Cuộc viễn chinh tìm rồng Tây phương

22/01/2012 10:59 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Nếu người phương Đông khá thống nhất về rồng thì ở phương Tây, loài vật huyền thoại này gây nhiều tranh cãi và không ít người cố công tìm kiếm sự tồn tại của chúng trên thực tế.

(TN Xuân Nhâm Thìn) Nếu người phương Đông khá thống nhất về rồng thì ở phương Tây, loài vật huyền thoại này gây nhiều tranh cãi và không ít người cố công tìm kiếm sự tồn tại của chúng trên thực tế.

Con vật ranh ma

Nếu con rồng Đông phương tượng trưng cho quyền lực vô song, điềm lành, sự cao quý, họ hàng nhà rồng phương Tây lại bị xua đuổi, khinh rẻ, bởi lòng tham vô đáy, sự quỷ quyệt, độc ác và thói khát máu.

Bắt nguồn từ truyền thuyết Hy Lạp, con rồng “Tây” được miêu tả như một sinh vật thuộc loại bò sát cực lớn với móng vuốt khổng lồ, cặp cánh giống dơi, và đôi khi có nhiều đầu, trên đầu mọc sừng. Theo truyền thuyết, loài rồng là sự kết hợp 4 yếu tố cơ bản của vũ trụ, gồm khả năng bay lượn (tức không khí), thở ra lửa hoặc phun băng, bơi lội (nước) và sống trong động hoặc dưới hang sâu (đất). Chúng sống hết sức cô đơn, cực kỳ ranh ma và có tầm nhìn tuyệt hảo.

Đó là chưa kể khả năng thông thạo… mọi thứ tiếng! Tại sao truyền thuyết lại bắt đầu bằng những miêu tả như vậy? Chẳng ai có thể giải thích được, nhưng có người cho rằng chẳng phải tự nhiên mà con rồng phương Tây lại mang quá nhiều đặc điểm của loài bò sát, vì có thể người tạo ra chúng dựa trên những đặc điểm của sinh vật sống. Một số phần xương mà người ta cho là thuộc về rồng có thể là của một loài khác, chẳng hạn như khủng long hoặc những loài động vật có vú đã tuyệt chủng. Thậm chí một số người còn khăng khăng cho rằng rồng thời Trung cổ thực chất là những con khủng long sống sót được đến thời đó. Tuy nhiên, suy luận này không được các nhà khoa học có uy tín ủng hộ.

Không như cách người phương Đông sùng bái và kính ngưỡng rồng như một thế lực siêu nhiên, các học giả phương Tây từ lâu đã lên đường săn tìm loài vật thường chỉ xuất hiện trong các câu chuyện về người hùng. Vì luôn xếp loài rồng vào dạng hung ác và thực tế, những nhà khoa học có đầu óc thực tiễn chẳng gì phải e ngại khi theo đuổi dấu vết của sinh vật độc nhất vô nhị này.

 
Muốn thành anh hùng thời xưa thì cách chắc ăn nhất là tìm diệt một con rồng - Ảnh: Flickr

Rắn, mèo và chim

Từ rồng trong tiếng Anh, tức dragon, đã xuất hiện vào thế kỷ thứ 13, với gốc La tinh là draconem, có nghĩa “một con rắn khổng lồ”. Và từ này bắt nguồn từ người Hy Lạp, gọi drakon là “con rắn, con cá biển vĩ đại”. Như vậy, thuật ngữ Hy Lạp và La tinh đều gọi bất cứ con rắn khổng lồ nào là rồng, chứ không phải chỉ dành riêng để chỉ các sinh vật truyền thuyết, và cách sử dụng đó tồn tại trong vốn từ vựng tiếng Anh cho đến thế kỷ 18.

