bắt bẻ nhau từng con số thống kê và cũng công kích các điểm yếu của nhau.

Chiến thuật tấn công của ông Hollande là cố gắng tập trung chỉ trích các chính sách điều hành kinh tế yếu kém của tổng thống Sarkozy trong năm năm vừa qua, khiến nước Pháp bị đánh tụt xếp hạng tín dụng và làm cho số người thất nghiệp tăng lên đến 4 triệu.

Tuy nhiên, ông Sarkozy ngay từ đầu đã tìm ra cách tránh được đòn tấn công này, khi biện luận rằng sẽ là không công bằng nếu kết tội ông là thủ phạm khiến cho nền kinh tế Pháp suy thoái trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng.

“Chưa bao giờ là lỗi của ông cả. Ông luôn tìm được người giơ đầu chịu báng thay mà”, ông Hollande mỉa mai đối thủ.

Vốn luôn được biết đến như một nhà hùng biện đanh thép, Tổng thống Sarkozy cũng tấn công ông Hollande bằng cách chỉ trích lời hứa tạo thêm 60.000 việc làm trong các lĩnh vực do nhà nước quản lý của ứng viên đảng Xã hội sẽ làm nợ công của Pháp leo thang.

Còn ông Hollande thì cáo buộc các biện pháp cải cách thuế của tổng thống chỉ làm lợi cho tầng lớp giàu có và cho hay “người dân đang cảm thấy khó có thể chấp nhận điều này”.

Trong suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ tranh luận, điệu bộ của hai ứng viên cũng trái ngược nhau. Ông Sarkozy thì tỏ ra “hiếu chiến” ngay từ đầu khi thường xuyên giơ ngón tay chỉ vào đối phương, trong khi ông Hollande lại ngồi tựa lưng vào ghế và ít khi thực hiện cử chỉ cơ thể.

Tuy nhiên, giọng điệu của ông Hollande trong buổi tranh luận này lại “hiếu chiến” một cách đáng ngạc nhiên, theo nhận định của kênh truyền hình France 24.

“Thật ngạc nhiên khi thấy ông Hollande tỏ ra nóng nảy hơn người ta tưởng. Ông ấy đã không cho đối thủ nói hết câu. Dường như ông ấy muốn cho thấy ông không phải chỉ biết thu mình phòng thủ mà còn có thể giáng đòn vào ông Sarkozy”, biên tập viên mảng chính trị Marc Perelman của France 24 bình luận.

Cũng tại buổi tranh luận, cả hai ứng cử viên cho thấy họ chỉ có cùng chung quan điểm duy nhất, đó là về vấn đề cộng đồng Hồi giáo tại Pháp.

Ông Hollande nói rằng, nếu đắc cử, ông sẽ tiếp tục giữ nguyên quy định cấm khăn che mặt vốn đã bị người Hồi giáo tại Pháp phản đối kịch liệt.

Được biết, trong vòng 1, ông Hollande đã vượt qua ông Sarkozy với cách biệt rất mong manh, đạt được 28,6% số phiếu bầu so với 27,8% của đương kim tổng thống. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận lại liên tục chỉ ra rằng ông Hollande đang dẫn đối thủ khá xa.

Theo giới quan sát, trước vòng hai cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 6.5, cả hai đều cố gắng tranh thủ lấy sự ủng hộ của số cử tri ủng hộ ứng viên đảng Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, người đã về thứ ba trong vòng 1 với tỷ lệ 18% phiếu bầu.

Bà Le Pen hôm 1.5 cho biết bà sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ ứng viên nào ở vòng hai của cuộc bầu cử.

Hoàng Uy

>> Bà Le Pen tuyên bố "sẽ bỏ phiếu trắng"
>> Tổng thống Pháp kiện website Mediapart
>> Bầu cử Tổng thống Pháp: Bà Le Pen không ủng hộ ông Sarkozy
>> Phe cực hữu sẽ quyết định kết quả bầu cử tổng thống Pháp
>> Nóng bỏng bầu cử tổng thống Pháp
>> Sự trỗi dậy của cực hữu Pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.