Chốt cấp cứu ở khúc cua tử thần

08/01/2012 18:49 GMT+7

Nghe tiếng xe rít dài tại khúc cua tử thần trước nhà, bất kể ngày hay đêm, đôi vợ chồng Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1959) và Đỗ Thị Kim (1962) bỏ hết những việc đang làm, lập tức lao ra hiện trường...

Nghe tiếng xe rít dài tại khúc cua tử thần trước nhà, bất kể ngày hay đêm, đôi vợ chồng Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1959) và Đỗ Thị Kim (1962) bỏ hết những việc đang làm, lập tức lao ra hiện trường...

Đội cấp cứu gia đình

Đã gần 20 năm, bất kể ngày đêm, lễ tết, với chiếc băng ca, bông băng, thuốc sát trùng và chiếc bình ắc quy lúc nào cũng sạc đầy, hai vợ chồng già cùng 4 đứa con nhà ở gần cầu số 38, quốc lộ 14 (thôn 5, xã Đức Liễu, H.Bù Đăng, Bình Phước) hễ nghe xảy ra tai nạn là lập tức mỗi người một tay, băng bó, sát trùng vết thương cho người bị nạn. Với những ca nặng ông Tuân phải gọi xe cứu thương của H.Bù Đăng xuống chuyển đi. Có những ca khẩn cấp ông phải lấy xe máy của mình chở nạn nhân tới bệnh viện để kịp thời cứu chữa.

 
Hai vợ chồng đang sơ cấp cứu cho người bị nạn - Ảnh: G.P

"Chốt sơ cấp cứu nhân đạo cầu 38" của gia đình ông Tuân đúng với ý nghĩa nhân đạo bởi ông không hề nhận một đồng trợ cấp nào. Thậm chí những ngày đầu khi mới làm công việc sơ cứu, ông còn phải tự bỏ tiền túi ra mua bông băng, thuốc sát trùng. Đến khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước quyết định thành lập chốt sơ cứu ngay tại nhà ông (năm 1996), gia đình ông mới được cấp cho một lượng thuốc sát trùng, bông, băng phục vụ cho việc sơ cấp cứu.

Ông Tuân, bà Kim đều là bộ đội xuất ngũ, lấy nhau tại quê nhà (Quảng Xương, Thanh Hóa). Năm 1993, ông Tuân quyết định rời quê hương vào làm kinh tế mới tại vùng đất này. Chọn mảnh đất màu mỡ cạnh một dòng sông trên quốc lộ 14, hai vợ chồng cất nhà, làm nương, bắt tôm cá mưu sinh. Cuộc sống gia đình thay đổi từ 1994, khi thủy điện Thác Mơ thi công cầu 38 nối liền hai bờ sông trên tuyến quốc lộ 14. Những tưởng con đường mới sẽ giúp cho cuộc sống gia đình ông thuận lợi hơn, thế nhưng... đoạn cua gấp tại đây trở thành khúc cua tử thần làm đảo lộn cuộc sống cả nhà. Hàng loạt vụ tai nạn diễn ra ngay trước mắt, bất kể thời gian nào.

Nhớ lại vụ tai nạn thảm khốc đầu tiên tại đoạn cua tử thần này, cả nhà ông Tuân vẫn còn rùng mình. Lần đó đang phát cỏ sau vườn, ông Tuân nghe tiếng xe rít lên, một tiếng va chạm thật mạnh như xoáy vào tim. Gác lại công việc đang làm dở dang, ông lao ra trước nhà. Đến nơi, một chiếc xe khách lật nhào giữa đường vì cua gấp, hàng chục người bê bết máu còn kẹt trong xe. Ông cùng vợ và các con lao đến kéo người bị thương ra khỏi xe. Trên xe lúc đó có khoảng 40 người, 16 người bị thương nặng. Số người bị thương đông mà trong nhà bông, băng đều hết sạch. Vợ chồng ông phải cắt mền mùng để băng vết thương cho người bị nạn. Người nhẹ thì băng bó cho nằm đó, người nặng ông ra dừng xe trên đường nhờ chuyển gấp đến bệnh viện. Thế rồi hết vụ này đến vụ khác nối tiếp nhau, ông và gia đình trở thành “cứu tinh” cho hàng ngàn người đi đường gặp nạn.

 
Vợ chồng ông Tuân, bà Kim trước chốt sơ cấp cứu - Ảnh: Giang Phương

Thống kê 10 năm, từ 1999 đến hết năm 2008, tại khúc cua này đã có tới 1.207 vụ tai nạn, làm 10 người chết và 1.871 người bị thương, trong đó có 400 người bị chấn thương sọ não. Chỉ tính 11 tháng của năm 2011, tại đây xảy ra 90 vụ tai nạn giao thông trong đó có 15 ca gãy xương, 4 ca chấn thương sọ não. Ông Tuân buồn bã nhấp ngụm trà rồi nói: “Chú xem, trước đây khúc cua này có đèn đường nhưng gần một năm nay thì bị cắt. Tôi thấy lo cho người đi đường lắm chú ạ!”.

