Gầm cầu vượt là nơi... kinh doanh

02/05/2012 21:08 GMT+7

(TNO) Dưới gầm cầu Thanh Trì (kéo dài tới khoảng 2 km), ngoại trừ những khu vực đang thi công, phần diện tích còn lại lên tới hàng chục nghìn mét vuông đều được “phân lô” bằng hàng rào lưới sắt để cho thuê kinh doanh với giá từ 25.000-30.000 đồng/m2/tháng.

(TNO) Không chỉ bị tận dụng làm điểm trông giữ xe ngày và đêm, hiện nhiều khu vực nằm dưới gầm cầu vượt tại thủ đô Hà Nội còn ngang nhiên bị cho thuê với giá hàng chục nghìn đồng/m2/tháng.

>> Nguy cơ cháy nổ gầm cầu
>> Dạ cầu ma túy
>> TP.HCM cho phép tận dụng dạ cầu
>> Những "lãnh địa" riêng ở gầm cầu

Sáng 2.5, PV Thanh Niên Online đã có một cuộc khảo sát tại nhiều địa điểm là gầm cầu vượt ở thủ đô Hà Nội. Theo đó, tại tất cả các điểm chân cầu vượt này, như: cầu vượt Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng, cầu Thăng Long, cầu vượt ngã tư Sở, cầu vượt ngã tư Vọng, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy… đều bị “hô biến” thành các điểm trông giữ xe ngày và đêm, hay điểm kinh doanh khác.

Tại khu vực chân cầu vượt Thanh Trì, trong vai một người đi thuê mặt bằng để kinh doanh, chúng tôi được một chị bán hàng nước (ngồi ngay dưới chân cầu vượt) giới thiệu gặp một người đàn ông tên Hoàn. Theo lời Hoàn, hiện công ty của anh ta đang được quản lý 3 lô nằm ngay dưới chân cầu vượt Thanh Trì (tại P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai), với diện tích lên tới hơn 4.000 m2, nhưng hiện tại chưa có vốn đầu tư nên có ý định nhượng lại cho những ai muốn thuê làm địa điểm kinh doanh.

Mức giá thuê một mét vuông đất nằm dưới chân cầu vượt Thanh Trì, được Hoàn ra giá là 35.000 đồng/m2/tháng. Hoàn cho biết tôi biết: sau khi trả đủ tiền thuê, tôi có thể sử dụng toàn bộ diện thích thuê nằm dưới chân cầu Thanh Trì để mở xưởng sản xuất, gara ô tô, điểm rửa xe, kho bãi chứa hàng… tùy thích, miễn là đừng xây nhà để ở. Tuy nhiên, tôi phải làm một tấm biển đề rõ “Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Công ty Khai thác điểm đỗ”, sau đó mới tới tên địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, hợp đồng thuê địa điểm, tôi sẽ ký trực tiếp với anh ta. Còn Hoàn đã “làm việc” với Công ty Khai thác điểm đỗ và nhận được giấy phép trực tiếp từ Sở Giao thông vận tải.

Dưới gầm cầu Thanh Trì (kéo dài tới khoảng 2 km), ngoại trừ những khu vực đang thi công, phần diện tích còn lại lên tới hàng chục nghìn mét vuông đều được “phân lô” bằng hàng rào lưới sắt để cho thuê kinh doanh. Không khó để chỉ ra những cơ sở kinh doanh nằm dưới gầm cầu này như: Gara ô tô Nhật Việt, Cơ sở bảo dưỡng xe máy Tuấn mô tô, Gara ô tô Minh San, Xưởng sửa chữa Phước Thiện…

Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ: "Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khai thác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ".

Trao đổi với Thanh Niên Online, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết: gầm cầu vượt là chân hành lang bảo vệ, nên không được phép sử dụng làm nơi kinh doanh, hay trông giữ xe. Nhưng hiện tại ở Hà Nội thiếu trầm trọng những bãi giữ xe, nên Sở đã cấp phép cho một số công ty tận dụng các khu vực chân, gầm cầu vượt để làm nơi trông giữ xe.

Trong khi đó, ông Bùi Đăng Thắng, Giám đốc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội - đơn vị được Sở Giao thông vận tải cấp phép trông xe dưới gầm cầu Thanh Trì, thì lại khẳng định: chỉ thực hiện mục tiêu chính trị của Sở Giao thông vận tải giao cho, là lập các điểm trông giữ xe ngày và đêm, hoàn toàn không có chuyện cho thuê làm các điểm kinh doanh hay buôn bán khác.

Dưới đây là một số hình ảnh mà Thanh Niên Online ghi nhận được tại gầm cầu vượt Thanh Trì trong buổi sáng 2.5.

 
Xưởng sửa chữa xe khách - Ảnh: Hà An

 


Xưởng sửa chữa ô tô Phước Thiện - Ảnh: Hà An


Thuê làm kho chứa các loại máy móc - Ảnh: Hà An

 


Vừa làm kho chứa máy móc, vừa để rửa xe - Ảnh: Hà An

Bài, ảnh: Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.