Trong nỗ lực giải thích tại sao người xưa lại vẽ nên hình tượng rồng khá kỳ quặc như vậy, những người theo chuyên ngành “rồng học” bắt đầu nghĩ đến những con vật có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho phiên bản đầu tiên của rồng. Một trong những giả thuyết chỉ về phía cá sấu sông Nile, đôi khi xuất hiện tại miền nam châu u vào thời xa xưa, dù nghĩ tới nghĩ lui cũng chẳng hiểu làm sao cá sấu lại có thể hóa rồng được. Những bộ xương chết rũ của cá voi, cũng như khủng long và những hóa thạch của một số động vật có vú trong một số trường hợp bị tưởng nhầm là xương rồng, ví dụ như vụ nhà sử gia Thường Cừ tìm thấy “cốt rồng” ở Vũ Thành, Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào năm 300 trước Công nguyên. Còn tại Úc, những câu chuyện liên quan đến rồng có thể liên quan đến loài cá sấu đất bản địa của châu lục này, Quinkana, với con trưởng thành có độ dài trung bình từ 5 đến 7m, hoặc loài thằn lằn nặng 4 tấn Varanus priscus. Trong cuốn Bản năng của rồng, nhà nhân chủng học David E.Jones còn đưa ra một giả thuyết rằng con người thừa hưởng bản năng phản ứng đối với các loài rắn, mèo lớn và chim săn mồi. Điều trùng hợp là rồng “Tây” là sự kết hợp bởi 3 loài trên. Nỗi sợ hãi trong vô thức đối với các sinh vật đó có thể giải thích được tại sao nhiều nền văn hóa phương Tây lại phổ biến nhiều truyền thuyết tương tự nhau về rồng.

Bà con của rồng

Đầu tiên là Komodo, loài thằn lằn lớn nhất còn sống trên thế giới, đang cư trú tại Indonesia. Một số cá thể đôi khi dài đến 3m, ăn thịt sống, sẵn sàng chén luôn hoẵng nhỏ hoặc heo rừng. Rồng Komodo khá nguy hiểm, thậm chí con người cũng khó đối phó nếu chúng bị dồn vào chân tường. Rồng Komodo bơi như rái cá, đôi khi bơi vượt eo biển nửa cây số để săn mồi là dê nhà. Điều đáng ngạc nhiên là phải đến năm 1912 con người mới phát hiện ra loài sinh vật đặc biệt này. Rồng Komodo đang lâm vào tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng, và được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính phủ Indonesia.

Trước khi thế giới biết được sự tồn tại của Komodo, có một loài vật mang nhiều đặc điểm tương đồng như loài rồng trong truyền thuyết của phương Tây. Đó chính là rắn cánh sống ở vùng Glamorgan thuộc Wales hồi giữa thế kỷ 19. Theo một người lớn tuổi từng sống ở khu vực này và qua đời vào đầu thế kỷ 20, khu rừng xung quanh lâu đài

Penllyne chứa đầy những sinh vật khác thường khi ông còn là một cậu bé. Rắn cánh là một trong số đó. Loài rắn này bị dân địa phương tiêu diệt dần do thói quen săn mồi là gia súc trong vùng. Hậu quả là chúng đã bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, giới khoa học không có cách nào chứng minh hoặc nghiên cứu loài rắn bay của Xứ Wales.

Ngành rồng học đang “giãy chết”

Ngành rồng học - nếu có thể gọi như vậy - đang giãy chết, hoặc đã chết thật, sau khi tiến sĩ Volodimir Kapusianyk, nhà khoa học cuối cùng trên trái đất còn đặt niềm tin vào sinh vật huyền thoại trên, qua đời. Theo một số nguồn tin, vị tiến sĩ đã 98 tuổi này trải qua những ngày cuối cùng ở trạm dưỡng lão ở Moose Jaw, Saskatchewan (Canada). Không ai biết được tông tích chính xác của ông, trong khi một số người khác lại cho rằng chính Kapusianyk cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng từ những người phát cuồng về rồng.

Những người ủng hộ dẫn lời tiến sĩ Kapusianyk, khẳng định ông từng tận mắt nhìn thấy con rồng cuối cùng, đã chết trong cảnh giam cầm hồi năm 1911 ở một sở thú lưu động tại Nebraska. Ông miêu tả con rồng dài khoảng 3m, bị tưởng lầm là một con rắn hiếm có nào đó. Con rồng tội nghiệp không hề phun ra được ngụm lửa nào cho đến lúc chết. Cũng chẳng rõ làm sao chàng thiếu niên Kapusianyk chưa hề có kinh nghiệm lại biết chắc đấy là rồng. Đó cũng là lý do thúc đẩy tiến sĩ Kapusianyk theo đuổi con đường rồng học khó nuốt. Dù nhiều nhà khoa học từng chứng minh trên lý thuyết rằng không thể nào tồn tại một sinh vật như rồng trên thực tế, nhưng tiến sĩ Kapusianyk luôn đặt niềm tin không hề lay chuyển về con đường mình đã chọn. Và chắc chắn trên thế giới hiện nay không ít người vẫn bị loài vật bí ẩn này thu hút.

Thụy Miên
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.