 Chặn cướp

Chốt cấp cứu nghĩa tình

Đó là nhận xét của ông Văn Xuân Góp, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước về chốt sơ cấp cứu nhân đạo của gia đình ông Tuân ở cầu 38. Ông Góp nhận định, khúc cua cầu 38 đến nay vẫn là một “điểm nóng” về tai nạn giao thông của tỉnh Bình Phước trên tuyến quốc lộ 14, bởi cua gấp, khuất tầm nhìn. “Cả hai vợ chồng ông Tuân dù tình nguyện nhưng đầy nhiệt huyết, thậm chí hy sinh quyền lợi bản thân để kịp thời cứu sống hàng ngàn người bị nạn. Chỉ cần nhìn qua số vụ tai nạn hằng năm mới biết được công việc của vợ chồng ông làm tất bật thế nào”, ông Góp nói.

Ông Tô Hà Quang, Chủ tịch UBND xã Đức Liễu (H.Bù Đăng, Bình Phước) kiến nghị, để giải quyết tình trạng nguy hiểm tại khúc cua này, cần tính toán việc “nắn” lại con đường và đặt thêm biển báo giao thông tại đây.

Ông Tuân, bà Kim không chỉ cứu hộ người bị nạn mà còn đứng ra bảo vệ tài sản, chặn bắt trộm cướp cho rất nhiều người. Khu vực quanh cầu 38 dân cư thưa thớt, khi xảy ra tai nạn dễ bị nhiều đối tượng xấu lợi dụng để trộm cắp tài sản của người bị nạn.

Ông Tuân vẫn không thể nào quên được vụ tai nạn xảy ra vào 21 giờ 30 ngày 1.1.2000. Khi cả nhà đang xem ti vi thì một tiếng động rất lớn ở đoạn cua trước nhà vang lên. Ông cùng vợ con xách túi, băng ca cùng chiếc bình soi ắc quy chạy ra ngoài: một chiếc taxi bị lật úp trên đường, tài xế cùng hai người khách trên xe bị thương bất tỉnh. Đang lo sơ cứu, ông thấy một đám thanh niên lợi dụng thời cơ đến xe lấy trộm chiếc cặp táp (sau này mới biết bên trong có hơn 15 triệu đồng) và chiếc laptop. Vợ chồng ông giao lại việc sơ cứu cho các con để ra ngăn cản. Sau đó, hơn chục thanh niên cầm dao, xẻng, gậy xông tới vây kín nhà đe dọa, đánh vợ ông bất tỉnh phải nhập viện, ông bị thương ở tay. Lực lượng công an đã kịp thời có mặt bắt giữ các đối tượng và trao trả lại tài sản cho người bị nạn.

Lần khác vì bảo vệ tài sản người bị nạn, nhà ông bị những đối tượng xấu đốt rẫy điều. Thế nhưng, những chuyện đó không làm gia đình ông sợ sệt.

Có nhiều lần, vợ chồng ông Tuân còn bán heo nhà đang nuôi lấy tiền bảo lãnh, đóng viện phí cho những người bị tai nạn. Mặc dù sau đó họ bặt vô âm tín, nhưng không vì vậy mà vợ chồng ông buồn, vẫn đều đặn giúp đỡ người bị nạn.

Hôm chúng tôi ghé thăm ông bà, vừa đến quán nước của gia đình ông Tuân, đã nghe thấy nhiều người xôn xao vụ hai vợ chồng ông bà vừa lao ra chặn hai tên cướp lấy lại xe máy trả cho khổ chủ. Hơi thở còn gấp gáp, bà Kim kể: lúc đó bà đang bán nước, ở đầu cầu bên kia (thuộc xã Minh Hưng) thấy có hai thanh niên (mỗi người đi một xe máy) chạy với tốc độ khá cao, qua cầu 38 rồi đâm thẳng vào cua trước nhà, ngã xe. Nghi ngờ bọn chúng mới cướp xe ai đó, lập tức bà Kim lao ra đường thăm dò. Hai thanh niên nhìn bà run cầm cập, bà la lớn: “Tụi mày cướp xe người ta phải không, công an đang đuổi theo tới nơi rồi đó”. Lúc này, ông Tuân đang trông nồi thịt kho trong bếp nghe thấy cũng lao ra. Hai tên cướp lập tức nhảy lên chiếc xe đồng bọn, tẩu thoát về phía xã Đức Liễu để lại chiếc xe máy. Ngay lúc đó, ông Đinh Văn Tuyết (ngụ thôn 8, xã Minh Hưng) hớt hải chạy bộ đến nơi, nói vừa bị mất xe ở ngay đầu bên kia cầu.

Mọi chuyện bàn giao xong xuôi, hai vợ chồng bỗng nhớ tới nồi thịt kho. Xem lại thì đã bị khét mất một phần. Hể hả mời chúng tôi buổi cơm trưa với món thịt kho khen khét, hai vợ chồng ông vẫn thao thao kể chuyện đời quanh khúc cua tử thần này.

Giang Phương - Công Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.