Sớm xóa bỏ những đường ngang chết người

06/02/2012 03:30 GMT+7

Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành đường sắt và chính quyền địa phương để xóa bỏ những đường dân sinh băng ngang qua đường sắt, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành đường sắt và chính quyền địa phương để xóa bỏ những đường dân sinh băng ngang qua đường sắt, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 5.2 đăng bài Tai nạn đường sắt liên tục gia tăng: Những đường ngang chết người.

Quá nguy hiểm

Cứ 100m đường sắt lại có một đường băng ngang thì quả là nguy hiểm, như vậy thì làm sao tàu lửa có thể chạy một cách an toàn được. Có lẽ chỉ có đường sắt ở VN mới như thế. Hiện tại, bất cập là ở chỗ ngành đường sắt chỉ lo an toàn trên tuyến đường sắt, còn đường bộ lại không do ngành đường sắt quản lý, do vậy mới có việc mở đường bộ dân sinh tràn lan, ngành đường sắt cũng biết là mất an toàn nhưng bất lực nếu như không có sự phối hợp với những ngành khác, với địa phương.

Vì vậy, ngoài ngành đường sắt ra, các ngành khác, đặc biệt là chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng mở đường băng ngang một cách vô tội vạ như thế. Về lâu dài, ngành đường sắt cũng nên có quy hoạch tổng thể như mở đường né các khu dân cư, hoặc làm hầm chui, cầu vượt tại các giao lộ… mới hy vọng có thể giảm được tai nạn đường sắt.

Nguyễn Hoàng (Hóc Môn, TP.HCM)

Chính quyền không thể thờ ơ

Dù rằng đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của Tổng công ty đường sắt VN, nhưng nó băng ngang qua từng địa phương thì chính quyền địa phương cũng không thể thờ ơ được. Hơn nữa, việc để người dân tự ý mở đường dân sinh băng ngang qua đường sắt, xây dựng vi phạm hành lan an toàn… ngay tại địa phương nào thì chính quyền địa phương đó cũng phải có trách nhiệm.

Nguyễn Đức Dũng (Q.3, TP.HCM)

Cần quy định cụ thể

Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục Đường sắt VN, trên thực tế sự phối hợp giữa ngành đường sắt với các ban ngành khác, chính quyền địa phương còn có độ vênh do chênh lệch về mục tiêu… Theo tôi, nguyên nhân vẫn là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng. Vì vậy, Chính phủ cần phải có những quy định cụ thể, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông ở từng địa phương. Trần Ngọc Khánh (Phủ Lý, Hà Nam)

Bẫy do người tạo ra

Đúng là thời gian gần đây có rất nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến đường sắt mà chủ yếu là tại những đường dân sinh do người dân tự mở. Những con đường ngang như thế đều bị che khuất tầm nhìn, khiến người chạy xe băng ngang qua không thể quan sát hết được, đến khi chạy tới gần mới phát hiện tàu lửa, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, khi người dân tự ý mở đường dân sinh băng ngang thì đầu tiên chính quyền địa phương phải có sự can thiệp nhằm đảm bảo an toàn cho người qua lại.

Nếu xét thấy việc mở con đường đó là cần thiết thì phải cùng với ngành đường sắt thiết lập những thiết bị đảm bảo an toàn tại các giao lộ này, không nên để tình trạng mở tràn lan các đường băng ngang như hiện tại rất nguy hiểm.

Thái Văn Vũ (Q.Tân Phú, TP.HCM) 

Hải Nam
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.