Sự kỳ lạ của ngành than

30/01/2012 01:43 GMT+7

Những núi than bị san phẳng, những kỷ lục về độ sâu khai thác liên tục bị phá vỡ, cho thấy nguồn than đang ngày càng cạn kiệt. Nhưng bất chấp những điều này, than vẫn bị xuất đi.

Chỉ tay vào khai trường đồi 436 của Công ty CP than Cao Sơn (thuộc Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN - Vinacomin), anh Nguyễn Khánh Hoàn, Phó chánh văn phòng công ty, cho biết đồi than lộ thiên này khai thác từ những năm 80 của thế kỷ trước. Dù cao tới 436m, nhưng đồi than này đang bị “lùn” dần, hiện tại chỉ còn dưới 300m. “Với tốc độ này, 10 năm nữa sẽ không còn đồi 436 nữa”, anh Hoàn cho hay.

 
Những đồi than đang mất đi theo tốc độ xuất khẩu than hiện nay (ảnh chụp khai trường đồi 436 Công ty CP than Cao Sơn) - Ảnh M.Hà

Phá vỡ kỷ lục đào sâu

Với chủ trương giảm khai thác lộ thiên nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường, cộng thêm việc nguồn than lộ thiên đã dần cạn, không chỉ các công ty than chuyên khai thác hầm lò, mà ngay cả với các công ty trước đây chỉ khai thác lộ thiên cũng đang phải triển khai các dự án đào sâu hơn nữa vào lòng đất để tìm than. Đó là lý do giếng đứng Mông Dương ở độ sâu -250m từng là kỷ lục của ngành than bị phá vỡ bởi hàng loạt dự án của các công ty than khác, dù việc tiếp tục tiến sâu vào lòng đất không hề dễ dàng.

 Sau năm 2030, bể than Quảng Ninh cũng chỉ tồn tại thêm tối đa được 8 năm nữa trước khi đóng cửa. Các mỏ than mới ở vùng Đông Bắc có thể “thọ” lâu hơn nhưng cũng chỉ tới năm 2055

TS Nguyễn Thành Sơn, Tổng giám đốc Công ty năng lượng sông Hồng

Anh Bùi Xuân May, Phó giám đốc Công ty than Khe Chàm, cho biết mỏ Khe Chàm 1 đang khai thác ở độ sâu -225m. Mỏ than Khe Chàm 3 đào xuống độ sâu -300m được triển khai từ năm 2006 với kế hoạch ra lò tấn than đầu tiên vào năm 2010 đã không thực hiện được, do những khó khăn về địa chất ở khu vực này. Mỏ Khe Chàm 2 - 4 cũng đang được đầu tư, với hầm lò giếng giai đoạn 1 đã đạt tới mức -500m, giai đoạn sau sẽ từ tầng lò giếng dưới -500m đến đáy tầng than -1.260m (ở một số cụm vỉa).

Cọc Sáu, Đèo Nai - những khai trường lộ thiên cũng đang gấp rút đầu tư khai thác dưới moong sâu do than lộ thiên đang dần cạn. Than Cọc Sáu năm 2010 đã phải hạ moong ở mức -90m và có kế hoạch tiến tới xuống mức -375m vào năm 2015 khi kết thúc đời mỏ. Mỏ lộ thiên Cao Sơn cũng sẽ đầu tư khai thác ở độ sâu -150m. Đến năm 2017, Công ty than Núi Béo cũng phải dừng khai thác than lộ thiên và chuyển sang khai thác than hầm lò, với cặp giếng được đào từ khai trường đang khai thác hiện nay (độ cao từ +35m) xuống -410m.

Theo quy hoạch chung phát triển ngành than, tới năm 2015 Vinacomin sẽ phải chấm dứt khai thác than lộ thiên tại khu vực Hòn Gai (Quảng Ninh). Từ sau năm 2015, mục tiêu đặt ra là vùng than Quảng Ninh phải đáp ứng sản lượng 65 - 80 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hầm lò chiếm tới 90 - 95%. Tuy nhiên, dự kiến mỏ Khe Chàm 3 với công suất 2,5 triệu tấn/năm cũng phải tới cuối năm 2014, đầu năm 2015 mới ra than, Khe Chàm 2 và 4 công suất 3,5 triệu tấn đến năm 2017 mới có sản phẩm.

Thiếu vẫn xuất

Theo số liệu công bố giữa năm 2011 của Vinacomin, năm 2015 tập đoàn này có thể sản xuất được 55 - 60 triệu tấn than, lượng than thiếu cần phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn, năm 2016 thiếu 25 triệu tấn. Năm 2020, sản xuất trong nước dự kiến đạt 67 - 72 triệu tấn và cần phải nhập khẩu để bù đắp lên tới 66 triệu tấn. Còn theo số liệu mới nhất tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Vinacomin, con số phải nhập khẩu từ năm 2015 là 10 triệu tấn.

TS Nguyễn Thành Sơn, Tổng giám đốc Công ty năng lượng sông Hồng, từng cảnh báo: “Sau năm 2030, bể than Quảng Ninh cũng chỉ tồn tại thêm tối đa được 8 năm nữa trước khi đóng cửa. Các mỏ than mới ở vùng Đông Bắc có thể “thọ” lâu hơn nhưng cũng chỉ tới năm 2055. Trong khi đó, các mỏ than mới ở đồng bằng sông Hồng dù có dự báo trữ lượng rất lớn nhưng rất khó khai thác”.

Thế nhưng, những con số hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tấn phải nhập khẩu trong tương lai không xa và những khó khăn trong khai thác do trữ lượng dần cạn đang tương phản một cách kỳ lạ với sản lượng than xuất khẩu của Vinacomin những năm qua và các năm sắp tới. Cụ thể, năm 2006, Vinacomin xuất khẩu 21,5 triệu tấn trong khi tiêu thụ trong nước chỉ là 16 triệu tấn. Năm 2007 chênh lệch xuất khẩu - tiêu thụ trong nước vẫn giữ ở mức cao, xuất 24,1 triệu tấn so với 17,5 triệu tấn dùng trong nước. Tỷ lệ chênh lệch đó dù có giảm, nhưng năm 2011 than xuất khẩu vẫn lên tới 16,9 triệu tấn so với than dùng trong nước khoảng 28 triệu tấn. Năm 2012, con số dự kiến là tiêu thụ trong nước 32 triệu tấn và xuất khẩu 13,5 triệu tấn.

Cần quyết sách cứng rắn

Lãnh đạo tập đoàn than nhiều lần lý giải, chỉ “xuất khẩu than xấu và những loại than tốt trong nước không có nhu cầu tiêu thụ” và giá bán than cho điện đang quá thấp, trong khi ngành than cần nhu cầu vốn lớn để tái đầu tư. Thế nhưng, trước thực tế an ninh năng lượng mới của VN hiện nay, cần những quyết sách cứng rắn để bảo vệ tài nguyên than đang cạn kiệt.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.