Gần chết mới xét nghiệm!

02/03/2012 10:55 GMT+7

Dịch bệnh tăng mạnh ở miền Trung trong thời gian gần đây nhưng toàn khu vực chỉ có Viện Pasteur Nha Trang đủ năng lực để xét nghiệm virus cúm A/H5N1 và virus bệnh tay chân miệng.

Dịch bệnh tăng mạnh ở miền Trung trong thời gian gần đây nhưng toàn khu vực chỉ có Viện Pasteur Nha Trang đủ năng lực để xét nghiệm virus cúm A/H5N1 và virus bệnh tay chân miệng.

Chiều 1-3, Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết số ca mắc bệnh tay chân miệng vẫn tăng nhanh ở Đà Nẵng. Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã có 152 trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng đang quá tải khi phải điều trị cho gần 300 ca bệnh tay chân miệng trong khi Khoa Y học Nhiệt đới của trung tâm chỉ có 50 giường. Số bệnh nhân này chủ yếu là của TP Đà Nẵng và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện tại, trung tâm đã tăng cường 60 giường bệnh và cho điều trị ngoại trú đối với những bệnh nhân nhẹ. 

4-5 ngày mới có kết quả xét nghiệm 

Trong 2 tháng qua, tỉnh Quảng Nam có 113 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Giới chuyên môn nhận định con số này còn cao hơn do rất nhiều trẻ em mắc bệnh nhưng điều trị tại nhà.

 
Bệnh nhi Nguyễn Hoàng được chẩn đoán là mắc bệnh tay chân miệng, đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam - Ảnh: Thúy Phương

Người thân của bệnh nhi Nguyễn Hoàng (19 tháng tuổi, ngụ phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) cho biết: “Ban đầu, cháu bị nổi hột đỏ dưới lòng bàn chân nên gia đình cứ nghĩ là do muỗi hay kiến cắn. Sau đó, cơ thể cháu nổi bóng nước, miệng thì hay nhễu nước. Khi đưa cháu vào bệnh viện, các bác sĩ khám sơ qua và chẩn đoán cháu mắc bệnh tay chân miệng. Mỗi ngày, cháu được kê toa cho uống vài viên thuốc chứ chưa hề có xét nghiệm gì để chẩn đoán cụ thể bệnh nặng hay nhẹ” - thân nhân của bệnh nhi Nguyễn Hoàng nói. 

Giải thích về việc bệnh nhân chỉ được khám lâm sàng sơ qua rồi chẩn đoán bệnh, cho uống thuốc mà không hề lấy mẫu đi xét nghiệm, ông Huỳnh Công Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm vắc-xin sinh phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, nói: “Chừng nào bệnh nhân bị đe dọa tử vong thì lúc đó chúng tôi mới lấy mẫu đi xét nghiệm, còn không nghiêm trọng thì khám lâm sàng và điều trị tại chỗ”. 

Theo kỹ sư Lê Thế Hùng, Trưởng Phòng Xét nghiệm vi sinh thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn xét nghiệm cúm A/H5N1 hay virus bệnh tay chân miệng. Tất cả mẫu bệnh phẩm đều phải chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Thông thường, phải mất từ 4-5 ngày sau mới nhận được kết quả. Chính sự chậm trễ này đã không đáp ứng kịp thời việc xác định chính xác bệnh nên gây ít nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. 

Ảnh hưởng lớn đến phòng, chống bệnh dịch 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Nhi 2 thuộc Trung tâm Sản Nhi Bệnh viện Đà Nẵng, cho rằng tất cả các ca bệnh nghi là tay chân miệng đều được điều trị theo phác đồ chung. Nếu bệnh nhẹ thì việc điều trị dễ dàng nên không thể lấy toàn bộ mẫu bệnh phẩm để đưa đi xét nghiệm vì rất tốn kém. Chỉ những bệnh nhân nặng nghi mắc bệnh tay chân miệng mới được lấy mẫu bệnh phẩm gửi vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm việc chậm trễ trả lời kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống bệnh tay chân miệng. Chẳng hạn, nếu có kết quả xét nghiệm sớm về một bệnh nhi ở trường tiểu học bị tử vong do bệnh tay chân miệng, lập tức sở y tế sẽ yêu cầu trường đó đóng cửa lớp 10 ngày để trung tâm y tế dự phòng phun thuốc khử trùng kịp thời, tránh lây lan bệnh trong nhà trường.

Tuy nhiên hiện nay, Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh miền Trung đều chưa đủ năng lực để xét nghiệm cúm virus A/H5N1 và bệnh tay chân miệng nên phải gửi mẫu bệnh phẩm vào Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả xét nghiệm bao giờ cũng chậm trễ hơn là làm tại chỗ nên ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch. 

Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết hiện Đà Nẵng đang phấn đấu hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện Đà Nẵng để đạt chuẩn xét nghiệm cúm cũng như bệnh tay chân miệng, đáp ứng công tác điều trị, phòng chống bệnh hiệu quả hơn. 

Thiếu trung tâm xét nghiệm vì hệ thống nước thải kém 

Vào tháng 9-2009, tại TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận bùng phát dịch cúm A/H1N1. Lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng đã mời cán bộ của Viện Pasteur Nha Trang ra Đà Nẵng để xem xét cho phép Đà Nẵng được xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cúm A/H1N1. Tuy nhiên, đoàn khảo sát kết luận TP này chưa hội đủ điều kiện để xét nghiệm cúm A/H1N1 do hệ thống xử lý chất thải tại hai labo xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện Đà Nẵng không đạt tiêu chuẩn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.