Ông chủ tịch tập đoàn ưa chọn “công nghệ cũ”

28/03/2012 03:57 GMT+7

Hôm qua 27.3, TAND TP.Hải Phòng đã khai mạc phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) và 8 đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “cố ý làm trái...”. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 30.3.

Hôm qua 27.3, TAND TP.Hải Phòng đã khai mạc phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) và 8 đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “cố ý làm trái...”. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 30.3.

Trong ngày làm việc đầu tiên, ngay sau khi kết thúc phần thủ tục khai mạc, Hội đồng xét xử đã lần lượt xét hỏi các bị cáo xoay quanh các hành vi bị cáo buộc gây thiệt hại tài sản của nhà nước.

“Phải mua nhanh, chớp lấy cơ hội”

Trả lời về động cơ mua tàu Hoa Sen trái với chỉ đạo của Chính phủ, dẫn đến hậu quả gây thiệt hại 469 tỉ đồng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin nói vào thời điểm đó, Bộ GTVT được giao nghiên cứu kế hoạch mở tuyến vận tải hành khách bắc - nam bằng tàu cao tốc chạy ven biển. Vinashin mua tàu Hoa Sen là để thử nghiệm xem tàu này như thế nào trong điều kiện của VN; qua đó rút kinh nghiệm để cải tiến, thiết kế ra những con tàu tương tự...

Tham gia xét hỏi, một luật sư đặt vấn đề: "Tại sao các ông không đóng mới mà lại đi mua tàu cũ, việc mua bán lại bỏ qua nhiều thủ tục đầu tư?".

Ông Bình đáp: "Theo tính toán của chúng tôi, để khai thác hiệu quả tuyến đường biển cao tốc bắc - nam phải có tối thiểu 12 tàu cỡ như Hoa Sen. Nhưng ở thời điểm 2007, ngành đóng tàu trong nước chưa đóng được tàu kiểu này. Chúng tôi mua tàu Hoa Sen về cũng là để học thiết kế của họ để tự đóng mới, giảm chi phí... Việc bỏ qua một số thủ tục là vì trên thế giới, những tàu như Cartour không nhiều, nên phải mua nhanh, chớp lấy cơ hội".


Bị cáo Phạm Thanh Bình (giữa) - Ảnh: Hải Đăng

Mua nhà máy cũ rẻ bằng một nửa nhà máy mới

Đối với dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện chạy dầu diesel Cái Lân (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), cáo trạng nêu từ ngày 7.3.2002, khi dự án chưa được lập và phê duyệt, ông Bình đã ký thỏa thuận với Công ty Jacobsen Elektro (Na Uy) để mua một nhà máy nhiệt điện công suất 39 MW tại Trung Quốc về lắp tại Cái Lân. Đến 2003, khi tổ chức đấu thầu, có 4 nhà thầu tham dự, nhưng do đã thỏa thuận trước với Vinashin nên Jacobsen có hồ sơ dự thầu phù hợp với hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư và được chấm điểm cao nhất. Tuy nhiên, công ty này bỏ giá tới 40 triệu USD, lớn hơn tổng mức đầu tư dự án (507 tỉ, tương đương 33,4 triệu USD).

Do vượt tổng mức dự toán, ông Bình và thuộc cấp tiếp tục đàm phán với nhà thầu, giảm giá từ 40 triệu USD xuống 36 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này vẫn lớn hơn dự toán. Để “xử lý" khoản vượt này mà không phải đấu thầu lại, ông Bình chỉ đạo cấp dưới viết lại dự án, đưa mức đầu tư lên 592 tỉ đồng (khoảng 38,9 triệu USD).

Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Căn cứ vào đâu các bị cáo nâng mức đầu tư từ 507 lên 592 tỉ?", bị cáo Bình đáp: "Vì khi làm dự toán lần đầu, có nhiều khoản chúng tôi chưa tính hết. Vì thủ tục rất rườm rà, không muốn hủy dự án để làm lại, chúng tôi đã điều chỉnh, viết lại dự án để rút ngắn thời gian". Khi bị chủ tọa vặn tại sao mua nhà máy cũ, ông cựu Chủ tịch Vinashin lập luận: "Vì mua nhà máy điện cũ, mà còn tốt mang về lắp đặt thì sẽ rẻ bằng một nửa nhà máy mới".

Nhưng thực tế của việc "rẻ bằng một nửa" là nhà máy đã tiêu hao nhiên liệu cao hơn nhiều so với định mức thiết kế, dẫn tới càng chạy càng lỗ, từ năm 2007 đến 2009, thua lỗ 57 tỉ đồng, cuối năm 2009 đến nay thì phải dừng hoạt động. Tổng cộng, cáo trạng kết luận hành vi này đã gây thiệt hại 66,5 tỉ đồng.

Hôm nay 28.3, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

9 bị cáo bị xét xử

1. Phạm Thanh Bình (SN 1953), nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin, từ năm 1998 đến 2009, bị cáo buộc gây thiệt hại 852 tỉ đồng.

2. Trần Văn Liêm (SN 1955), nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương, bị cáo buộc gây thiệt hại 469 tỉ đồng.

3. Nguyễn Văn Tuyên (SN 1962), nguyên Giám đốc Công ty CP công nghiệp tàu thủy (CNTT) Hoàng Anh Vinashin, bị cáo buộc gây thiệt hại 296 tỉ đồng.

4. Trịnh Thị Hậu (SN 1964), nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT (VFC), bị cáo buộc gây thiệt hại 549 tỉ đồng.

5. Đỗ Đình Côn (SN 1952), nguyên Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin, bị cáo buộc gây thiệt hại 296 tỉ đồng.

6. Tô Nghiêm (SN 1959), nguyên Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên CNTT Cái Lân, bị cáo buộc gây thiệt hại 66,5 tỉ đồng.

7. Nguyễn Tuấn Dương (SN 1966), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long, bị cáo buộc gây thiệt hại 92 tỉ đồng.

8. Hoàng Gia Hiệp (SN 1972), nguyên Phó tổng giám đốc VFC, bị cáo buộc gây thiệt hại 469 tỉ đồng.

9. Trần Quang Vũ (SN 1958), nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty CNTT Nam Triệu, bị cáo buộc gây thiệt hại 27 tỉ đồng.

Káp Thành Long

Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.