“Siết” mũ bảo hiểm rởm

22/02/2012 08:02 GMT+7

Trong khi một chiếc mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn giá từ 150.000 đồng trở lên thì “mũ bảo hiểm thời trang” bày bán ở các vỉa hè chỉ từ vài chục nghìn đồng.

Tại Hà Nội, mũ bảo hiểm rởm nhưng có kiểu dáng thời trang được bày bán ở khắp nơi. Chỉ cần 25.000 đồng là có thể mua được một chiếc để đối phó với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Đây là các loại mũ bằng nhựa, có quai đeo, hình dạng giống mũ lưỡi trai nên thường được gọi là mũ bảo hiểm thời trang. Các loại mũ này được ưa thích do nhẹ, rẻ nên có thể thay đổi thường xuyên.

Cũng do thị hiếu của người tiêu dùng, ngày càng có nhiều điểm bán mũ bảo hiểm rởm mọc lên khắp nơi. Tại phố Khâm Thiên, gần đường tàu có đến 4 hàng mũ. Chị B, một người bán mũ bảo hiểm lưỡi trai cho biết: “Đây không phải là mũ bảo hiểm mà chỉ là mũ thời trang. Người ta mua thì tôi bán, còn theo tiêu chuẩn nào thì chúng tôi không biết”. Người này cho biết thêm, khách hàng ngoài giới trẻ còn có người lớn tuổi thuộc đủ thành phần, mỗi ngày bán được khoảng chục cái mũ.

 
Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn bày bán khắp nơi - Ảnh: Ngọc Thắng

Quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy có từ năm 2008 nhưng nay vẫn chưa có quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Cũng chưa có quy định cấm sản xuất, bày bán các loại mũ giống mũ bảo hiểm nên mũ bảo hiểm rởm được bày bán tràn lan mà không bị xử lý. Tuy nhiên, một thông tư đang được soạn thảo để quản lý chặt hơn việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trong thời gian tới.

Theo dự thảo, mũ đạt chuẩn phải được dán tem CR theo đúng quy chuẩn Việt Nam 2 (QCVN 2) và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

Ngoài ra, mũ bảo hiểm phải có hình dáng theo quy chuẩn hàng hóa đã được Bộ Khoa học - Công nghệ quy định và phải đủ 3 lớp: lớp nhựa cứng ngoài cùng, lớp xốp và lớp mút hấp thụ xung động, quai đeo.

Dự thảo cũng đưa ra những quy định về việc xử phạt người bán mũ bảo hiểm không hợp chuẩn, không dán tem CR.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp chuẩn hợp quy, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ) cho biết: “Dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến của các bộ liên quan. Nếu được triển khai, sẽ có các Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tham gia”.

Mặt khác, “đối tượng chính để xử phạt là nhà sản xuất và kinh doanh, còn việc xử phạt người tiêu dùng chỉ là một khía cạnh nhỏ của Thông tư này. Chúng tôi đưa người tiêu dùng vào đối tượng xử phạt để họ nâng cao ý thức về việc sử dụng các sản phẩm chất lượng, đặc biệt là MBH để bảo vệ an toàn cho mình khi tham gia giao thông”, ông Linh cho biết.

Dự thảo này không chỉ hướng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy, kể cả xe đạp điện nếu đội các loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm, mũ không đảm bảo chất lượng hoặc không đội được quy định tại Nghị định 34/CP về xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.

Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng nhiều ý kiến cho rằng rất khó để nhận dạng được mũ nào thật, mũ nào giả. Do vậy, nếu xử phạt việc đội mũ dán tem CR giả thì… oan  cho người tiêu dùng. Anh Nguyễn Văn Mạnh (Hà Nội) cho biết: “Mũ kém chất lượng thì ở đâu cũng có, còn mũ đạt tiêu chuẩn thì rất khó. Ngoài ra, nếu cửa hàng bảo mũ của họ đạt chuẩn, có dán tem thì mình cũng không biết tem đó thật hay giả”.

Phi Loan

>> Vui xuân "quên" mũ bảo hiểm
>> Giết người bằng mũ bảo hiểm
>> Văn hóa giao thông trong trường học
>> Vợ sính hàng hiệu... dỏm  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.