Lá phiếu của sự thay đổi

23/04/2012 03:45 GMT+7

Ngày 22.4, cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống và mọi dự đoán đều chống lại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Nếu không ứng viên nào giành đủ số phiếu để chiến thắng ngay thì cuộc đua sẽ bước vào vòng 2, dự kiến diễn ra ngày 6.5. Có mặt tại Paris những ngày này sẽ dễ dàng nhận ra bầu cử tổng thống là đề tài được nhắc đến nhiều nhất. Nhưng thái độ của cử tri Pháp rất khác nhau. Hầu hết những người ủng hộ đảng cầm quyền UMP đều tỏ vẻ “u ám” trước những dự đoán rất bất lợi cho đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.

 
Cử tri Pháp bỏ phiếu tại quận 13, Paris - Ảnh: Lan Chi

Trò chuyện với PV Thanh Niên, chị Claudine, một nhân viên hãng Air France thở dài: “Cả nhà tôi luôn bỏ phiếu cho cánh hữu. Hôm trước, Tổng thống Sarkozy tổ chức mít tinh ở quảng trường Concorde, con trai tôi có đến dự. Đây là lần đầu nó được đi bầu và thằng bé vẫn hy vọng nhiều lắm nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó”. Toàn bộ các kết quả khảo sát đều cho thấy nếu vượt qua được vòng 1 thì ông Sarkozy cũng sẽ thất bại ở vòng 2 trước ứng viên của đảng Xã hội François Hollande.

Đối đầu tả - hữu

Dù được đánh giá cao nhưng đến những buổi mít tinh cuối cùng trước ngày bỏ phiếu hôm qua, ông Hollande vẫn “đề cao cảnh giác” và khẳng định chỉ xem các kết quả thăm dò là động lực cho chiến dịch tranh cử. Hơn ai hết, các thành viên đảng Xã hội không quên “thảm họa” ngày 22.4.2002 khi ứng viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Jean-Marie Le Pen bất ngờ đạt số phiếu cao hơn thăm dò trước đó đến 3,3% và loại luôn ứng viên sáng giá của đảng Xã hội khi ấy là Lionel Jospin (thấp hơn 1,8% so với thăm dò). Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng năm nay sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc đối đầu tả - hữu truyền thống giữa UMP và đảng Xã hội.

Bản thân Tổng thống Sarkozy vẫn chưa từ bỏ hy vọng tiếp tục nắm giữ Điện Élysée thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông đã dứt khoát “được ăn cả, ngã về không” khi tuyên bố từ bỏ chính trường nếu thất bại và tiếp tục kêu gọi cử tri “lựa chọn hướng về tương lai” để ngăn chặn không cho cánh tả chiến thắng.

Nói cứng như thế nhưng ai cũng hiểu đương kim tổng thống Pháp đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn. Trước khi đối đầu với ứng viên đảng Xã hội thì ông Sarkozy đã bị “đo ván” bởi một đối thủ nặng ký khác là khủng hoảng và suy thoái. Để đổ đầy bình xăng, người Pháp cắn răng chấp nhận giá 1,63 euro/lít. Giá cả hầu hết các mặt hàng vốn đã tăng theo giá xăng dầu, chắc chắn sẽ còn “đội” lên một khi ông Sarkozy đắc cử và cho áp dụng dự luật tăng thuế VAT. Xuất khẩu tại Pháp hưởng lợi nhờ các chính sách mở cửa kinh tế trong nội bộ EU nhưng nhiều người dân nước này lại thấy bị nguồn nhân lực từ các nước Đông Âu cạnh tranh gay gắt về việc làm.

Tổng thống Sarkozy đã tập trung xây dựng cương lĩnh tranh cử quanh các giá trị truyền thống của cánh hữu. Không chỉ vậy, ông còn tiếp tục theo đuổi chiến lược giành bớt cử tri của đảng cực hữu FN. Ứng viên đảng cầm quyền liên tục đưa ra các phát biểu, nhận định mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa như chỉ trích việc đưa những món ăn dành riêng cho người Hồi giáo vào nhà ăn của trường học hay việc một số phụ nữ Hồi giáo không chấp nhận nam bác sĩ điều trị tại bệnh viện… Tuy nhiên, những cử tri cực hữu lại tỏ ra ngán ngẩm với “bản sao” và quay lại với “bản chính” là ứng viên Marine Le Pen của đảng FN.

Đảng cầm quyền sa cơ là cơ hội cho những đảng khác, đứng đầu là đảng Xã hội, chọn chủ đề “thay đổi toàn diện” hoặc cực đoan hơn là “chống Sarkozy” làm trọng tâm tranh cử. Ứng viên François Hollande đang ngày càng thể hiện được hình ảnh của một tổng thống tương lai, cả về cách phát biểu lẫn dáng điệu, cử chỉ. Ông không ngại tấn công mạnh mẽ vào các chủ đề sở trường của đối thủ Sarkozy như an ninh, đối ngoại, đồng thời khẳng định lập trường của một chính trị gia cánh tả khi bàn về các vấn đề bình đẳng xã hội, luật pháp, sự tách biệt giữa tôn giáo và chính trị…

Tuy vậy, do quá tập trung vào một số vấn đề trọng tâm nên các ứng viên đã bỏ qua hoặc xem nhẹ những chủ đề quan trọng như môi trường, quan hệ quốc tế ngoài khu vực châu Âu, đa dạng văn hóa... Có thể kết lại bằng nhận xét của nhà báo François Bougon của tờ Le Monde với Thanh Niên: “Chiến dịch tranh cử lần này đã phản ánh một nước Pháp còn quá nhiều nỗi lo, đặc biệt là về giới trẻ với tương lai không ổn định và tình trạng thất nghiệp đang tăng cao”.

Đảng Cộng sản gây ấn tượng

Sau đại diện của UMP và đảng Xã hội, ứng viên chiếm vị trí thứ ba trong các cuộc thăm dò là Jean-Luc Mélenchon thuộc Liên minh Mặt trận cánh tả gồm đảng Cộng sản Pháp và đảng Cánh tả. Khởi đầu chiến dịch chỉ với số điểm khiêm tốn (4%) nhưng với chiến dịch vận động được đánh giá là năng động nhất nhì kỳ bầu cử, ông đã từng bước thu phục cử tri và giành tỷ lệ ủng hộ trên dưới 15%. Thành công của ông Mélenchon cũng đánh dấu sự trở lại ấn tượng của đảng Cộng sản Pháp. Chính trị gia 61 tuổi này ủng hộ xây dựng nền cộng hòa mới, tăng lương tối thiểu lên 1.700 euro/tháng (chưa thuế), xây dựng 200.000 nhà ở cho người nghèo/năm, rút Pháp khỏi NATO và tạo khoảng cách hơn với Mỹ...

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(từ Paris, Pháp)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.