Nam giới vẫn sợ loãng xương

25/02/2012 18:43 GMT+7

(TNO) Nói đến loãng xương người ta thường chỉ nhắc nhở nữ giới. Đây là sự ngộ nhận tai hại với đấng mày râu vì các ông quên rằng mình tiếp cận với các yếu tố nguy cơ gây loãng xương nhiều hơn nữ và mắc bệnh rồi thì cũng nguy hiểm hơn nữ.

(TNO) Nói đến loãng xương người ta thường chỉ nhắc nhở nữ giới. Đây là sự ngộ nhận tai hại với đấng mày râu vì các ông quên rằng mình tiếp cận với các yếu tố nguy cơ gây loãng xương nhiều hơn nữ và mắc bệnh rồi thì cũng nguy hiểm hơn nữ.

“Kẻ cắp” xương thầm lặng

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, cho biết: Khi có tuổi các tế bào xương bị lão hóa, các hormone sinh dục giảm thấp, việc hấp thụ canxi và vitamin D bị sút giảm là những yếu tố dẫn đến bệnh loãng xương.

 
Từ 65 tuổi, nam giới cũng bị mất xương nhanh như nữ - Ảnh: ShutterStock

“Mặc dù nam giới thường có mật độ xương cao hơn nữ giới và tỷ lệ mất xương thấp hơn nữ giới nhưng nam giới tiếp cận với các yếu tố nguy cơ gây loãng xương nhiều hơn nữ giới. Đồng thời, hậu quả gãy xương do loãng xương ở nam giới lại nghiêm trọng hơn ở nữ giới”, bác sĩ Thư đánh giá.

Tình trạng loãng xương càng nặng nề nếu ở tuổi trưởng thành khối lượng xương không đạt đỉnh vì cơ thể không có lượng xương dự trữ để dùng khi cao tuổi.

Vì vậy, nam giới gầy gò hoặc nhỏ bé có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những nam giới bình thường.

Mặt khác, các nghiên cứu khoa học cho thấy rượu và thuốc lá “đánh cắp” xương của đấng mày râu nhiều nhất.

Do rượu làm giảm tiến trình tạo xương và hấp thụ caxi của cơ thể nên nam giới uống nhiều rượu có khả năng bị loãng xương rất cao.

Nam giới hút thuốc lá nhiều cũng có nguy cơ gãy xương cột sống và cổ xương đùi tăng 32 - 40% so với các nam giới không hút thuốc lá.


Thuốc lá là một trong những kẻ “đánh cắp” xương của đấng mày râu nhiều nhất - Ảnh: ShutterStock

Từ 65 tuổi, nam giới cũng bị mất xương nhanh như nữ. Đến khoảng 75 tuổi, tỷ lệ nam giới bị loãng xương tiến tới ngang với nữ giới (1/3 nam, nữ giới bị loãng xương).

Nguy hiểm hơn, khoảng 30% phái mạnh chết trong vòng 1 năm sau khi bị gãy xương ở vùng hông do loãng xương. Trong khi tỷ lệ này ở phái yếu chỉ chiếm khoảng 12%.

“Bệnh loãng xương diễn tiến rất thầm lặng (đối với nam lẫn nữ). Khi có dấu hiệu lâm sàng, thường cũng là lúc đã có biến chứng và bệnh nhân đã mất tới 30% khối lượng xương", bác sĩ Thư khuyến cáo.

Phòng bệnh loãng xương

Bác sĩ Thư cho biết các biểu hiện phải nghĩ ngay đến bệnh loãng xương là: đau mỏi mơ hồ cột sống; đau dọc các xương dài, đặc biệt là xương cẳng chân; đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút các cơ; đau khi ngồi lâu; đầy bụng chậm tiêu; nặng ngực khó thở; giảm chiều cao.

 
Nam giới nên tăng cường vận động lúc trẻ để ngừa loãng xương khi có tuổi - Ảnh: ShutterStock

Các biện pháp phòng ngừa bệnh loãng xương bao gồm:

- Tăng cường vận động: Nam giới nên tập tạ ít nhất 3 lần/tuần. Ngoài ra, chạy/đi bộ, khiêu vũ, quần vợt đều tốt cho việc tạo canxi dự trữ.

- Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D. Đặc biệt, nam giới dưới 65 tuổi cần ít nhất 1.000mg canxi mỗi ngày; trên 65 tuổi, cần ít nhất 1.500mg canxi mỗi ngày.

- Hạn chế bia rượu, thuốc lá

- Tránh té ngã.

Bác sĩ Thư cho biết, tại VN, hiện có khoảng 2,8 triệu người bị loãng xương (nữ chiếm 76%). Trong đó, khoảng 170.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương.

Chỉ tính chi phí nằm viện điều trị các biến chứng, loãng xương trở thành một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất.

Nguyên Mi

>> Thể dục sớm ít bị loãng xương
>> Tập thể dục ở độ tuổi 20 giảm rủi ro loãng xương
>> Xác định “thủ phạm” gây ung thư tủy xương
>> Củng cố xương ở phụ nữ tiền mãn kinh
>> Kéo dài chiều cao
>> Hội thảo về bệnh đái tháo đường và loãng xương
>> Phòng ngừa nguy cơ loãng xương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.