Dấu chân tài trợ

15/01/2012 00:47 GMT+7

Sau bao nhiêu ngày cân nhắc, bao nhiêu đêm trằn trọc, bao nhiêu buổi trưa không ngủ để suy tính thiệt hơn, cuối cùng Tèo quyết định trở thành ca sĩ. Nó bảo tôi:

Sau bao nhiêu ngày cân nhắc, bao nhiêu đêm trằn trọc, bao nhiêu buổi trưa không ngủ để suy tính thiệt hơn, cuối cùng Tèo quyết định trở thành ca sĩ. Nó bảo tôi:

- Cậu ạ, làm ca sĩ hiện nay có quá nhiều cái lợi mà làm người thường không sao có được. Đó là được đi dự tiệc, được lên sân khấu, lên ti vi. Làm bất cứ cái gì cũng được bà con chú ý, mà chẳng làm gì cũng được nhắc nhở, thật dễ nổi tiếng vô cùng.

Tôi cũng công nhận Tèo nói đúng. Dư luận quá ủng hộ, quá chú ý tới ca sĩ trong khi bỏ qua hết các ngành nghề khác trên đời. Ví dụ như bạn làm thợ hồ, bạn lộ hàng hay chụp ảnh khỏa thân có ai buồn nhắc tới không? Nhưng nếu bạn là ca sĩ, cả thành phố lập tức đổ xô vào.

Tôi nói với Tèo:

- Cậu nói quá chính xác. Nhưng suy cho cùng ai chẳng biết vậy. Vấn đề ở chỗ muốn trở thành ca sĩ cần quá nhiều điều kiện. Nào chất giọng hay, nào khả năng vũ đạo, nào ngoại hình, nào trang phục, ai mà kham nổi?

Tèo xì mũi:

- Bạn nhầm rồi. Theo tớ, làm ca sĩ chỉ cần luyện thật tốt vài bài hát, sau đó tổ chức một “lai sô” đình đám, gây ấn tượng là xong, chẳng cần phải qua nhiều bước phức tạp khác.

Ừ, suy cho cùng, Tèo nói cũng hợp lý quá. Chẳng vậy mà rất nhiều ca sĩ bây giờ phải tổ chức “lai sô” bằng được, sau đó mới ra mắt. Không “lai sô” không thành sự nghiệp.

Tèo say sưa:

- Tớ đã bán nhà bán cửa, vay chị vay em, cầm cả sổ đỏ lẫn sổ đen cho ngân hàng, quyết tổ chức một đêm “lai sô” hùng tráng, có một không hai, để bà con biết tới sự xuất hiện phi thường của nam ca sĩ Philip Tèo.

Tôi giật mình:

- Sao lại Philip Tèo?

Nó nháy mắt:

- Bởi ca sĩ phải có nghệ danh, mà nghệ danh cần nửa tây nửa ta mới sang. Thôi chào cậu, tớ đi đây. Nhiều việc lắm.

Tèo hớt hải quay đi. Tôi hoàn toàn thông cảm. Con người ta, chỉ cần xách một xô quần áo đi giặt đã mệt rồi, huống chi là tổ chức “lai sô”.

Nửa tháng sau, Tèo đến gặp tôi, mặt mũi phờ phạc, đầu tóc bơ phờ. Nó mếu máo:

- Cậu ơi, “lai sô” của tớ toi mất, vì chẳng có ai tài trợ.

Tôi trợn mắt:

- Việc gì phải cần tài trợ? Cậu không làm nổi một mình à?


Minh họa: DAD
 

Tèo mếu máo:

- Không. Cậu phải biết, để có một đêm trình diễn, cần thuê địa điểm, thuê âm thanh, thuê ánh sáng, thuê bảo vệ... Chả biết bao nhiêu loại tiền. Chẳng có ai tài trợ thì thua mất.

Rồi Tèo quay đi, và khóc. Tôi thương nó quá. Nhưng tôi biết làm sao bây giờ? Sức tôi cùng lắm là tài trợ cho nó một lời an ủi.

Nhưng mươi ngày sau, Tèo đến, mặt mày hớn hở, đôi mắt rực sáng:

- Cậu ơi, ngon lành rồi. Đã có công ty tài trợ cho tớ!

Tôi mừng quá:

- Công ty gì?

Tèo hạnh phúc:

- Sữa đậu nành.

Tôi kinh ngạc:

- Sữa đậu nành thì liên quan gì tới ca nhạc?

Tèo nhún vai:

- Tớ cũng tưởng như cậu. Nhưng họ đưa ra những tài liệu rất thuyết phục, chứng minh các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới trước khi sáng tác đều uống sữa đậu nành, các ca sĩ thành công đều lớn lên bằng bột đậu nành và các bản giao hưởng vĩ đại đều viết trong kho đậu nành. Tớ hoàn toàn tin họ.

Tôi cảm thấy nghi ngờ lòng tin của Tèo, nhưng không tiện nói ra. Tuy nhiên, tôi cảnh báo nó:

- Cậu phải cẩn thận mới được. Các nhà tài trợ hay can thiệp thô bạo vào nội dung lắm.

Tèo tự tin:

- Yên chí đi. Tớ là nghệ sĩ có bản lĩnh, có danh dự. Nghệ thuật của tớ không thể bị một sản phẩm nào phá hỏng, kể cả đậu nành.

Đêm trình diễn đã tới.

Tôi cầm cái vé mời, in hình chai sữa đậu nành chen chân vào cửa. Những ai không có vé, có thể đưa ba nắp chai cũng được vào.

Trong nhà hát, khán giả không ngồi vào ghế mà ngồi trong các thùng đựng sữa. Tên ca sĩ, thay vì Philip Tèo, đổi thành David Đậu.

Sân khấu trang hoàng như một cái chai khổng lồ. Mở màn, thay cho tiếng nhạc là tiếng bật nắp chai.

Mọi người vỗ tay rào rào vì tưởng Tèo bước ra, nhưng đấy chính là đại diện nhà tài trợ. Ông đọc một diễn văn dài sáu mươi phút, căn dặn các nghệ sĩ uống sữa, các khán giả dùng sữa và các đại lý tăng cường bán sữa đậu nành, bỏ qua mọi sữa khác.

Sau đấy, Tèo xuất hiện trong bộ quần áo trắng toát, kết từ vỏ đậu nành. Tèo hát liền năm bài, lần lượt có tên là: Đậu nành xót xa; Yêu là uống, uống là hạnh phúc, hạnh phúc là đậu; Chia tay bổ dưỡng; Em đi về nơi sữa trắng; Xin lỗi tình đậu. Trong khi hát, Tèo cầm một chiếc micro hình cái chai.

Những khán giả nào la ó, bị bảo vệ cầm dùi cui hình chai sữa đập túi bụi.

Kết thúc “lai sô”, Tèo cầm cả thùng sữa hắt vào khán giả, và gào lên: “Thà đậu nành còn hơn đậu tiến sĩ”.

Tôi ra về thì thấy cửa khóa chặt, ai muốn thoát phải uống ba lít đậu nành! 

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.