Phú Quốc: Báo động ô nhiễm môi trường từ chất thải

08/03/2012 09:02 GMT+7

Theo Phòng TN-MT huyện Phú Quốc (Kiên Giang), toàn huyện hiện có 85 khách sạn và resort đạt chuẩn từ 1 đến 4 sao, cùng hệ thống nhà nghỉ, phòng trọ…với hơn 1.500 phòng và 2.600 giường.

Mặc dù đa số nhà nghỉ, khách sạn, resort trên địa bàn đi vào hoạt động sau thời điểm ra đời của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) và các quy định về BVMT của Bộ TN-MT (năm 2003), nhưng hiện nay đa số chỉ dùng hệ thống tự hoại xử lý chất thải, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn còn rất ít. Nước thải tại hầu hết các cơ sở được thu gom rồi qua bể lắng, sau đó thải trực tiếp theo hệ thống nước thải đô thị chung. Một số cơ sở có diện tích đất rộng thì cho thấm trực tiếp vào môi trường tự nhiên.

Theo đánh giá của Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang thì những năm gần đây, tình trạng di dân cơ học ra đảo tăng nhanh cùng những  hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển trên 2 bên bờ sông Dương Đông khiến dòng sông bị ô nhiễm, trong đó khu vực hạ lưu đoạn từ cầu Hùng Vương ra cửa biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, hiện các khu vực bãi biển từ khu vực bãi Bà Kèo đến Dinh Cậu, cảng An Thới, cảng Bãi Vòng… cũng bị ô nhiễm hữu cơ vượt quá tiêu chuẩn cho phép, do hoạt động của các nhà nghỉ, khu du lịch, chợ…

Trong khi đó, hiện nay trên huyện đảo Phú Quốc vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các loại nước thải sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều được thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Còn đối với các loại chất thải rắn thì mới có 60% chất thải trong dân cư được thu gom và cũng xử lý bằng đốt, dùng hóa chất để phân hủy hoặc chôn lấp tại 2 bãi rác lộ thiên ở đồng tràm xã Cửa Cạn và thị trấn An Thới.

Trao đổi với PV Thanh Niên vào sáng 4.3, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng BQL Công trình công cộng huyện Phú Quốc, cho biết bình quân mỗi ngày  trên địa bàn thị trấn Dương Đông phải xử lý khoảng 110 m3 và thị trấn An Thới khoảng 40 m3 rác. Tuy nhiên, hiện 2 bãi rác Cửa Cạn và An Thới đã quá tải. Trong khi đó, 2 bãi rác mới được qui hoạch ở Gành Dầu và Dương Tơ đến nay không triển khai được, mặc dù nằm trên phần đất rừng phòng hộ, nhưng đã bị người dân bao chiếm, không thể giải phóng mặt bằng để triển khai. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc,  BQL Công trình công cộng chỉ làm nhiệm vụ thu gom, còn điều hành vận động người dân giữ gìn mơi trường là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhưng nhiều lúc và nhiều nơi bị buông lỏng.

Ông Lê Quang Minh, quyền Trưởng phòng TN-MT H.Phú Quốc, cho biết trong những năm gần đây, H.Phú Quốc có nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức BVMT du lịch cho mọi tầng lớp nhân dân, như: lồng ghép tuyên truyền BVMT vào các sự kiện quy tụ đông các thành phần tham dự; phong trào dọn vệ sinh vào thứ hai hàng tuần tại các cơ quan, ban ngành, xã, thị trấn; phát động không xả chất thải trong nhân dân, cán bộ, công chức, học sinh và thường xuyên giáo dục ý thức xây dựng môi trường du lịch biển sạch đẹp; thứ 7 hàng tuần có tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ra quân làm sạch môi trường biển... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, các hoạt động BVMT mới chỉ mang tính phong trào, rầm rộ lúc đầu rồi sau đó giảm dần, chưa trở thành việc làm thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Cụ thể trước kia, có cơ quan, doanh nghiệp sáng thứ hai hằng tuần hay tổ chức cho CB-NV đi thu gom rác vào đầu giờ, nay lâu lắm không thấy thực hiện nữa. Bên cạnh đó, dù H.Phú Quốc có đề án quy hoạch BVMT, nhưng đến nay do thiếu vốn nên các dự án BVMT này vẫn chưa thể triển khai.

Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc xác nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phú Quốc đang diễn ra rất phức tạp. Ông Phong cho biết, ngoài những lý do ảnh hưởng từ tốc độ phát triển nhanh, thì vấn đề quản lý của cơ quan môi trường và chính quyền cơ sở còn rất yếu. Các phong trào BVMT có phát động nhưng vẫn mang tính hình thức. Ông Văn Hà Phong cho biết trong thời gian tới huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt để xử lý tốt vấn nạn môi trường, bảo đảm cho Phú Quốc xanh - sạch - đẹp. “Muốn BVMT một cách bền vững phải nhanh chóng xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Theo quy hoạch thì Phú Quốc sẽ có nhà máy xử lý rác 100 tấn/ngày. Nhưng muốn xây dựng nhà máy phải có số vốn đầu tư từ 50-70 tỉ đồng. Đây là việc ngoài khả năng của huyện”, ông Văn Hà Phong cho biết.  

Giang Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.