Phế thải mỏ than sạt lở chôn vùi 7 người

16/04/2012 04:25 GMT+7

Rạng sáng qua 15.4, vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ thuộc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên khiến 14 nhà dân ở xóm Khuôn 1, xã Phục Linh (H.Đại Từ, Thái Nguyên) bị chôn vùi.

Đất đá sạt lở đã chôn vùi 7 người, trong đó 1 người đã chết, 1 người bị thương, 5 người còn lại mất tích dưới đống đổ nát, đến 23 giờ đêm qua vẫn chưa tìm được.

 

Mỏ than Phấn Mễ bắt đầu khai thác từ những năm 1908 của thế kỷ trước. Nơi đây có trữ lượng than mỡ 1,4 triệu tấn, loại than được sử dụng cho quá trình luyện cốc. Trong công cuộc xây dựng CNXH, than mỡ của mỏ Phấn Mễ đã được dùng để luyện cốc phục vụ khu gang thép Thái Nguyên. Qua thời gian, bãi thải khai thác than chất cao như núi, có khi cao đến hơn 100m trở thành một hiểm họa sạt lở vì tính liên kết yếu của nó.

Ở Thái Nguyên, ngoài bãi thải của mỏ than Phấn Mễ, bãi thải một số mỏ khác như mỏ than Khánh Hòa cũng đang là mối đe dọa tiềm ẩn với người dân sống xung quanh.

Khoảng 4 ha bị vùi lấp

Theo thông tin ban đầu, vụ sạt lở xảy ra khoảng 4 giờ 30 sáng. Lúc này, người dân đang ngủ, hàng nghìn mét khối đất đá từ bãi đổ thải của mỏ than bất ngờ sạt lở vùi lấp một diện tích khoảng 4 ha. Đến khoảng 11 giờ trưa hôm qua, lực lượng cứu hộ cứu nạn mới phát hiện và cứu được một người bị thương nặng là cụ Hà Văn Xuân (90 tuổi) và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên. Cụ bà Vũ Thị Hồng (78 tuổi) là vợ cụ Xuân tử vong tại chỗ.

Ông Hà Văn Thắng, con trai ông Xuân kể lại, khoảng hơn 4 giờ sáng, vợ chồng ông đang cắt rốn cho đàn lợn con mới đẻ thì nghe tiếng nổ lớn từ phía trên núi. Khi chạy ra sân thì thấy khói bốc mù mịt tại trạm biến áp trung tâm ngay bên cạnh chân núi thải. Đồng thời, đất đá lăn xuống rầm rập như mưa đá. Hai vợ chồng ông chạy về phía nhà bố đẻ là ông Hà Văn Xuân để tri hô. Tuy nhiên, ông Thắng chỉ kịp cứu được con trai là Hà Văn Phi.

Chị Nguyễn Thị Lựu, xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, người cũng thoát chết trong gang tấc, cho biết khi đang ngủ bỗng nghe tiếng rầm rầm dồn về phía mình liền lập tức đánh thức cả nhà dậy chạy thoát thân, không kịp mang theo tài sản gì.

Cạnh đó, ngôi nhà của bà Trần Thị Thiện (SN 1959) nằm bên cạnh chân đống đất đá nên không thể xác định chính xác vị trí để đào bới, tìm kiếm.

Thương tâm nhất là trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn, có đến 4 người còn mất tích trong đống đổ nát. Ngoài bà Hoàn còn có em trai là Nguyễn Văn Hà (SN 1968), 2 con trai là Nguyễn Văn Quốc (SN 1992) và Nguyễn Văn Quân (SN 1995) cùng bị đất đá vùi lấp.

Ngay khi xảy ra tai nạn, một chiếc máy xúc đã được điều đến hiện trường hỗ trợ cứu nạn. Khoảng 12 giờ trưa qua, 2 chiếc máy xúc khác cũng được điều đến hiện trường tăng cường cứu nạn. Hàng nghìn người thuộc các đơn vị công an, bộ đội, phòng cháy chữa cháy, công nhân mỏ than, dân quân, người dân địa phương đã được huy động tham gia công tác cứu nạn. Tuy nhiên, do đất đá sạt lở đã đẩy xa các nhà dân ra khỏi vị trí cả trăm mét nên việc xác định vị trí của các nạn nhân mất tích dưới lớp đất rất khó khăn.

Có mặt tại hiện trường đến nửa đêm qua, PV Thanh Niên ghi nhận hàng nghìn người vẫn khẩn trương đào bới tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Các máy xúc luôn hoạt động hết công suất trên tinh thần còn nước còn tát. Những gia đình có người mất tích không ngừng vạ vật, kêu khóc thảm thiết khiến nhiều người không cầm được nước mắt.


Khẩn trương đào bới tìm kiếm các nạn nhân trong đống đất đá - Ảnh: Lê Quân

Sống chung với hiểm họa

Được biết, khu vực xảy ra sạt lở là nơi mỏ than Phấn Mễ đã đổ đất đá thải ra trong quá trình khai thác than từ hàng chục năm nay. Trước thời điểm xảy ra vụ sạt lở, bãi thải sừng sững như ngọn núi, cao hàng chục mét. Những người dân sống xung quanh khu vực này cũng đã có sự lo ngại sạt lở từ lâu. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân địa phương vẫn phải sống chung với hiểm họa.

Ông Hào Văn Phi, một gia đình bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ sạt lở, cho hay các hộ dân trong khu vực đã rất nhiều lần đề nghị mỏ than Phấn Mễ dừng đổ thải; thậm chí, họp dân để thông qua giải pháp an toàn. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản mỏ than vẫn phớt lờ và tiếp tục cho “đắp núi”. “Trời không mưa mà còn sạt lở như vậy, nếu trời mưa thì không biết núi thải sẽ chảy đến đâu”, ông Hào bức xúc nói.

Hiện nay người dân sống xung quanh khu vực sạt lở vẫn không khỏi hoang mang lo sợ không biết núi phế thải có còn tiếp tục sạt lở.

Lãnh đạo của tỉnh Thái Nguyên hôm qua đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ và thăm hỏi gia đình các nạn nhân. Tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 2 triệu đồng và gia đình có người thiệt mạng 2 triệu đồng. Mỏ than Phấn Mễ cũng hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình 40 triệu đồng.

Chiều qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả sạt lở do ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng ban, tiếp tục đôn đốc công tác tìm kiếm nạn nhân.

Danh sách các nạn nhân tử vong, bị thương và mất tích

Hà Văn Xuân (1922) bị thương nặng
Vũ Thị Hồng (1934) đã tử vong
Nguyễn Thị Hoàn (1962) mất tích
Nguyễn Văn Hà (1968) - em trai nạn nhân Nguyễn Thị Hoàn mất tích
Nguyễn Văn Quốc (1991) - con trai nạn nhân Nguyễn Thị Hoàn mất tích
Nguyễn Văn Quân (1995) - con trai nạn nhân Nguyễn Thị Hoàn mất tích
Trần Thị Thiện (1959) mất tích.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.