Cúm đang là mối nguy

30/01/2012 09:32 GMT+7

Hơn 1 triệu người Nhật nhiễm cúm theo mùa trong một tuần. Đây là thông điệp vừa phát đi từ Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID), ngày 27-1.

Cũng theo NIID, số người nhiễm cúm đã vượt quá mức cảnh báo tại 11 tỉnh của nước này và nhiều khả năng tăng nhanh trong nửa đầu tháng 2-2012. Vấn đề đáng quan ngại nữa là 1/2 trong số người đã nhiễm cúm tại Nhật Bản là trẻ em ở độ tuổi 5-14; bệnh nhân trên 60 tuổi, sức đề kháng kém cũng tăng 8%, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin từ Nhật Bản khiến chúng ta phải lưu tâm vì đây cũng là thời điểm mà hằng năm dịch cúm hoành hành ở nước ta. Đó là mới nói đến cúm mùa hay có thể gọi là cúm thông thường, chứ chưa nói đến khả năng xuất hiện của những loại dịch cúm mới. Quan ngại này hoàn toàn có cơ sở vì ngay trước khi bước sang năm mới 2012, chính Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi các viện vệ sinh dịch tễ và các viện Pasteur về việc chủ động phòng chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan ở nước ta.

Yêu cầu được đưa ra sau khi có thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ cho biết đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm chủng virus cúm được xác định là tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 - đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ heo.

Giải pháp mà Cục Y tế dự phòng đưa ra là yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ và các viện Pasteur tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt hoặc có hội chứng cúm đến từ khu vực có dịch; tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm, các ca viêm phổi nặng nghi do virus cúm.

TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết hằng ngày, các điểm giám sát cúm quốc gia vẫn tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân có hội chứng cúm để xét nghiệm nhằm xác định các chủng virus cúm đang lưu hành; xem xét các biến đổi của virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong nước chưa khẳng định có sự biến đổi của chủng virus cúm đại dịch A/H1N1 thành một chủng virus mới.

Đấy là những cơ sở để chúng ta tạm yên tâm. Tuy nhiên, đừng vì thế mà mất cảnh giác. Bởi mới đây, các chuyên gia về cúm của Tổ chức Y tế Thế giới đã bày tỏ quan ngại cúm gia cầm đang tăng trở lại tại khu vực châu Á. Trong tháng 1 này, virus cúm H5N1 đã gây ra 2 ca tử vong tại Trung Quốc, một ca ở Campuchia. Ở nước ta, sau trường hợp tử vong vì cúm gia cầm cuối cùng hồi tháng 4-2010, mới đây, cũng đã có thêm một ca tử vong vì cúm gia cầm tại TP Cần Thơ.

Cúm thông thường, cúm gia cầm hay cúm vì các chủng virus mới kết hợp đều phải cảnh giác vì một khi đã phát dịch thì hậu quả thật khó lường. Và với cúm nào đi nữa thì việc giữ gìn vệ sinh, bảo đảm sức đề kháng của cơ thể, làm việc và nghỉ ngơi điều độ cũng đều là những biện pháp tối thiểu, đơn giản mà hiệu quả trong việc giúp chúng ta phòng ngừa.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.