Những đường ngang chết người

05/02/2012 03:40 GMT+7

Hàng loạt vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra trong vài ngày qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về an toàn đường sắt.

Bẫy tử thần

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn Tổng công ty (TCT) đường sắt VN, cho biết theo số liệu năm 2011, 77% tai nạn đường sắt (TNĐS) xảy ra tại các đường ngang. Nếu chỉ tính TNĐS tại đường ngang, thì riêng đường ngang dân sinh (đường do dân tự mở băng qua đường sắt) đã chiếm xấp xỉ 90%.

 
Tàu lửa tông ô tô tại Quảng Ngãi khiến 4 người chết, 3 người bị thương vào trưa 1.2 - Ảnh: Hiển Cừ

Tính bình quân hiện nay, cứ 400m đường sắt có 1 đường ngang, riêng tại các điểm nóng như Hà Nội, Hà Nam cứ 100m đường sắt có 1 đường ngang. Tính riêng Hà Nội, chỉ 15 km đường sắt bắc - nam từ ga Hà Nội - Thanh Trì đã có 273 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, đây cũng là điểm đen khi xảy ra hàng chục vụ tai nạn gây chết người mỗi năm. Ngay cả trong số hơn 1.400 đường ngang hợp pháp hiện nay trên cả nước, có tới 86% không đủ điều kiện an toàn như tầm nhìn hạn chế, độ dốc của đường bộ trên đường ngang vượt quá quy định, đặc biệt đường ngang tại các khu dân cư mà đường bộ nằm kề đường sắt…

Hơn 600 người thương vong

Thượng tá Trần Sơn - Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra và xử lý vi phạm, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), Bộ Công an - cho biết có tới 95% vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các khu vực đường ngang và thường là đường dân sinh không có gác. Cũng theo thống kê của C67, phần lớn tai nạn đường sắt xảy ra trên đoạn đường từ Hà Nam về Hà  Nội, nơi có nhiều đường ngang dân sinh. Năm 2011, cả nước xảy ra 524 vụ tai nạn giao thông đường sắt khiến 263 người chết và 350 người bị thương; trong đó, có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng và 231 vụ nghiêm trọng.

Thái Sơn

Dẫn lại vụ tai nạn đau lòng làm chết 3 người tại Hà Nam ngày 3.2, ông Bình cho biết nguyên nhân tai nạn một phần do từ Km 58 đến Km 72 của tỉnh Hà Nam chưa có hàng rào hộ lan ngăn giữa đường bộ, đường sắt (chỉ cách nhau 1m), dẫn tới nguy hiểm cho người đi trên đường bộ. Do không có hàng rào ngăn, các ô tô khách thường xuyên dừng lại cho khách đi vệ sinh, hậu quả vụ tai nạn vừa qua cũng do nguyên nhân này.

Năm 2011, chỉ riêng điểm đen này đã xảy ra 9 vụ, làm chết 5 người, bị thương 9 người. “Cả nước có trên 300 km đường rào hộ lan cần xây dựng, riêng ngành đường sắt được giao 53 km đã làm xong, còn lại vẫn chưa làm được do vướng mắc nhiều vấn đề, đặc biệt từ phía các địa phương. Không làm hàng rào hộ lan ngày nào nguy hiểm ngày đó, khi đi kiểm tra điểm đen tại Hà Nam, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều pha ô tô “nhảy” vào đường sắt”, ông Bình cho hay.

Địa phương buông tay?

Việc nhiều chính quyền địa phương “buông tay” mặc cho ngành đường sắt xoay xở trong bài toán đường ngang dân sinh là nguyên nhân gián tiếp của tình trạng tai nạn diễn ra liên tục tại các điểm đen này. Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục Đường sắt VN, trên thực tế, sự phối hợp giữa ngành đường sắt và Ban An toàn giao thông cũng như chính quyền địa phương vẫn có độ vênh do chênh lệch mục tiêu giữa hai phía, dẫn tới nhiều địa phương làm ngơ, không xử lý với việc mở đường ngang dân sinh, xây dựng nhà cửa, công trình dọc hai bên vi phạm hành lang an toàn đường sắt (đôi khi chính địa phương lại là chủ đầu tư các công trình này).

Tại “điểm đen” đường sắt đoạn qua Ngọc Hồi, Thường Tín (Hà Nội), ngành đường sắt đã làm hàng rào để ngăn người dân tự ý băng qua đường sắt, nhưng các gia đình dọc tuyến đường này lại cưa hàng rào làm thành cửa sắt, khi nào cần đi thì mở ra, sau đó đóng lại nhưng không hề bị địa phương xử lý.

Dù đã có Nghị định 44 của Chính phủ, nhưng chưa có trường hợp người dân nào tự ý mở đường ngang bất hợp pháp bị chủ tịch UBND các thành phố, huyện xử phạt hành chính. “Muốn chấm dứt tai nạn thì phải xóa bỏ đường ngang dân sinh. Nghị quyết 88 của Chính phủ đã yêu cầu ủy ban các địa phương phải xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép, nếu không xóa bỏ được phải tổ chức cảnh giới. Nhưng tới cuối năm 2011 đầu 2012, các địa phương chỉ mới tổ chức cảnh giới được 15 đường ngang dân sinh trên 4.800 đường ngang bất hợp pháp của cả nước”, ông Bình nói.

