Lòng tốt có phải là hàng hiếm ?

14/04/2012 04:06 GMT+7

Không ít người cho rằng: thời buổi này nên chọn cách sống “mình không làm phiền ai, không ai làm phiền đến mình”.

Không ít người cho rằng: thời buổi này nên chọn cách sống “mình không làm phiền ai, không ai làm phiền đến mình”.


Tình nguyện đưa học sinh qua đường trong mùa thi cử - Ảnh: Khả Hòa 

Liệu đó có phải là cách sống an toàn và phù hợp hơn cả? Liệu lòng tốt đang càng ngày càng vắng bóng, trở thành “hàng hiếm”, thậm chí được đẩy lên như là “điều phi thường”?

Cách đây 10 ngày, anh Ngô Công Mỹ - công nhân may Công ty TNHH Sơn Tùng (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã bị một nhóm thanh niên dùng hung khí đánh tới tấp khi anh đang trên đường đến xưởng làm. Vụ hành hung xảy ra trong khoảng 10 phút, sau đó anh Mỹ nằm bất tỉnh thêm 30 phút nữa nhưng không có ai đến can thiệp hay đưa anh Mỹ đi cấp cứu (Một công nhân bị đánh hội đồng, Báo Thanh Niên số ra ngày 7.4.2012).

Bức xúc trước vụ việc trên, một bạn đọc tên Michael gửi email bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất buồn vì ngày nay đạo đức con người ngày càng giảm sút trầm trọng. Đặc biệt qua ví dụ điển hình của anh Mỹ đây, sau khi bị đánh, nằm bất tỉnh mà chẳng có ai cứu hay giúp đỡ gì hết, kể cả bảo vệ xưởng Sơn Tùng và một số công nhân đào mương gần đấy. Thậm chí anh Mỹ bị đánh  trong gần 10 phút mà không ai can thiệp. Hình như những người xung quanh KHÔNG có trái tim, KHÔNG có tình người? Hay họ sẵn sàng vô cảm trước những hành vi này? Có chăng họ chỉ lo lợi ích trước mắt của họ?...”.

Anh Đỗ Thắng - một bác sĩ trẻ ngụ ở Q.10, TP.HCM - nhận xét: “Theo tôi, con người ai cũng có phần thiện, đều muốn ra tay nghĩa hiệp giúp những người trong cơn hoạn nạn, khó khăn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, người ta không thể thể hiện lòng tốt của họ, chẳng hạn: đang bận bịu công việc; không biết xử trí ra sao; thấy nhiều người xung quanh không phản ứng gì nên… không muốn làm “nổi”, sợ bị hiểu lầm; lo ngại bị trả thù; không muốn dính dáng rắc rối do bị mời lên mời xuống làm chứng...”. Cũng theo bác sĩ Thắng, hiện có không ít kẻ gian đã lợi dụng lòng tốt của người khác như giả dạng ăn xin, làm người khuyết tật đau ốm… để trục lợi. Đây cũng là một nguyên nhân khiến những nghĩa cử tốt đẹp ngày càng vắng bóng.

“Nhặt được của rơi, trả người đánh mất là câu ai cũng thuộc lòng. Thế nhưng bây giờ, người ta thường tổ chức tuyên dương, trao bằng khen này nọ cho những người trả lại của rơi. Phải chăng do lòng tốt quá hiếm nên mới khen thưởng rầm rộ?” - cô Tuyết Linh, giáo viên dạy môn văn một trường THPT trên địa bàn TP.HCM đặt vấn đề. Cô Tuyết Linh kể, do nhiều lần chứng kiến cảnh thiên hạ kèn cựa nhau từng centimet để giành phần đường đi nên cô đã rất “lúng túng, bất ngờ” khi có một thanh niên tự nguyện nhường cho xe cô vượt trước.

