Cảnh báo bệnh não mô cầu bùng phát dịp tết

18/01/2012 20:40 GMT+7

* Bệnh nhân tử vong do cúm A/H5N1 tại Kiên Giang

(TNO) Số ca mắc bệnh não mô cầu tăng nhanh, xuất hiện nhiều nơi. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM bệnh đã lây lan ra cộng đồng và ở mọi lứa tuổi.

Bệnh tấn công trẻ em

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), các bác sĩ đang tích cực điều trị cho một bệnh nhi nhiễm trùng huyết do vi rút gây bệnh não mô cầu, từ Bình Dương chuyển đến.

Bệnh nhi chỉ mới 29 tháng tuổi (ở xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), sốt cao liên tục từ ngày 12.1. Người nhà bệnh nhân cho biết, bé được mẹ cho uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm. Sau đó, trên người bé nổi nhiều nốt ban đỏ bầm, kích thước khác nhau. Thấy vậy, gia đình đã đưa bé nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 vào ngày 13.1.

 
Bệnh nhi nhiễm não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: Nguyên Mi

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), cũng xác nhận một trường hợp trẻ em cấp cứu, điều trị tại bệnh viện do nhiễm não mô cầu.

Bệnh nhi 16 tháng tuổi, ở xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đáng nói hơn, kết quả xét nghiệm của cả ba, mẹ và bà ngoại của bé đều phát hiện vi rút não mô cầu.

“Bệnh nhiễm não mô cầu có hai thể: viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Vi rút não mô cầu bình thường vẫn tồn tại sẵn trong vùng hầu họng của người bình thường, không phát bệnh. Bệnh phát khi cơ thể đề kháng yếu và điều kiện môi trường thuận lợi”, bác sĩ Châu giải thích.

Trước tình trạng bệnh trên, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo phụ huynh: Khi trẻ có triệu chứng sốt cao, uống thuốc mà không hạ sốt, viêm họng, trên người nổi tử ban (những chấm đỏ tím) thì phụ huynh phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, chữa.


Các nốt tử ban trên bệnh nhân nhiễm não mô cầu - Ảnh: Nguyên Mi

Đồng thời, bác sĩ Châu khuyến cáo việc chẩn đoán bệnh nhiễm não mô cầu không chỉ phụ thuộc vào dấu hiệu lâm sàng mà cần kiểm tra, xét nghiệm chặt chẽ bởi dấu hiệu tử ban ở người bệnh đôi khi không điển hình (không có tử ban, nhất là ở trẻ nhỏ). Vì vậy, người bệnh nếu có đau họng thì phải đến cơ sở y tế khám để có chẩn đoán và hướng điều trị thích hợp.

Lây lan ra cộng đồng

Bệnh nhiễm não mô cầu khởi phát từ cuối tháng 12.2011, tại Công ty Fukukawa (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM).

Tính đến hôm nay (18.1), TP.HCM và Bình Dương đã có 5 trường hợp bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh nhiễm não mô cầu, đang được điều trị.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) vừa qua cũng đã điều trị cho một bệnh nhân nhiễm não mô cầu.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết các ổ dịch não mô cầu đã xuất hiện ở nhiều khu vực như Q.7, 9, huyện Bình Chánh (TP.HCM) và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Các ca bệnh đều xuất phát từ những khu công nhân lưu trú. Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có ba mẹ đều là công nhân của Khu công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương); bệnh nhi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là con của cặp vợ chồng đều là công nhân tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

 
Các khu nhà trọ ẩm thấp, tập trung đông đúc rất dễ trở thành nguồn lây lan bệnh - Ảnh: Nguyên Mi

“Ban đầu, bệnh chỉ bộc phát ở thanh niên công nhân nhưng đến nay bệnh đã lan ra nhiều nơi và tấn công trẻ em. Có thể khẳng định bệnh não mô cầu đã lây lan trong cộng đồng và ở mọi lứa tuổi”, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đánh giá.

Bác sĩ Thọ cho biết thêm, hơn 70% công nhân (trong tổng số 51 công nhân) bị viêm họng cấp được Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm đều có kết quả phát hiện vi rút gây bệnh nhiễm não mô cầu.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Hoàng San, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khuyến cáo tỷ lệ như trên là rất cao và bất thường. Bác sĩ San lo ngại “số người mang mầm bệnh sẵn sàng truyền bệnh cho người khác trong cộng đồng là rất cao”.

Đặc biệt, theo bác sĩ San, mùa đông xuân, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi rút đường hô hấp phát triển. Mặt khác, tâm lý người dân lại hay kiêng kỵ đến bệnh viện, đi khám bệnh trong mấy ngày tết nên đa phần sẽ ở nhà tự mua thuốc uống, đến khi nào chịu không nổi mới vào bệnh viện. Điều này làm bệnh nặng, kéo dài, khó điều trị và có thể biến chứng dễ dẫn đến tử vong.

Đặc biệt, ông Thọ cho biết vào thời điểm tết mọi người tập trung đông tại nhiều khu vực, đi lại nhiều nên dễ lây lan mầm bệnh. Sau tết, lượng người từ các tỉnh về lại TP làm việc lại rất đông nên cũng rất khó kiểm soát dịch.

Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế phối hợp với các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp kiểm soát, xử lý khử khuẩn các ổ dịch; lập danh sách tất cả người sống trong khu nhà trọ có bệnh nhân và danh sách công nhân/nhân viên công ty và khu công nghiệp, nhà trọ có người bệnh để tiến hành giám sát điều trị dự phòng trước và sau tết; hướng dẫn chủ nhà trọ khử trùng toàn khu nhà trọ có bệnh nhân bằng Chloramin B. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, vật tư y tế cho phòng chống dịch.

Bệnh nhân tử vong do cúm A/H5N1 tại Kiên Giang

Hôm nay 18.1, tiến sĩ - bác sĩ Lê Hoàng San, Phó viện trưởng Viện Pasteur (TP.HCM) cho biết, theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân L.V.N chết tại Bệnh viện Kiên Giang là do nhiễm cúm A/H5N1.

Bệnh nhân L.V.N (18 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) làm nghề chăn vịt. Trước đó, N. bị sốt cao, than mệt và uống thuốc nhiều ngày nhưng không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Kiên Giang vào ngày 10.1 để điều trị và tử vong sau đó.

Như vậy, đây là ca bệnh H5N1 trên người đầu tiên được phát hiện và tử vong trong năm nay.

Bác sĩ San cảnh báo bệnh cúm A/H5N1 đang có dấu hiệu quay trở lại tại miền Nam trong năm nay.

Viên An

>> Bệnh nhiễm não mô cầu tăng nhanh tại ổ dịch
>> TP.HCM: Xuất hiện ổ bệnh nhiễm não mô cầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.