Quả lừa Madoff ở Nhật

26/02/2012 11:39 GMT+7

Sau xìcăngđan giấu lỗ của Hãng máy ảnh Olympus, thị trường tài chính Nhật tiếp tục rúng động với vụ bê bối lừa đảo hàng tỉ USD “kiểu siêu lừa Bernie Madoff” của Hãng quản lý tài sản AIJ.

Sau xìcăngđan giấu lỗ của Hãng máy ảnh Olympus, thị trường tài chính Nhật tiếp tục rúng động với vụ bê bối lừa đảo hàng tỉ USD “kiểu siêu lừa Bernie Madoff” của Hãng quản lý tài sản AIJ.

Theo nhật báo Nikkei, hôm 24-2 Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật (FSA) đã tạm thời đình chỉ hoạt động của Hãng quản lý tài sản AIJ, có trụ sở tại Tokyo. Nguyên nhân là do 90% số tài sản công ty này quản lý, tương đương 183 tỉ yen (2,3 tỉ USD), đã “bốc hơi” không dấu vết. Ủy ban Giám sát chứng khoán và ngoại hối Nhật (SESC) nghi ngờ AIJ đã tuồn số tiền khổng lồ này vào các tài khoản bí mật tại quần đảo Cayman, một “thiên đường trốn thuế” quốc tế.

Nikkei cho biết AIJ là một công ty quy mô nhỏ, thành lập năm 1989, chỉ có 12 nhân viên, đứng đầu là cựu môi giới chứng khoán Kazuhiko Asakawa. Từ tháng 12-2010 đến trước khi bị đình chỉ hoạt động, AIJ quản lý tổng cộng 210 tỉ yen (2,62 tỉ USD) tài sản, phần lớn là quỹ hưu trí của các công ty Nhật. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức FSA khẳng định quá nửa số tài sản của các khách hàng AIJ đã “biến mất vĩnh viễn”.

Lừa đảo kiểu Madoff

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), phần lớn khách hàng của AIJ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên cũng có một số tập đoàn lớn. Nhiều chuyên gia tài chính Nhật tiết lộ từ nhiều năm qua, AIJ trở nên nổi tiếng trên thị trường tài chính Nhật và được nhiều “đại gia” quản lý tài sản kính nể. Nguyên nhân do các khoản đầu tư của AIJ luôn đem lại mức lợi nhuận cao. Từ năm 2009-2011, AIJ cho biết ba quỹ đầu tư của hãng này mang lại mức lợi nhuận 5-10%/năm bất chấp khủng hoảng kinh tế - tài chính Nhật và toàn cầu.

WSJ dẫn lời chuyên gia Hidekazu Nagamori, giám đốc hãng xếp hạng tín nhiệm Nhật Rating & Investment Information (R&I), cho biết rất ít hãng quản lý tài sản ở Nhật đạt lãi ổn định ba năm liên tiếp trong thời điểm ảm đạm 2009-2011. “Nhiều chuyên gia trong ngành bắt đầu đặt dấu chấm hỏi đối với AIJ - ông Nagamori nói - Họ nghĩ rằng có điều gì đó mờ ám”. Năm 2010, R&I đã gửi một lá thư đến các khách hàng cảnh báo về mức lãi suất “phi tự nhiên” của AIJ. “Chúng tôi cảm thấy cần phải đưa ra lời cảnh báo” - ông Nagamori nhấn mạnh.

Tuy nhiên, FSA khi đó không hề có bất kỳ động thái điều tra nào. Khi đó, giám đốc AIJ Asakawa thậm chí còn lớn tiếng tuyên bố có thể đem lại mức lãi suất lên đến cả trăm phần trăm, qua đó thu hút thêm nhiều khách hàng. Báo Daily Yomiuri cho biết mãi đến tháng 1-2012 FSA mới bắt đầu tiến hành điều tra AIJ. Khi bị nhà chức trách truy vấn, ban lãnh đạo AIJ không thể trả lời được số tiền 2,3 tỉ USD đã biến đi đâu. Tài khoản của hãng tại Nhật trống rỗng.

Một quan chức FSA thừa nhận nếu AIJ đã đem tiền đi giấu ở quần đảo Cayman thì nhà chức trách Nhật rất khó thu hồi. WSJ dẫn lời một số chuyên gia tài chính nhận định chiêu thức lừa đảo của AIJ có nhiều điểm giống với “siêu lừa” Phố Wall Bernie Madoff. Khoản tiền 2,3 tỉ USD không thấm vào đâu so với 17,3 tỉ USD của các nhà đầu tư đã mất vì Madoff. Nhưng AIJ cũng diễn những trò tương tự Madoff: dụ dỗ khách hàng bằng lãi suất cao, liên tục công bố mức lãi cực kỳ ổn định hằng năm bất chấp các diễn biến xấu trên thị trường...

Lời cảnh tỉnh

Theo WSJ, xìcăngđan AIJ cho thấy sự bất lực của các cơ quan giám sát tài chính Nhật. FSA cho biết hằng năm các công ty quản lý tài sản như AIJ phải nộp báo cáo kinh doanh cho SESC. Nếu các chuyên gia SESC phát hiện vấn đề gì bất thường, họ sẽ mở cuộc điều tra. Một số công ty Nhật cũng có thể tự kiểm toán hoạt động kinh doanh của chính mình nhưng AIJ thì không làm như vậy. Giới chuyên gia cho biết trên thực tế một công ty lừa đảo ở Nhật đen đủi lắm mới bị SESC tóm cổ.

Mỗi năm SESC chỉ điều tra khoảng 15 hãng quản lý tài sản, mà ở Nhật có tới 299 công ty quản lý tài sản lớn nhỏ. Khả năng bị điều tra chỉ là 1/20. Dù ở Nhật chưa có vụ lừa đảo tầm cỡ “khủng” như quả bom Bernie Madoff, nhưng hàng loạt xìcăngđan lừa đảo quy mô lớn đã liên tiếp xảy ra. Trước AIJ, hoành tráng nhất là vụ doanh nhân Kazutsugi Nami lừa đảo 37.000 người với cam kết đem lại lãi suất hằng năm 36%, đút túi khoảng 2 tỉ USD. Hắn bị bắt năm 2009.

“Vụ bê bối Olympus vẫn đang diễn ra và giờ là xìcăngđan AIJ là những dấu hiệu cho thấy các nhà quản lý tài chính ở Nhật đang bất lực trong việc giám sát thị trường tài chính và bảo vệ các nhà đầu tư” - WSJ nhận định. Mới đây Daily Yomiuri đưa tin SESC sẽ kiểm toán toàn bộ 263 hãng quản lý tài sản có các danh mục đầu tư kiểu như AIJ. Bộ trưởng Dịch vụ tài chính Shozaburo Jimi nhấn mạnh nhà chức trách Nhật sẽ ngăn chặn các vụ lừa đảo tương tự và bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.