Trong khi đó, anh Lê Trung Hải - thủ lĩnh nhóm tình nguyện “Những ước mơ xanh” tỏ ra rất lạc quan khi khẳng định: “Tôi thấy lòng tốt không bị mai một mà đang lan tỏa rất nhanh! Có một điều rất đáng mừng là các bạn trẻ và nhiều tầng lớp trong xã hội hiện nay rất quan tâm đến cộng đồng. Lòng  tốt đang được nhân rộng và trở thành vấn đề dễ dàng chia sẻ và đồng cảm. Khi xuất hiện thông tin về một hình ảnh đáng thương, một câu chuyện vượt lên cuộc sống thường có rất nhiều bạn trẻ quan tâm và ủng hộ. Đúng là cuộc sống bận rộn thì sẽ có những hạn chế nhưng chính nhờ sự phát triển của internet, người ta có nhiều cách để chia sẻ hơn”. Theo anh Hải, cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim: “Đến giờ phút này, những gì chúng tôi làm được chính là nhờ sự động viên, giúp đỡ và quan tâm của rất nhiều người. Và câu chuyện lòng tốt nảy sinh là có thực! Từ một nhóm ban đầu, đến nay những thành viên đã lập thêm ba nhóm tình nguyện khác và còn nhiều, nhiều nhóm nữa. Rõ ràng, lòng tốt lan tỏa rất nhanh và sẽ gây dựng nên nhiều lòng tốt”. 

Như Lịch

Diễn đàn Lòng tốt trong cuộc sống

Sáng 15.4, Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam và Báo Thanh Niên tổ chức diễn đàn Lòng tốt trong cuộc sống tại 212 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM.

Tại diễn đàn, bên cạnh sự tham dự của gần 100 bạn trẻ và khách mời, còn có sự giao lưu và chia sẻ ý kiến của những nhân vật “người thật việc thật” về lòng tốt, đó là: TS tâm lý Trần Thị Giồng; nhân viên công tác xã hội Trương Thị Hồng Tâm (tác giả cuốn Hồi ký Tâm “si-đa” - Vượt lên cái chết); diễn viên - đạo diễn Việt Trinh; anh Võ Quang Hoàng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim thiên thần (sân chơi quy tụ hơn 2.200 thành viên cộng đồng mạng tham gia hoạt động thiện nguyện)...

Các ý kiến thảo luận, trao đổi sẽ xoay quanh vấn đề: những hành vi được xem là thể hiện lòng tốt; giá trị xã hội của lòng tốt; lòng tốt và sự lợi dụng lòng tốt; tác hại của sự vô cảm; ý nghĩa phát động chương trình “Mỗi ngày một việc tốt”, tạo môi trường để bạn trẻ rèn luyện kỹ năng sống, sống tốt và phát huy lòng tốt của mình…

Ý kiến

Lòng tốt đang chuyển sang trạng thái khác

Hằng ngày, chúng ta vẫn thấy những tấm bảng viết về “người tốt việc tốt” đầy ắp ở các trường học, những chương trình từ thiện vẫn có rất nhiều người góp công góp của tham gia…

Như vậy, không thể nói lòng tốt quá hiếm hoi mà do thái độ ứng xử chung nên nó đang dần chuyển sang một trạng thái khác. Tâm lý người Việt Nam vẫn mang nặng lối sống tập thể nên khi làm bất cứ việc gì, họ luôn chú ý đến phản hồi và sự hưởng ứng của người khác. Nguyễn Cao Quỳnh Như - Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM 

Giới trẻ dễ hướng thiện

Thật ra, giới trẻ dễ hướng thiện. Các em hay trăn trở với câu hỏi “Tôi là ai?” và dễ xúc động trước cái đẹp thực thụ. Giới trẻ thích hoạt động cộng đồng.

Vì vậy, những chương trình cộng đồng đừng chạy theo hình thức hay theo kiểu phong trào nhất thời mà nên giúp các em tìm hiểu, khám phá và phát triển những giá trị sống cho cá nhân.

Bên cạnh đó, truyền thông cũng phải hướng đến giáo dục chân - thiện - mỹ cho giới trẻ. Thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người Võ Thị Hoàng Yến - Giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.