Giảm thu chính đáng

23/04/2012 03:34 GMT+7

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong bối cảnh siết chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng chi vượt dự toán năm 2011 vẫn lên tới gần 14%, tương đương với 100.167 tỉ đồng. Đáng nói hơn là trong khi vẫn chi mạnh tay như vậy, chúng ta lại hết sức thận trọng, hết sức chi li trong việc giảm thuế để khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong bối cảnh siết chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng chi vượt dự toán năm 2011 vẫn lên tới gần 14%, tương đương với 100.167 tỉ đồng. Đáng nói hơn là trong khi vẫn chi mạnh tay như vậy, chúng ta lại hết sức thận trọng, hết sức chi li trong việc giảm thuế để khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp.

Đơn cử như ở thời điểm hiện tại, kinh tế đã có dấu hiệu giảm phát, về nguyên tắc, phải giảm thuế để kích cầu, chặn đà đình đốn sản xuất đang lan rộng. Việc giảm thuế hoàn toàn có thể thực hiện ngay. Cụ thể, miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân để khuyến khích họ chi tiêu cho hàng hóa. Từ đó giảm tồn kho và kích thích sản xuất. Lập tức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), VAT để vực dậy sức khỏe của DN cũng như  giảm thuế TNDN về mức 20 - 22% để hỗ trợ họ hồi phục trong thời gian sau đó. Tất nhiên sẽ có nhiều ý kiến cho rằng, DN không có lợi nhuận thì việc miễn, giảm thuế TNCN không có ý nghĩa gì nhưng cái cần làm là hướng tới các DN vẫn còn nộp thuế được, bởi đây là lực lượng giúp khôi phục nền kinh tế sau này. Nhưng có thể thấy, bất chấp sự cấp bách cũng như kêu gọi của các chuyên gia, đến thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa hề lên tiếng về việc miễn, giảm thuế để chặn đà suy giảm của nền kinh tế.

  Vì sao việc giảm thuế lại trở nên khó khăn đến vậy? Thực tế đã chứng minh, đó là do thói quen chi mạnh tay và bệnh thành tích tồn tại nhiều năm qua. Bởi về nguyên tắc, muốn chi mạnh thì phải thu nhiều. Sở dĩ năm 2011 xu hướng tăng chi lớn là nhờ thành tích thu thuế "rực rỡ". Nói rực rỡ là không quá khi có tới gần 50.000 DN phá sản mà tổng thu ngân sách vẫn đạt 674,5 nghìn tỉ đồng, bằng 113,4% dự toán năm và tăng 20,6% so với năm 2010. Một ví dụ nhỏ để thấy, thu năm nay cao hơn năm trước đã trở thành "luật bất thành văn", là căn bệnh thành tích rất khó thay đổi đối với đơn vị thực hiện. Thu nhiều thì chi nhiều. Câu chuyện "vung tay quá trán" trong chi tiêu ngân sách lại một lần nữa khiến không ít các thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua lo lắng "chưa hợp lý, chưa thể hiện sự nhất quán trong chủ trương cắt giảm đầu tư công".

Tỷ lệ thu ngân sách của ta hiện quá cao, lên tới 25 - 27% GDP so với mức 12 -15% của các nước trong khu vực. Tăng thu nếu đồng hành với tăng chi kém hiệu quả sẽ làm cho căn bệnh lạm phát luôn tiềm ẩn trong nền kinh tế. Giảm thu nhưng giảm chi ở những dự án kém hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Vì thế, có thể khẳng định, không có lý do gì để chậm trễ trong việc giảm thu chính đáng này. 

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.