Ngõ làng đá san hô

17/03/2012 10:33 GMT+7

(TNO) Trong ký ức tuổi thơ tôi, quê nhà là những ngõ nhỏ quanh co với hàng trăm bức tường đá san hô cổ kính và đường làng cát mịn mỗi bước chân, là những trò chơi bất tận nơi ngõ nhỏ cùng lũ bạn, là những cái cổng gỗ cũ kỹ có mái ngói để tránh mưa mỗi khi lỡ đường...

(TNO) Trong ký ức tuổi thơ tôi, quê nhà là những ngõ nhỏ quanh co với hàng trăm bức tường đá san hô cổ kính và đường làng cát mịn mỗi bước chân, là những trò chơi bất tận nơi ngõ nhỏ cùng lũ bạn, là những cái cổng gỗ cũ kỹ có mái ngói để tránh mưa mỗi khi lỡ đường...

>> Cây dứa dại và cây mận gai làng tôi
>> Còn đâu sông Nhuệ…
>> Khoảng lặng Hà Nội
>> Quan họ của tôi
>> Chợ chuột đất cảng
>> Tình & cái ao làng
>> Về nơi nói dóc nhất miền Nam

 
Những bức tường bằng đá san hô là nơi chúng tôi tìm lại ký ức mình - Ảnh: Diệp Đồng

Ký ức của mẹ cha tôi về ngôi làng 365 năm tuổi là một thời bom đạn, những ngõ nhỏ nên thơ ấy trở thành cái bẫy với kẻ xâm lăng khi tất cả người dân đồng loạt rào làng chiến đấu, để sau này làng Cảnh Dương (H.Quảng Trạch), một làng quê trong “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình nổi danh cả nước.

Có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió... Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu (ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của Hoàng Vân)

 
Dừng chân bên cổng - Ảnh: Diệp Đồng

Và xa hơn nữa, ký ức của bà tôi, người đã gần trăm tuổi, là những trưa, những chiều ngụp lặn ven biển, nhặt những viên đá san hô mang về chất thành đống giữa sân để nắng mưa gột sạch cái mặn mòi của biển.

Cũng từ những viên đá ấy, vào ngày biển động, đàn ông trai tráng làng chài sẽ vào lò nung đá thành vôi. Vôi được sinh ra từ đá và là chất kết dính duy nhất cho những bức tường cũng được xây từ đá san hô.

Những bức tường đến nay đã hàng trăm năm tuổi, rêu phong và dương xỉ mọc đầy.

Xây tường bằng đá san hô đòi hỏi người thợ phải vô cùng khéo tay mới có thể tạo nên những bức tường phẳng, có thể nói những bức tường thô ráp ấy là niềm tự hào của đàn ông làng chài sau nghề đi biển...

 
Còn giữ lại nét xưa - Ảnh: Diệp Đồng

Và từ những bức tường rêu phong ấy đã tạo thành những con ngõ dài hun hút, nơi đám trẻ con buổi trưa không ngủ và trốn ra đây chơi chuyền, đánh đáo.

Con ngõ cũng là nơi hò hẹn của bao trai gái làng tôi, là nơi chứng kiến những phút giây bịn rịn khi tiễn nhau đi hết ngõ nhà.

Tận cùng những con ngõ dài thường là cái cổng gỗ với mái ngói rêu phong, là nơi tránh mưa, tránh nắng hay giản đơn là phút dừng chân ngồi trò chuyện bên đường...

 
Những bức tường đá san hô cổ kính - Ảnh: Diệp Đồng

Tôi nhớ những đêm giao thừa, chín con ngõ lớn dẫn từ đình làng về chín thôn tạo thành một bông hoa lửa. Khi khoảnh khắc giao thừa sắp điểm, người lớn, trẻ con chen nhau châm đuốc từ đống lửa lớn được đốt lên giữa đình làng từ chập tối.

Trong giá rét của đêm xuân, mọi người tỏa về các ngõ, vừa chạy vừa giữ lửa không tắt để mang về nhà. Lửa sẽ được nhen lên trong bếp khi phút giao thừa vừa điểm.

Và trong suốt ba ngày tết, ngọn lửa sẽ được ủ trong trấu và than hồng sao cho căn bếp luôn ấm áp. Tôi được ông giáo già Trần Đình Vĩnh, người viết địa chí làng giải thích rằng, tục lấy lửa đình làng là dư âm từ tục giữ lửa của người nguyên thủy...

 
Ngõ nhỏ dài hun hút - Ảnh: Diệp Đồng

Làng tôi bây giờ mỗi đêm giao thừa vẫn đốt lửa. Và những con ngõ dẫn về chín thôn vẫn tạo thành một bông hoa lửa chín cánh ấm áp trong đêm xuân.

Dẫu thời gian đã làm phôi pha nhiều thứ, ngôi đình làng cũ đã không còn bởi chiến tranh, những ngõ nhỏ dài hun hút và rêu phong còn lại không nhiều, nhưng thẳm sâu trong lòng những người dân quê tôi, ngõ làng là nỗi nhớ khôn nguôi, là niềm tự hào rất riêng của bao thế hệ...

 
Tuổi thơ ở ngõ làng - Ảnh: Diệp Đồng 

Nhớ và tự hào, để đôi khi trên những chặng đường mưu sinh nơi đất khách quê người, khi tình cờ gặp một con ngõ, một cụ già thảnh thơi ngồi nghỉ, lòng chợt bàng hoàng như gặp lại dáng quê...

Diệp Đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.