 
Trẻ em trên đường sắt đoạn qua xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội khi một đoàn tàu sắp lao tới - Ảnh L.Q.P

Trách nhiệm ngành đường sắt

Trên thực tế, những điểm đen tai nạn liên quan tới đường ngang dân sinh, không có rào ngăn đường bộ đường sắt… đã được bản thân ngành đường sắt chỉ ra trong mọi báo cáo tổng kết, nhưng vẫn chưa giải quyết được là bao. Mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm, thậm chí là cách chức chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố - trưởng ban ATGT nếu để xảy ra TNGT liên tiếp. Vậy, TCT đường sắt VN chịu trách nhiệm gì khi nhiều năm qua chậm chạp giải quyết các điểm đen tai nạn?

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng TCT đường sắt VN chỉ là một doanh nghiệp, dù muốn giải quyết nhưng nếu chính quyền địa phương và người dân không ủng hộ thì cũng đành chịu thua.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Doanh, về nguyên tắc, hệ thống hạ tầng đường sắt nhà nước đã giao cho TCT đường sắt VN chịu trách nhiệm. Đơn vị này phải chịu trách nhiệm đầu tiên về việc kiểm soát trạng thái an toàn của thiết bị, các yếu tố mất an toàn tại các điểm giao cắt...  

Tai nạn liên tiếp, nhiều người chết

Trưa 4.2, tàu lửa SE2 do đầu máy 013 kéo theo 14 toa lưu thông trên đường sắt Thống Nhất hướng từ TP.HCM đi Hà Nội, đến Km 796 + 850 khu gian Lệ Trạch - Thanh Khê, đoạn qua đường Trường Chinh, tổ 16, P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, lái tàu Phạm Huy Phong và phụ lái Trần Minh Khương phát hiện hai thanh niên chở nhau trên xe gắn máy đang băng qua đường ngang dân sinh và mải mê nói chuyện. Tàu SE2 liên tục kéo còi cảnh báo và hãm phanh nhưng do cự ly quá gần, đầu máy 013 đã đâm ngang xe gắn máy biển số 43S7-4052 khiến Phạm Văn Hoàng, 21 tuổi, trú P.Nam Dương tử vong, Đoàn Ngọc Phú, 24 tuổi, trú P.Hải Châu 2, cùng Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng bị thương nặng. Đây là đường ngang dân sinh thường xuyên xảy ra tai nạn đường sắt chết người.

Sáng cùng ngày, anh Cao Xuân Thành (42 tuổi) ở P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) điều khiển xe tải biển số 79C-004.43, băng ngang tuyến đường sắt đoạn đi qua thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang thì bị tàu SE10 chạy hướng nam - bắc đâm vào. Vụ tai nạn làm anh Thành tử vong, xe tải bị đứt làm đôi. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn là đoạn đường dân sinh nên không có gác chắn và đèn tín hiệu. 

Ông Phan Văn Tuyên, Phó giám đốc Công ty quản lý đường sắt Phú Khánh, cho biết: “Trên tuyến đường sắt dài 283 km, từ Bình Định đến Khánh Hòa do đơn vị quản lý, có 146 đường ngang hợp pháp (có hệ thống gác chắn, đèn báo tự động, biển báo) và trên 350 vị trí đường ngang dân sinh. Chỉ trong hai năm 2010 và 2011, có 61 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 48 người và bị thương 19 người. Hầu hết các vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở các đường ngang dân sinh.

Liên quan đến vụ tàu TN3 tông ô tô 7 chỗ ngồi 52P-4310 và kéo lê trên đoạn đường ray dài hơn 200m khiến 4 người chết, 3 người bị thương xảy ra vào trưa 1.2 tại đoạn giao nhau giữa đường sắt với tỉnh lộ 628 (đoạn qua xã Nghĩa Phương, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Huỳnh Ngọc Phương - Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an Quảng Ngãi, cho biết nguyên nhân là do tài xế Lê Thanh Hà (44 tuổi) khi điều khiển ô tô băng qua đường sắt đã không quan sát mà còn cố nhấn ga vượt ẩu, dù lúc đó đèn tín hiệu cảnh báo tự động vẫn hoạt động tốt.

Trưa 3.2, tại Km 69 đường sắt bắc - nam thuộc địa phận tiểu khu Bình Giang, thị trấn Bình Mỹ, H.Bình Lục (Hà Nam), tàu khách số hiệu SE 13 đã tông chết 3 người trong đoàn đi đón dâu từ tỉnh Bắc Giang về tỉnh Thái Bình. Những người này đã dừng xe để đi vệ sinh ở bên kia đường tàu. Sau khi vệ sinh xong, các nạn nhân sang đường thì bị tàu tông phải. Vào khoảng 4 giờ 20 phút cùng ngày, tại ga Bắc Hồng (xã Bắc Hồng, H.Đông Anh, Hà Nội), xe ô tô 16 chỗ do tài xế Nguyễn Văn Thái (trú ở tổ 7, thị trấn Đông Anh, Hà Nội) va chạm với tàu SD4 664 đi từ Lào Cai về Hà Nội. Vụ tai nạn khiến tài xế ô tô chết ngay tại chỗ, 5 người khác ngồi trên xe bị thương nặng.

Thanh Niên

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.